Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Mối hiểm nguy từ bệnh nhân tâm thần tại gia: "Sống trong sợ hãi"

Thứ Tư 01/08/2018 | 11:30 GMT+7

VH- Mấy ngày gần đây đã xảy ra hai vụ án nghiêm trọng làm 7 người thiệt mạng và 9 bị thương. Thủ phạm gây ra là những bệnh nhân tâm thần. Điều đó đặt ra một vấn đề: Quản lý người bị tâm thần tại gia như thế nào để ngăn ngừa mối nguy hiểm mà họ gây ra đối với xã hội?

 Các bác sĩ đang cứu chữa cho các nạn nhân bị Thạch Sà Khêl tấn công

Sáng ngày 22.7, tại huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) đã xảy ra một vụ án mạng thương tâm. Nghi can là N.T.V (37 tuổi, trú thôn Đức Long, xã Ân Đức) bị tâm thần đã ra tay giết hại dã man vợ, con trai và cha ruột. Cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng xảy ra một vụ án mạng do người tâm thần gây ra. Thủ phạm là Lương Thị Kim Phượng (SN 1998, ngụ thôn Tân Mỹ, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ) đã gây án do bị cha ruột mắng. Trong lúc tức giận, Phượng bất ngờ dùng gậy, gạch ném vào người ông Thanh khiến ông này ngã xuống. Thấy vậy, Phượng tiếp tục cầm gạch lao tới tấn công khiến ông Thanh tử vong tại chỗ. Còn vào ngày 24.7, tại ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, một người đàn ông bị bệnh tâm thần tên là Thạch Sà Khêl đã bất ngờ cầm dao và một khúc gỗ tấn công nhiều người tại ấp Đay Tà Ni. Khêl đi đến đâu thì vung dao và gậy tấn công người dân đến đó. Vụ tấn công điên cuồng của Khêl đã gây ra hậu quả vô cùng đau lòng: 3 người chết và 9 người bị thương.

Xét về năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, một người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh làm mất khả năng nhận thức phải được hội đồng giám định tâm thần xác định và kết luận. Chỉ khi người mắc bệnh tâm thần được giám định và kết luận là đã mất khả năng nhận thức hành vi của mình và hành vi đó gây ra hậu quả, mới được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự. Trường hợp bệnh của những người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác chưa tới mức làm mất khả năng nhận thức tính nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi của mình thì tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà họ phải chịu toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm hình sự.

 Bệnh nhân tâm thần được điều trị nội trú tại bệnh viện

Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân rối loạn tâm thần ở Việt Nam chiếm khoảng 20% dân số nhưng chủ yếu là điều trị ngoại trú. Việc để cho bệnh nhân tâm thần điều trị tại gia đình cũng là xu hướng đưa người bệnh trở lại với cuộc sống đời thường, giúp bệnh tình của họ có nhiều khả năng thuyên giảm. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Uân, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 thì rối loạn tâm thần là một bệnh lý hết sức phức tạp. Khi một người mắc một rối loạn tâm thần nào đó thì những hành vi của họ không làm chủ được. Những hành động đó được chi phối bởi những hoang tưởng ảo giác nên họ có những hành vi nguy hiểm cho chính bản thân họ và cho những người xung quanh. Chính vì vậy, khi phát hiện thấy bệnh nhân tâm thần có những biểu hiện như mất ngủ nhiều, có những hành vi mang tính chất kích động thì những người đó nhất thiết phải được nhập viện và điều trị trong bệnh viện nội trú. Về phía bệnh viện, trước khi cho người bệnh trở về cộng đồng phải khám kỹ, cấp thuốc điều trị ngoại trú, thường xuyên thăm khám định kỳ. Về phía gia đình cần giám sát chặt chẽ việc uống thuốc của bệnh nhân. Khi nào có những dấu hiệu bất thường ví dụ như đêm mất ngủ, những lời nói và hành vi mang tính chất cục cằn, những cảm xúc mang tính trầm cảm, những bệnh nhân đấy cần phải được báo cho bác sĩ ngay và nên trở lại bệnh viện điều trị. Khi bệnh nhân không chịu uống thuốc hoặc có những dấu hiệu bất thường thì không nên dùng những lời lẽ miệt thị người bệnh, mà phải dùng lời lẽ nhẹ nhàng, rồi báo cho chuyên khoa tâm thần gần nhất để đưa bệnh nhân trở lại nhập viện ngay. Theo bác sĩ Uân, thì chính những người trong gia đình là người hiểu rõ nhất về tình trạng của người nhà bị bệnh tâm thần, nếu quan tâm thường xuyên và đưa người bệnh đi khám bác sĩ theo định kỳ, dùng thuốc theo đúng đơn và kịp thời đưa ngay người bệnh vào bệnh viện khi có những bất thường, thì sẽ hạn chế được rất nhiều hành vi mất kiểm soát của người bệnh.

Theo ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) thì hiện nay trên phạm vi cả nước đã có hàng trăm cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trong đó có 26 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, còn lại là cơ sở tổng hợp. Mạng lưới các cơ sở này có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người tâm thần. Những cơ sở này, có thể là sự lựa chọn tốt cho các gia đình có người bị bệnh tâm thần nhưng chưa đến mức đưa vào điều trị tại các bệnh viện tâm thần, nhưng lại không có điều kiện chăm sóc tại nhà.

Rối loạn tâm thần là một bệnh lý hết sức phức tạp, người bệnh dù đã được điều trị ổn định nhưng vẫn có nguy cơ tái phát. Chính vì vậy, để ngăn ngừa tình trạng người tâm thần gây án, pháp luật cần có các quy định về việc quản lý và bắt buộc chữa bệnh đối với người bị tâm thần. 

 HOÀNG HƯƠNG

 

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top