Phục hồi rạn san hô, phát triển du lịch biển

VHO- Vịnh Quy Nhơn có chiều dài bờ biển 72 km, được bao bọc xung quanh là các hòn đảo nhỏ, tạo nên các bãi tắm lý tưởng cho khách du lịch vui chơi, thư giãn khi đến với Bình Định. Hơn thế, cùng với hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển cũng như các động vật thủy sinh đa dạng đã tạo nên cảnh quan sinh thái biển đầy màu sắc và quyến rũ.

Phục hồi rạn san hô, phát triển du lịch biển - Anh 1

Hòn Khô (xã Nhơn Hải) có rạn san hô đẹp nên dịch vụ du lịch biển phát triển

 Để phát triển du lịch bền vững, những năm gần đây chính quyền tỉnh Bình Định đã triển khai mô hình Tổ chức cộng đồng (TCCĐ) bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, góp phần thu hút du khách, phát triển du lịch, đem lại hiệu quả thiết thực.

Với diện tích 36.537 ha, vùng biển ven bờ vịnh Quy Nhơn thuận lợi cho sự hình thành và phát triển đa dạng sinh học, trong đó có sự hiện diện của các hệ sinh thái điển hình quan trọng như vùng triều, đáy mềm lân cận, thảm cỏ biển, rạn san hô... Cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên biển và sự đa dạng sinh học nơi đây đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và thủy sản, góp phần giải quyết công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng.

Từ thế mạnh trên, để bảo vệ tài nguyên biển, phát triển kinh tế thủy sản và du lịch sinh thái một cách bền vững, UBND tỉnh Bình Định đã chú trọng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tại các dự án do GEF, MCD tài trợ, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Hiệp hội Thủy sản và UBND TP Quy Nhơn hỗ trợ các địa phương như Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng xây dựng mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017 với 220 thành viên. Đây là những mô hình đồng quản lý đầu tiên, được thành lập theo Luật Thủy sản mới trên cả nước.

Các TCCĐ bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương được chính quyền giao quyền bảo vệ khu vực biển Bãi Dứa (Nhơn Lý), Tây Hòn Khô nhỏ (Nhơn Hải), biển Hòn Nhàn (Ghềnh Ráng), Bãi Trước (Nhơn Châu)… với tổng diện tích hơn 46 ha. Sau khi được công nhận và giao quyền, TCCĐ ở các địa phương đã tổ chức thả phao tiêu khoanh vùng bảo vệ. Ngoài ra, các TCCĐ cũng thường xuyên tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, lắp đặt các pano, biển báo tuyên truyền, tổ chức dọn vệ sinh trên bờ biển và dưới nước tại khu vực rạn san hô; đồng thời bắt, tiêu diệt sao biển gai - kẻ thù ăn san hô.

Phục hồi rạn san hô, phát triển du lịch biển - Anh 2

 Ngắm san hô tại biển Kỳ Co (xã Nhơn Lý)

Theo Ban đại diện TCCĐ bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương, tùy thuộc vào khu vực biển khoanh vùng bảo vệ theo điều kiện thực tế của từng địa phương, chúng ta có thể phân ra thành khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và khu dịch vụ du lịch. Tại phân khu du lịch giải trí, việc đặt bè nổi cho khách du lịch lặn ngắm san hô phải theo hướng dẫn của Đội Bảo vệ san hô. Trong đó, hạn chế bơi lặn ngắm trực tiếp, khuyến khích sử dụng thảm nổi, thúng đáy kính chèo tay, tránh làm rạn san hô bị xâm hại do việc thả neo, dẫm đạp; các bè phải có thùng rác và tổ chức thu gom rác vào bờ; trên bè phải có bảng hướng dẫn du khách thực hiện các quy định bảo vệ san hô và an toàn trên biển…

Hiện hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực biển vịnh Quy Nhơn đang dần phục hồi. Minh chứng là kết quả quan trắc vào tháng 6.2021 cho thấy, độ phủ san hô sống tại khu vực Bãi Dứa với san hô cứng đạt 62,5%, san hô mềm 13%; Hòn Khô nhỏ đạt 44,3%, chủ yếu là san hô cứng; rạn ở Hòn Nhàn đạt 31,8 %, chủ yếu là san hô cứng; rạn Bãi Trước đạt 23,1%... Nhìn chung, rạn san hô tại 4 khu vực này đang dần được phục hồi sau thời gian khoanh vùng bảo vệ, góp phần bảo vệ nơi trú ẩn và sinh sản cho các loài thủy sản, đồng thời giữ cân bằng hệ sinh thái môi trường, bảo tồn cảnh quan sinh thái tự nhiên. Anh Nguyễn Hạ Lào, Phó Ban Đại diện TCCĐ bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Châu chia sẻ: “San hô loại bánh tráng, sừng hươu ngày xưa ở Cù Lao Xanh dày đặc, nhưng sau thời gian bị tàn phá thì độ che phủ san hô hiện còn rất thấp. Qua thời gian khoanh vùng bảo vệ, giờ đây san hô đang dần phục hồi, phát triển trở lại”.

Ngành Du lịch tỉnh Bình Định nhìn nhận, phục hồi hệ sinh thái rạn san hô tại biển Quy Nhơn là hướng đi phù hợp cho sự phát triển du lịch tại địa phương. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX cũng đã xác định Ngành Du lịch tỉnh giai đoạn 2020-2025 sẽ là một trong năm trụ cột tăng trưởng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hiện Bình Định đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch biển đảo thành sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh. Trong đó, chú trọng đến lợi thế sản phẩm du lịch thể thao, giải trí trên biển (công viên biển, lặn ngắm san hô, mô tô nước, thuyền buồm, lướt ván, tàu lặn, flyboard…) tại các làng chài, danh thắng có rạn san hô đẹp như Nhơn Lý, Nhơn Hải, Cù Lao Xanh, Ghềnh Ráng… 

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc