Có nên bãi bỏ quy định phải đưa i-ốt vào thực phẩm, gia vị chế biến?

VH- Trong khi các doanh nghiệp đang đề xuất Chính phủ bãi bỏ các quy định liên quan đến bổ sung i-ốt, vi chất dinh dưỡng vào các loại gia vị, thực phẩm thì các chuyên gia dinh dưỡng lại khuyến cáo Việt Nam là một trong những quốc gia thiếu vi chất dinh dưỡng nặng nề. Nếu không giải quyết được tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng thì không thể thay đổi được thể trạng người Việt.

 

Có nên bãi bỏ quy định phải đưa i-ốt vào thực phẩm, gia vị chế biến? - Anh 1

Các mẹ đưa trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A tại các điểm uống ở xã/phường để bổ sung vi chất dinh dưỡng

Thông tin trên được ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt tại buổi thông tin báo chí nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2.6) với thông điệp chính là “Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống”.

Theo ông Tuyên, hiện nay người dân đã nhận thức rõ hơn về vai trò của sáu vi chất dinh dưỡng gồm vitamin A, sắt, kẽm, vitamin D, canxi và i-ốt  trong sự phát triển của trẻ.  Có những vi chất tự tổng hợp được, nhưng có vi chất không tự tổng hợp, một phần vì thực đơn hằng ngày chưa phù hợp nên phải bổ sung. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại đang đề nghị Chính phủ bãi bỏ đưa các vi chất dinh dưỡng trong đó có i-ốt vào thực phẩm, gia vị chế biến vì cho rằng điều này sẽ khiến các doanh nghiệp phải tăng tiền đầu tư công nghệ, máy móc, làm tăng giá thành sản phẩm và giảm tính cạnh tranh của hàng hoá.

“Theo báo cáo của mạng lưới i-ốt toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i-ốt tồi tệ nhất thế giới. Trong số 130 quốc gia quy định bắt buộc bổ sung i-ốt muối thì có 69 quốc gia yêu cầu sử dụng muối i-ốt cho thực phẩm chế biến. Vậy thì không có lý gì Việt Nam lại bãi bỏ quy định này. Tăng cường vi chất vào thực phẩm thì có giá thành thấp, nhưng mang lại lợi ích lớn. Nhà nước không phải chi phí để mua vi chất hay thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng cho người dân mà chỉ cần xây dựng chính sách để quy định bắt buộc một số thực phẩm hải tăng cường vi chất dinh dưỡng. Còn doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc đảm bảo lợi ích của người dân, ảnh hưởng đến thể trạng lâu dài của người Việt Nam. Do đó cần có hành lang pháp luật để vi chất dinh dưỡng được tăng cường”, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng nhấn mạnh.

Trong những năm qua, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam được cải thiện (giảm 1% mỗi năm) nhưng vẫn đang là thách thức với 24,3% trẻ thấp còi và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng, 32% phụ nữ có thai, 25% phụ nữ không có thai, 28% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu; 80% phụ nữ có thai, 63% phụ nữ không có thai và 69% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu kẽm; 13% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng. Bên cạnh đó mức tiêu thụ vitamin D và canxi của phụ nữ và trẻ em Việt Nam cũng mới chỉ đạt 1% và dưới 43% nhu cầu khuyến nghị. Trong khi đó, kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết TW năm 2013 – 2014 cho thấy tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 -10 tuổi là 9,8%, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua, so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về thanh toán tình trạng thiếu i-ốt mà chúng ta đã đạt được năm 2005 thì tỉ lệ bướu cổ trẻ em 8 -10 tuổi  dưới 5% và tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh trên 90%.

Quỳnh Hoa

Ý kiến bạn đọc