Thách thức dân số già: Thiếu điều dưỡng viên lão khoa

VH- Đó là thông tin tại Hội thảo Đào tạo và sử dụng hiệu quả nhân viên chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo do BV Lão khoa Trung ương tổ chức. GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc BV cho biết, một trong những thách thức của hệ thống y tế hiện nay là tốc độ già hóa dân số của Việt Nam khá nhanh khiến thiếu bác sĩ chuyên khoa Lão khoa, thiếu điều dưỡng lão khoa, thiếu người chăm sóc người bệnh nên nhiệm vụ này đang chủ yếu dựa vào người nhà. Trong khi đó, nguồn nhân lực này ngày càng giảm khiến họ phải thuê những người giúp việc ở bên ngoài.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là hai triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011. Người cao tuổi Việt Nam cũng đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mãn tính: tiểu đường, huyết áp, hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, rối loạn dáng đi và ngã, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm… Người bệnh cao tuổi cần chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời. Nhằm đảm bảo công tác chăm sóc y tế cho người già, Bộ Y tế vừa có công văn gửi các Sở Y tế, các Bệnh viện trực thuộc Bộ và Y tế ngành về việc thành lập Khoa Lão và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Điều này, khiến nhu cầu về điều dưỡng cho người cao tuổi một cách chuyên nghiệp lại càng thiếu.

Tại hội thảo, bà Katherine Jones (Trường Điều dưỡng - Đại học South Carolina, Mỹ) đã giới thiệu mô hình, hệ thống nhân viên chăm sóc người cao tuổi trong bệnh viện và cộng đồng tại Mỹ (hay còn gọi là trợ lý chăm sóc), hoạt động dưới sự giám sát và điều phối của điều dưỡng chính. Tại bệnh viện, trợ lý chăm sóc làm nhiệm vụ đo, ghi các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh, giúp đỡ bệnh nhân cần trợ giúp trong ăn uống, di chuyển, tắm rửa, mặc quần áo, đi vệ sinh, thay ga trải giường; trợ giúp điều dưỡng hoặc các nhân viên khác trong các hoạt động cần hai nhân lực, báo với điều dưỡng, phụ trách những vấn đề thay đổi, bất thường... Để trở thành “trợ lý chăm sóc” và được hành nghề thì nhân viên phải hoàn thành khoá học 100 giờ, thi lấy chứng chỉ hành nghề. So sánh với Việt Nam, do thiếu điều dưỡng nên những công việc này thường do người nhà bệnh nhân làm, hoặc thuê người giúp việc.

Quỳnh Hoa

 

Ý kiến bạn đọc