Bức xúc với hành vi trộm chó dã man
VHO- Mới đây, trên mạng xã hội đã lan truyền clip về hành vi trộm cho của hai đối tượng được cho là ở TP HCM một cách dã man, khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.
Theo clip được ghi lại ngày 28.7, mặc dù chú chó đã bị xích, nhưng có 2 kẻ trộm chó đi xe máy đến gần, 1 kẻ ngồi trên xe máy canh chừng, kẻ còn lại tiến về phía con chó với chiếc que nhọn và một lúc sau con chó đã bị xiên qua chiếc que này. Khi bị phát hiện, kẻ ngồi trên xe máy phóng xe đi, người dân chặn tên còn lại. Tuy nhiên, hắn đã chống trả và chạy thoát thân cùng con chó.
Người chia sẻ clip cho biết, kẻ trộm chó đã dùng que nhọn xiên qua cổ họng chó và quay khoảng 15 giây, cho đến khi con chó chết. Khi bị phát hiện, hắn đã dùng bình xịt hơi cay, và dao nhọn để đe dọa và chạy thoát. Với những hình ảnh này, cộng đồng mạng bày tỏ sự bức xúc vì hành động dã man của kẻ trộm chó, thậm chí nhiều người còn cổ súy cho việc đánh người, làm thương vong tên trộm.
Chú chó bị que nhọn xiên qua cổ họng và tên trộm chống trả lại người phát hiện
Việc trộm chó hiện nay đang xảy ra tại nhiều địa phương, đây cũng là mối nguy cơ tiềm ẩn kéo theo nhiều hệ luỵ khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội. Các đối tượng không những ngang nhiên thực hiện hành vi trộm chó mà còn sẵn sàng dùng hung khí chống trả, nhằm thoát thân khi bị người dân và lực lượng chức năng phát hiện, vây bắt. Trong khi đó, với mỗi người dân, chó được xem là loại động vật thân thiết, gần gũi với con người.; nhưng khi bị bắt trộm, người dân vừa mất mát lại vừa bị chính các đối tượng tấn công, gây thương tích. Do đó, khi bắt được đối tượng trộm chó, người dân chịu ảnh hưởng bởi sự tức giận dồn nén và kích động của những người xung quanh, cổ súy theo tính chất tập thể dẫn đến hành vi khó kiểm soát. Hậu quả là đối tượng trộm chó bị đánh đập tập thể, thậm chí dẫn đến tử vong.
Ăn thịt chó là thói quen của nhiều người không chỉ ở Việt Nam mà còn ở một số nước trong khu vực, do đó, việc trộm chó không chỉ để giết thịt mà còn để buôn bán qua biên giới. Gần đây, để chấm dứt một cách bền vững nạn buôn bán thịt chó mèo dã man ở Đông Nam Á, tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws đã phát động một chiến dịch tầm quốc tế và quốc gia ở Campuchia, Indonesia và Việt Nam, nhằm thông qua việc giáo dục, hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm, cộng đồng địa phương và ngành du lịch, để các Chính phủ hoàn thiện và thực thi luật bảo vệ động vật, chấm dứt việc bắt giữ, giết mổ và tiêu thụ chó mèo. Chiến dịch đã tạo được sức hút toàn cầu và đã nhận được hơn 830.000 chữ ký kể từ khi bắt đầu vào cuối năm ngoái.
Đầu tháng 8 vừa qua, Four Paws đã đóng cửa một lò mổ chó tại tỉnh Kampong Thom – Campuchia và giải cứu 15 con chó đang chờ bị giết thị, chúng sẽ được chuyển tới các cơ sở từ thiện chăm sóc động vật ở địa phương là “Animal Rescue Cambodia” hoặc tìm chủ. Lò mổ này thường giết khoảng 3.000 con chó mỗi năm, sau đó, thịt chó được mang đi tiêu thụ tại Siem Riep. Nơi này cũng là nơi cung cấp thịt chó lớn nhất trong khu vực. Do vị trí của nó nằm giữa Siem Riep và Phnom Penh, nên việc đóng cửa này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thịt chó cho các tỉnh lân cận và Thủ đô.
Một chú chó sau khi được giải cứu khỏi lò mổ tại Campuchia
Ngoài tỉnh Siem Riep (là tỉnh mới đây vừa ban bố lệnh cấm buôn bán giết hại chó mèo), thì chưa có một điều luật cụ thể nào ở Campuchia ngăn cấm nạn buôn bán này. Tuy nhiên, các quy định pháp luật đã được xây dựng và nếu được áp dụng, nạn buôn bán sẽ giảm dần. Các điều tra Four Paws cho biết, các con vật đều bị đối xử dã man ở tất cả các khâu trong quá trình buôn bán, từ lúc bị bắt cho đến khi bị giết thịt. Việc buôn bán ở quy mô lớn khoảng trên 3 triệu con chó/năm, và rất nhiều trong số chúng bị bắt thô bạo trên đường phố. Ở Campuchia, hầu hết các con chó bị giết bằng cách dìm chết, treo cổ hoặc chọc tiết. Đàn ông chiếm phần lớn trong số khách hàng, họ có xu hướng ăn thịt chó như một món nhậu với bạn bè, kèm theo các đồ uống có cồn. Khách hàng là phụ nữ lại có xu hướng ăn thịt chó ở nhà như một món ăn chữa bệnh.
“Chấm dứt nạn bắt giữ, làm thịt và tiêu thụ thịt chó, mèo không chỉ là bảo vệ động vật, mà còn bảo vệ cộng đồng trước mối đe dọa về sức khỏe. Dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy thực tế việc buôn bán thịt động vật sống nguy hiểm như thế nào. Ở Vũ Hán – nơi được cho là khởi phát Covid-19, động vật bán lấy thịt bị nhốt trong điều kiện chật hẹp và mất vệ sinh. Những điều kiện nuôi nhốt đó cũng được trông thấy ở những nơi buôn bán thịt chó ở Campuchia, tất cả dẫn đến môi trường lý tưởng để phát triển loại virus mới”, tiến sỹ Dr Karanvir Kukreja – Giám đốc Dự án Chiến dịch chấm dứt nạn buôn bán thịt chó mèo của Four Paws nhấn mạnh.
NGUYÊN KHANG