VỀ CÔNG TÁC CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI: Nhìn vào những con số mà thấy nhiều nỗi lo

VH- Đến năm 2050, Việt Nam sẽ có ít nhất 1/3 dân số là người cao tuổi (trên 60 tuổi). Với sự già hóa nhanh như vậy đã, đang tạo áp lực tương đối lớn cho công tác chăm sóc cho người cao tuổi.

Hiện nay đã có Luật Người cao tuổi và nhiều hành lang pháp lý liên quan nhưng việc thực thi nó vẫn còn hạn chế. Bởi vậy việc ra đời Hội Lão khoa Việt Nam sẽ góp phần tạo thêm nhiều nguồn lực, khắc phục khó khăn cho ngành.

VỀ CÔNG TÁC CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI: Nhìn vào những con số mà thấy nhiều nỗi lo - Anh 1

 Chăm sóc NCT ở BV Lão khoa Trung ương Ảnh: LÊ HẢO

Nhiều thách thức trong chăm sóc người cao tuổi

Năm 2011, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất và theo ước tính thì đến năm 2050 thì chúng ta sẽ có ít nhất một phần ba dân số là người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên. TS.BS Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc BV Lão khoa Trung ương cho rằng, điều này sẽ tạo một áp lực tương đối lớn đối với các hệ thống thực hiện việc đảm nhiệm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi như hệ thống các khoa lão, các tổ chức xã hội, nhà dưỡng lão, cơ sở chăm sóc người tâm thần...

Kết quả các nghiên cứu cũng cho thấy, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 72,8 tuổi, tuy nhiên số tuổi sống khoẻ mạnh chỉ đến 62. Như vậy người già Việt Nam có hơn 12 năm sống trong tình trạng sức khoẻ yếu kém. Riêng nghiên cứu của BV Lão khoa Trung ương, năm 2016 thực hiện với 610 cụ trên 80 tuổi tại Sóc Sơn thì thấy trung bình 1 NCT mắc 6,9 bệnh; 33,6% lâm vào cảnh góa bụa, 8,2% cụ phải sống một mình, chỉ 17,7% sống với vợ hoặc chồng. Thu nhập trung bình của các cụ là 537,9 nghìn đồng/tháng, chủ yếu từ nguồn bảo trợ xã hội hoặc lương hưu. Trong số này, chỉ 62,79% số cụ có BHYT. 27,97% cần sự trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, di chuyển, vệ sinh, ăn uống không tự chủ…

Chia sẻ thêm về thực tế sức khoẻ của NCT, GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc BV Lão khoa Trung ương cho hay, đa số NCT phải đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mãn tính (bình quân mỗi NCT mắc ba bệnh) như đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hoá khớp, đột qụy …; đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa và chi phí điều trị lớn.

“Ðiều tra quốc gia về NCT Việt Nam năm 2011 cho thấy hơn 60% số NCT cho biết tình trạng sức khỏe là yếu hoặc rất yếu cần người chăm sóc; cần nhiều thời gian điều trị, thậm chí phải điều trị suốt đời. Mặt khác, NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc tiêu thụ cho các đối tượng, do đó chi phí y tế cho người già cao gấp từ 7- 10 lần so với người trẻ tuổi. Trong khi đó, đa số NCT sống ở nông thôn, thiếu thốn vật chất, không có tích luỹ”, Giám đốc BV Lão khoa Trung ương nói.

Tập hợp các nguồn lực để hỗ trợ người cao tuổi

Cuần tuần qua, Hội Lão khoa Việt Nam đã chính thức ra mắt và tổ chức Đại hội Hội Lão khoa Việt Nam lần thứ nhất. Tại buổi lễ, GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc BV cho biết, việc thành lập Hội Lão khoa Việt Nam là môi trường để các thầy thuốc có dịp cùng trao đổi kinh nghiệm, cập nhật thông tin về lão khoa, góp phần nâng cao chất lượng sống trong chăm sóc, điều trị bệnh cho người cao tuổi. “Việc thành lập Hội Lão khoa Việt Nam là một bước tiến mới với các thành viên là các giáo sư, bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, nhà xã hội học.., nhằm tạo một sức mạnh tổng hợp, để nghiên cứu, đề xuất giải pháp, góp ý, phản biện chính sách liên quan đến sức khỏe của người cao tuổi”, GS, TS Phạm Thắng nhấn mạnh.

Đánh giá sự cấp thiết của việc ra đời của Hội Lão khoa Việt Nam, ông Nguyễn Trung Anh khẳng định, Hội sẽ tập hợp sức mạnh của toàn hệ thống lão khoa trong cả nước, ví dụ ở Hà Nội có BV Lão khoa trung ương, nhưng TP HCM chưa có, ngược lại, TP HCM lại có Hội Lão khoa TP.HCM, còn các tỉnh miền Trung và miền Bắc chưa thành lập Hội. “Hội Lão khoa không chỉ là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mà chúng ta hiểu theo một nghĩa rộng là Lão học. Tức là Hội không chỉ bao gồm những y bác sĩ trong công tác điều trị chữa bệnh trong ngành Lão khoa mà cả những tổ chức xã hội, doanh nghiệp liên quan đến lão khoa như doanh nghiệp thành lập nhà dưỡng lão hoặc xưởng chế tạo công cụ hỗ trợ cho người già. Chỉ có mở rộng như thế thì chúng ta mới từng bước đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong tình trạng người cao tuổi đang tăng lên nhanh chóng hiện nay”, TS. Nguyễn Trung Anh nhấn mạnh.

Đại diện BV Lão khoa Trung ương cho rằng, Việt Nam đã có hành lang pháp lý khá đầy đủ trong việc chăm sóc người cao tuổi như Luật Người cao tuổi được ban hành từ sớm; Viện Lão khoa cũng được thành lập cách đây 35 năm nhưng thực tế thi hành chính sách lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Một phần là do kinh phí còn hạn chế đòi hỏi sự chung tay của nhiều đơn vị tổ chức và doanh nghiệp. Do đó, Hội Lão khoa Việt Nam được thành lập sẽ phần nào khắc phục được hạn chế về thiếu kinh phí.

Hội Lão khoa không chỉ là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mà chúng ta hiểu theo một nghĩa rộng là Lão học. Tức là Hội không chỉ bao gồm những y bác sĩ trong công tác điều trị chữa bệnh trong ngành Lão khoa mà cả những tổ chức xã hội, doanh nghiệp liên quan đến lão khoa như doanh nghiệp thành lập nhà dưỡng lão hoặc xưởng chế tạo công cụ hỗ trợ cho người già. Chỉ có mở rộng như thế thì chúng ta mới từng bước đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong tình trạng người cao tuổi đang tăng lên nhanh chóng hiện nay. (TS.BS Nguyễn Trung Anh Phó Giám đốc BV Lão Khoa Trung ương)

 

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc