Bàn về thang giá trị thế hệ trẻ Việt Nam thời kỳ hội nhập: 41% giới trẻ không nhất thiết phải sống cao thượng?
VHO- Đến hội nghị khoa học kinh tế trẻ 2019 với chủ đề “Đánh giá tác động của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia đến lực lượng lao động trẻ và nền kinh tế Việt Nam”, các chuyên gia đã khái quát bức tranh toàn cảnh về những thách thức của lao động Việt Nam trước bối cảnh hiện tại, trong đó bàn nhiều về thang bảng giá trị thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay với nhiều điểm đáng lưu tâm.
Theo các chuyên gia, lao động trẻ em Việt Nam cần trang bị nhiều kỹ năng trong giai đoạn hội nhập hiện nay
Hội nghị do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp cùng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tổ chức vào hôm qua 3.12.
Năng lực thích ứng của lao động trẻ rất hạn chế
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay lợi thế lớn nhất của Việt Nam là có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2018 Việt Nam có khoảng 94 triệu người, trong đó lao động từ 15 tuổi trở lên là trên 55 triệu người. Tỉ lệ lao động 15 tuổi trở lên có việc làm ước 54 triệu người, bao gồm 20,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng 14,4 triệu người; khu vực dịch vụ 18,7 triệu người.
Các đánh giá cho rằng, năng suất lao động là một điểm yếu của các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam. Theo bà Lê Thị Yến, Trường ĐH Kinh tế và Quản trị doanh nghiệp - ĐH Thái Nguyên, lao động trẻ là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng lớn đến việc thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy, năng lực thích ứng của lao động trẻ còn rất hạn chế, tính dễ bị tổn thương là khá cao. Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM nhận định, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế, trong đó tỉ lệ lao động trong độ tuổi được qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu thị trường lao động ngày càng lớn…
Để nâng cao năng lực thích ứng hay giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương của các nguồn lực trẻ trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng như hiện nay, bà Lê Thị Yến cho rằng, trong thời gian tới Việt Nam cần quan tâm đến nâng cao trình độ học vấn đối với lao động trẻ, cùng với đó là nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng; cung cấp thông tin về việc làm, dịch vụ… tới nguồn nhân lực, từ đó có kế hoạch cho công việc trong tương lai. PGS. TS Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng đưa ra 3 “chìa khóa” cho thanh niên Việt Nam, đó là khả năng học - ứng dụng công nghệ; thông thạo ngoại ngữ - am hiểu văn hóa; rèn luyện để hình thành kỹ năng.
Báo động về sự biến đổi hệ giá trị trong giới trẻ
Trong các yếu tố cấu thành nên chất lượng nguồn nhân lực trẻ thời kỳ hội nhập, các chuyên gia cho rằng, hệ giá trị văn hóa là thành tố quan trọng. Theo nhận định này, nhóm nghiên cứu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã có khảo sát sâu về thang bảng giá trị thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Theo nhóm tác giả, thang bảng giá trị thế hệ trẻ là thành tố quan trọng để duy trì, phát triển bản sắc, cốt cách, định hình và chi phối hành vi của giới trẻ. Việc xác định đúng đắn thang bảng giá trị thế hệ trẻ Việt Nam mới có thể định hướng, giáo dục, bồi dưỡng và phát triển thế hệ trẻ đáp ứng tốt những đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH.
Một nghiên cứu về lựa chọn giá trị trong giới trẻ đã cho kết quả không bất ngờ nhưng đáng báo động về sự biến đổi hệ giá trị khiến nhiều người phải suy nghĩ: 41% giới trẻ cho rằng không nhất thiết phải sống cao thượng vì đôi khi cao thượng là mù quáng, 36% cho rằng làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt, 28% có tư tưởng trả thù, báo oán, 18% đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, không quan tâm nếu không liên quan đến mình, 32% chấp nhận hành vi vô ơn, không coi đó là chuyện vi phạm đạo đức, 60% không thừa nhận trách nhiệm của bản thân mà đổ lỗi cho cha mẹ về cách cách nuôi dạy con cái,…
Theo tác giả Hoàng Thùy Linh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình kinh tế, Việt Nam từng bước ứng dụng có hiệu quả mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN và đạt được nhiều thành tựu. Với văn hóa, chính sự chuyển đổi, quá độ đó một mặt góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc; nhưng mặt khác, đó là sự giằng co, đấu tranh, giằng xé giữa cũ - mới, tốt - xấu, dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Điều đó khiến nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc dần mai một, một số giá trị tích cực trong nhân sinh quan của người Việt bị đẩy xuống hàng thứ cấp, nhường chỗ cho hai cặp phạm trù song sinh “tiền” – “quyền”, gây khủng hoảng niềm tin và đứt gẫy hệ giá trị. Do vậy, cần xây dựng được thang bảng giá trị đáp ứng nhu cầu mong muốn và thị hiếu cho giới trẻ Việt Nam trong một bước chuyển “kép”, vừa đạt được các giá trị của xã hội hiện đại hóa, vừa bước vào giá trị của xã hội hậu hiện đại với những bản sắc riêng biệt của dân tộc.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khi thang bảng giá trị và những yếu tố tiêu cực đang có sự giằng co, đấu tranh quyết liệt, việc xây dựng, hoàn thiện thang bảng giá trị phổ quát thế hệ trẻ Việt Nam thời kỳ hội nhập có ý nghĩa quan trọng và cần thiết để hướng Việt Nam phát triển bền vững. Qua đó giúp nhận diện rõ hơn những yếu tố tiêu cực đã và đang đánh giá nảy sinh do nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa tác động, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp hướng thế hệ trẻ Việt Nam tạo dựng được hệ giá trị chuẩn mực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế thời kỳ hội nhập.
ANH HUY