Tiếp tục tranh luận về tội danh của bác sĩ Hoàng Công Lương

VH- Chỉ còn một tuần nữa là hết thời hạn chuẩn bị xét xử đối với BS Hoàng Công Lương trong vụ án tai biến y khoa tại Đơn nguyên Thận nhân tạo (BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) khiến tám người tử vong, nhưng các luật sư bào chữa cũng như bị can chưa nhận được thông báo của tòa án về việc đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và hay có trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không? Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều ý kiến của các chuyên gia y tế, luật sư về tội danh đối với BS Lương.

Tiếp tục tranh luận về tội danh của bác sĩ Hoàng Công Lương - Anh 1

Bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn tận tụy chăm sóc sức khỏe người bệnh tại Đơn nguyên thận nhân tạo (BV đa khoa tỉnh Hòa Bình)

Tại buổi tọa đàm khoa học “Những vấn đề pháp lý đặt ra về trường hợp bác sĩ Hoàng Công Lương” do Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức ngày 13.4, nhiều y, bác sĩ, luật sư vẫn tiếp tục đưa ra những phản biện liên quan đến tội danh của BS Lương được nêu trong cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình.

Một trong những “lão làng” ngành chạy thận nhân tạo Việt Nam là PGS Nguyễn Nguyên Khôi – nguyên Trưởng Khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai cũng được mời đến và phát biểu tại buổi tọa đàm. PGS cho biết, cả sự nghiệp 50 năm của ông gắn với ngành lọc thận nhân tạo, từ khi Việt Nam mới chỉ có 200 máy lọc thận nhân tạo, nhưng đến nay đã có 4.000 máy, đào tạo được nhiều thế hệ bác sĩ. Ngành lọc máu là ngành hết sức vất vả, tất cả mọi công đoạn đều hết sức chi li, chi tiết vì bất kỳ chất lạ nào vào máu sẽ chạy vào tế bào và diễn biến nhanh vô cùng, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Vậy mà không hiểu tại sao lại có chất Axit flohydric – một loại hóa chất công nghiệp, bị cấm sử dụng trong y tế lại có trong nước tinh khiết R.O dùng trong lọc thận nhân tạo. “Phải làm rõ, chất này ở đâu ra, vì sao lại như thế. Là người cùng ngành, tôi thấy bị tổn thương và thấy phải có trách nhiệm, trách nhiệm để thay đổi tội danh của bác sĩ Lương”, nguyên Trưởng Khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai nói.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình, bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 360 của Bộ Luật hình sự năm 2015,  với 8 người tử vong thì dường như không còn cơ hội cho BS Lương vì khung hình phạt ở tội danh này là từ 3 – 12 năm tù giam, không áp dụng biện pháp cải tạo không giam giữ (án treo). “Nếu nhận mức án này, BS Lương, vợ con, gia đình, dòng tộc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự; cá nhân BS sẽ bị tiêu tan sự nghiệp chính trị, nghề nghiệp với tương lai mờ mịt và vô vọng”, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) nhận định.

Cũng theo ông Quang, kết quả giám định cho thấy nguyên nhân gây ra tử vong là ngộ độc Florua với hàm lượng trong nước R.O cao gấp 245 – 260 lần mức cho phép. Như vậy, chủ thể của tội danh này phải là người có chức vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống; chứ không phải là BS Lương – người được giao nhiệm vụ điều trị, chăm sóc bệnh nhân, và cũng không phải là đồng phạm cùng với người chịu trách nhiệm. Nếu Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử BS Lương với đúng tội danh này thì đa số các y bác sĩ, nhân viên sẽ rất bất an, không yên tâm điều trị, phục vụ người bệnh vì cảm thấy không được pháp luật bảo vệ. “Do đó, đề nghị Tòa án tuyên vô tội cho BS Lương để tránh oan sai, bảo đảm tính độc lập của Tòa án trong công tác xét xử theo chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta. Đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra, xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật với các bị can còn lại, không để lọt tội phạm, tạo dựng niềm tin trong nhân dân cũng như cho các thầy thuốc, nhân viên y tế”, ông Quang khẳng định.

Đồng tình với Vụ trưởng Vụ Pháp chế, luật sư Trần Hồng Phúc – một trong những luật sư bào chữa cho BS Lương cho rằng, đặt ra tội danh “thiếu trách nhiệm” trong trường hợp này là mâu thuẫn với khoa học pháp lý. “Theo khái niệm pháp lý thiếu trách nhiệm là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng. Đối chiếu với trường hợp BS Lương thì rất mâu thuẫn với khoa học pháp lý, vì với vai trò là bác sĩ điều trị, nếu bác sĩ không khám chữa bệnh, vi phạm trong quá trình cấp cứu, hồi sức… thì mới đặt ra thiếu trách nhiệm. Do đó, chúng tôi thấy rằng nếu bác sĩ không vi phạm về các quy định khám chữa bệnh, tức là làm tròn trách nhiệm thì không thể đặt ra vấn đề thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư, có hay không quy trình vận hành, sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng vật tư, tiệt trùng hệ thống nước lọc  RO trong chạy thận nhân tạo? Chúng tôi đang tiếp tục tìm những bằng chứng và nếu không có thì đây là lỗ hổng của pháp luật và không đủ cơ sở để kết luận BS Lương có vi phạm điều gì. Ngay cả nếu trong nội bộ Bệnh viện không có quy chế phối hợp giữa các Phòng – Ban thì BS Lương cũng không vi phạm về mặt thực hiện các thủ tục hành chính. Nguyên nhân gây chết người không liên quan đến khâu khám chữa bệnh thì việc truy tố không phải tập trung vào bác sĩ mà là người chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Và đến nay cũng chưa có một văn bản nào cho thấy việc BS Lương được giao phụ trách quản lý, chịu trách nhiệm về hoạt động của Đơn nguyên Thận nhân tạo.

 

 “Theo quy định của pháp luật, căn cứ tội danh bị truy tố với các bị can, thời gian chuẩn bị xét xử trong vòng 60 ngày kể từ ngày tòa án thụ lý. Thời gian 60 ngày này, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, nếu Toà thấy cần thiết, có thể ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Với vụ tai biến chạy thận tại Hoà Bình, VKSND tỉnh đã ra cáo trạng từ ngày 22.2, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, luật sư bào chữa và bị can đều chưa nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, cũng chưa được thông báo việc tòa án quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hay không”, luật sư Trần Hồng Phúc.

Quỳnh Hoa

 

Ý kiến bạn đọc