Đã bỏ quy định gây tranh cãi​ về lái tàu

VH- Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 12/2018/TT-BYT quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ tàu. So với Dự thảo Thông tư được đưa ra lấy ý kiến trước đó thì Thông tư 12 đã bỏ một số nội dung liên quan đến quy định chức năng sinh lý, sinh dục của nhân viên phục vụ tàu.

Đã bỏ quy định gây tranh cãi​ về lái tàu - Anh 1

 Nhân viên nữ phục vụ trên tàu

Thông tư 12/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1.7.2018, theo đó đối với chức danh Lái tàu, Phụ lái tàu phải đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe quy định tại Nhóm 3, Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 24/2015/TTLB-BYT-BGTVT ngày 21.8.2015 của Bộ Y tế và Bộ GTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe. Tại Nhóm 3 của Thông tư 24/2015 quy định người có một trong các tình trạng bệnh, tật sau đây thì không đủ điều kiện để lái xe (lái tàu, phụ tàu): rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi nhưng chưa đủ 24 tháng, liệt vận động một chi, thị lực dưới 8/10, rối loạn nhận biết ba màu cơ bản đỏ, vàng, xanh lá cây, thính lực tai nghe nói thầm dưới 1,5m, huyết áp tối đa lớn hơn hoặc bằng 180mmHg hoặc tối thiểu từ 100mmHg trở lên, cụt ngón tay, tiểu đường trong vòng 1 tháng…

Với chức danh Trưởng tàu; Trưởng dồn; Trực ban chạy tàu ga; Nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga; Nhân viên gác ghi; Nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe; Nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm; Nhân viên gác đường ngang, cầu chung phải đáp ứng Tiêu chuẩn sức khỏe loại II trở lên khi khám tuyển ban hành theo Quyết định số 1613/BYT-QĐ ngày 15.8.1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Tiêu chuẩn phân loại sức khỏe để khám tuyển, khám định kỳ” cho người lao động (sau đây gọi là Quyết định số 1613/BYT-QĐ). Những đối tượng này khi khám sức khỏe định kỳ phải đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe loại III trở lên theo Quyết định số 1613/BYT-QĐ.

Tiêu chuẩn sức khỏe loại II tại Quyết định số 1613/BYT-QĐ yêu cầu nam tối thiểu cao 1,58m, nặng 47 kg, vòng ngực 79cm; nữ tối thiểu cao 1,51m, nặng 43 kg, vòng ngực 74cm. Thông tư 12/2018/TT-BYT ngày 4.5.2018 cũng ban hành kèm phụ lục 1 và 2 về Bảng mẫu khám sức khỏe tuyển dụng và Bảng mẫu khám sức khỏe định kỳ đối với nhân viên đường sắt phục vụ tàu với các nội dung nội khoa (tâm thần, thần kinh, tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, xơ-xương khớp, thận-tiết niệu); ngoại khoa, mắt, tai mũi họng; răng-hàm-mặt; da liễu; nội tiết-chuyển hoá và 4 nội dung về khám cận lâm sàng; tiền sử bệnh của bản thân và gia đình… Trong các bảng mẫu này đã bỏ toàn bộ các nội dung liên quan đến chức năng sinh lý, sinh dục của nam và nữ mà Dự thảo Thông tư 12/2018 đưa ra cuối tháng 3.2018 vừa qua.

Khi Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Cục Y tế (Bộ GTVT) đưa ra lấy ý kiến, Dự thảo đã gây tranh cãi khi quy định cụ thể về chức năng sinh lý đối với các nhân viên phục vụ trực tiếp trên tàu, bắt buộc không bị mắc các chứng bệnh: Tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo (đối với nam); sa âm đạo, tử cung, biểu hiện viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng, mổ lấy thai, u nang buồng trứng (đối với nữ)... Sau đó, tại cuộc họp Hội đồng thẩm định của Bộ Y tế do Vụ Pháp chế chủ trì đã phản biện Dự thảo này. Ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho biết, Hội đồng thẩm định nhận thấy tiêu chuẩn sức khỏe của lái tàu so với tiêu chuẩn sức khỏe lái xe tại Thông tư 24 không có gì đặc thù hơn chỉ khác một chút về đường tiết niệu nên Hội đồng thống nhất áp dụng tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe ô tô theo Thông tư 24 năm 2015 áp dụng cho người lái tàu. 

 QUỲNH HOA – PHƯƠNG NHI

 

Ý kiến bạn đọc