Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm môi trường
VHO- Môi trường ngày càng bị tàn phá nặng nề, việc vi phạm hành chính về môi trường ngày một gia tăng. Để việc ngăn ngừa, khắc phục tình trạng vi phạm môi trường đạt hiệu quả ngày một cao thì việc tăng cường xử lý các hành vi vi phạm môi trường là một trong những biện pháp cần thiết.
Xả thải nước thải ra sông là hành vi vi phạm môi trường
Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 647/VPCP- NN gửi Bộ TN&MT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó sau khi Bộ TN&MT có Báo cáo số 119/BC-BTNMT về Kết quả triển khai Kế hoạch xử lý ô nhiễm triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 phê duyệt tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1.10.2013 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ TN&MT tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết, thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định cũng như các văn bản quy định chi tiết, thực hiện của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nơi có cơ sở đó hoạt động phải bố trí nguồn lực, kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, thu hút nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác theo đúng quy định của pháp luật để xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn trước ngày 31.12.2022 và cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi chây ỳ, chậm trễ trong việc thực hiện. Với nhiệm vụ xử lý dứt điểm các cơ sở vi phạm, Bộ TN&MT cũng cần có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giám sát đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Thanh tra Bộ TN&MT, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ngoài tính răn đe các hành vi vi phạm cần có các mức hình phạt tương ứng với từng mức độ hành vi, dựa trên nguyên tắc vi phạm càng lớn mức xử phạt càng cao. Do đó trong hoàn thiện việc xây dựng Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đã quy định rõ các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt cũng như biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được xác định như các hành vi vi phạm về đăng ký môi trường, giấy phép môi trường, các hành vi gây ô nhiễm môi trường, các hành vi vi phạm về quy định bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất; các hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội, du lịch; các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường… Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm hành chính về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên, các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ di sản thiên nhiên, giảm nhẹ khí thải nhà kính, bảo vệ tầng ozon… cũng được coi là các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
THANH BẢO