Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Phòng, chống tác hại của rượu bia: Sức khỏe người dân hay vì lợi ích đồng tiền?

Thứ Tư 06/06/2018 | 09:33 GMT+7

VH-  “Anh” rượu, bia thì đề nghị Ban soạn thảo cần phải “bỏ” một loạt nội dung, thậm chí thay đổi tên Luật, còn Bộ Y tế lại cho rằng rượu, bia gây nguy cơ cao cho sức khỏe vì thế phải kiểm soát.

Để có tiếng nói chung giữa một bên là bảo vệ sức khỏe nhân dân và một bên là sản xuất kinh doanh tạo lợi ích kinh tế, Bộ Y tế vừa tổ chức cuộc hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, Hiệp hội Rượu - bia – nước giải khát (VBA) cho Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Mỗi bên một ý

Cuối cùng thì “hai bên” cũng có buổi ngồi lại để tìm ra sự đồng thuận nào đó liên quan đến một số nội dung về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Sở dĩ nói vậy là bởi trước đó không lâu Bộ Y tế đã tổ chức buổi hội thảo về nội dung này nhưng thành phần tham gia thiếu đại diện của đối tượng bị tác động là các nhà sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Ngay lập tức, VBA“đáp lại” bằng một hội thảo khác với thành phần tham dự là những chuyên gia trên nhiều lĩnh vực nhưng lại thiếu đại diện của Ban soạn thảo Dự án Luật cũng như Bộ Y tế, theo đó đưa ra những lập luận dường như đối lập lại với những cơ sở xây dựng Luật này.

Tại cuộc hội thảo chung, bảo vệ quan điểm của Ban soạn thảo Dự án Luật, bà Trần Thị Trang (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế) cho rằng, mức sử dụng rượu, bia bình quân của Việt Nam cao hơn mức bình quân của thế giới và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm. Mức trung bình nam giới uống rượu bia của thế giới là 17,8l/người, còn ở Việt Nam là 27,4 l/người. Rượu bia là loại đồ uống đã và đang gây ra tổn hại to lớn cho bản thân người sử dụng cũng như toàn xã hội như đối với sức khỏe (xơ gan, ung thư gan, các bệnh huyết áp, tim mạch, tiêu hóa, loạn thần…); tác hại kinh tế (tổn hại sức khỏe khiến suy giảm năng suất lao động); tác hại với các vấn đề xã hội (bạo lực gia đình, tai nạn giao thông...).

Do đó Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ nhằm điều chỉnh, tăng cường các chính sách kiểm soát kinh doanh rượu bia, khuyến mại, quảng cáo, tài trợ bằng việc quản lý thời gian, địa điểm bán… Hai phương án mà Dự án Luật này đưa ra là: Một, không được tài trợ cho các sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia, không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ và không được có tên sản phẩm rượu, bia trên vật phẩm tài trợ. Phương án hai là quy định này chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu. Ba phương án Dự án Luật đưa ra về thời gian bán rượu bia gồm: Phương án 1, chỉ được bán từ 11h -14h và từ 17h-22h hằng ngày, trừ các khu vực bay quốc tế, khu du lịch; phương án 2, chỉ được bán từ 6 – 22h hằng ngày, trừ khu vực bay quốc tế, khu du lịch; phương án 3 là thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.

Trước những nội dung được nêu trong Dự án Luật, nhiều doanh nghiệp rượu, bia tỏ ra ủng hộ chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc phòng chống lạm dụng tác hại của rượu bia, nhưng cũng tỏ ra quan ngại với một số quy định.Đại diện hãng bia Heineken cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật nên tập trung vào việc phòng chống “lạm dụng” chứ không nên phòng chống rượu bia. Việc hạn chế quảng cáo, tài trợ, thời gian, điểm bán sẽ tác động đến kinh tế, du lịch và ngân sách nhà nước… Luật sẽ có thể không thay đổi được thói quen uống rượu, bia mà lại gây ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế.

Bên cạnh đó, đại diện hãng bia Carsberg cũng bày tỏ quan điểm thay vì quản lý các nhà sản xuất, kinh doanh có địa chỉ nguồn gốc rõ ràng thì các cơ quan chức năng nên tìm cách quản lý việc tự đun nấu rượu, bia thủ công trong nhân dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề xuất cần phải thay đổi tên gọi thành “Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”; bỏ các phương án quy định giờ bán rượu, bia; bỏ quy định về khoảng cách giữa các cửa hàng rượu bia, bỏ quy định “cấm giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức”; bỏ các biện pháp hạn chế khuyến mại, quảng cáo và tài trợ…

Tiến bộ hay kìm hãm kinh tế?

Những tranh cãi trên sẽ không đi đến đâu nếu mỗi bên đều muốn bảo vệ quan điểm, lợi ích của mình. Trong khi phía VBA khẳng định, sản xuất bia, rượu là ngành giữ một vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH của đất nước. Đến nay ngành sản xuất bia đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, tránh được tình trạng nhập lậu, tình trạng đầu cơ và có một phần xuất khẩu. Ngành này có đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương). “Chưa có quốc gia nào ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do đó chúng tôi kiến nghị nên xem xét lại sự cần thiết ban hành Luật”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA nhấn mạnh.

Ngược lại, Ban soạn thảo Dự án Luật này khẳng định một số quốc gia đã ban hành Luật như ở Thái Lan có Luật Kiểm soát rượu, bia; Singapore có Luật về kiểm soát buôn bán và tiêu thụ rượu, bia… Có thể tên gọi khác nhau nhưng mục đích giống nhau là góp phần giảm tiêu dùng rượu, bia và bảo vệ sức khỏe người dân. Tại Việt Nam, rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong số 15 nguy cơ gây hại cho sức khỏe hàng đầu. Ngoài ra chi phí tiêu thụ rượu bia của Việt Nam tiêu tốn khoảng 3,4 tỉ USD/năm, gần bằng 3% ngân sách nhà nước. Tổng chi phí trực tiếp của sáu bệnh ung thư mà rượu bia là một trong những nguyên nhân chính lên tới gần 26 nghìn tỉ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP quốc gia (số liệu nghiên cứu năm 2012). Một hậu quả khác nữa là nguy cơ gây TNGT.

Do đó, bà Nguyễn Hoàng Oanh, Giám đốc Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam cho rằng rất khó để quyền lợi của hai bên có thể gặp nhau vì một bên chọn lợi ích vì sức khỏe cộng đồng, một bên lại chọn lợi ích kinh tế. Còn theo ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng nêu quan điểm: Dự án Luật nên tính toán chi phí liên quan đến tác hại của rượu bia dựa trên chi phí hiệu quả, tạo ra những mục tiêu bền vững chứ không phải là chi phí lợi ích mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia đưa ra. Chẳng hạn theo tính toán của các nhà khoa học thế giới, chi 1 USD để giảm tác hại của đồ uống có cồn sẽ mang về hiệu quả có giá trị 9,13 USD. “Tôi cho rằng Dự án Luật là một sự tiến bộ đáng khích lệ và Bộ Y tế nên dũng cảm để bảo vệ”, ông Trần Tuấn nêu rõ. 

 QUỲNH HOA – PHƯƠNG NHI

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top