Liên quan đến tiêu chuẩn chức năng sinh lý đối với nhân viên đường sắt phục vụ trên tàu: “Nếu thấy bất cập sẽ tiếp thu, sửa chữa”

VH- Đó là khẳng định của ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khi phóng viên Văn Hóa đề cập về Dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vừa được Bộ Y tế công bố mới đây.

Liên quan đến tiêu chuẩn chức năng sinh lý đối với nhân viên đường sắt phục vụ trên tàu: “Nếu thấy bất cập sẽ tiếp thu, sửa chữa” - Anh 1

Một trong những nội dung của Phụ lục 02 của Dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu

Trực tiếp soạn thảo Dự thảo là Cục Quản lý khám chữa bệnh và đang được đăng tải trên trang web của Bộ Y tế để lấy ý kiến rộng rãi. Theo ông Lương Ngọc Khuê, Dự thảo được xây dựng trên cơ sở phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải trong việc thực hiện Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực từ ngày 1.7.2018. Trong đó, Luật Đường sắt có quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên phục vụ tàu phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ Y tế cấp. “Trước thực trạng một số tai nạn đường sắt có nguyên nhân từ lái tàu như ngủ gật… gây mất an toàn giao thông, Bộ Y tế xây dựng Thông tư hướng dẫn liên quan đến vấn đề này.Tuy nhiên đây mới chỉ là dự thảo Thông tư và Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp trong vài tháng. Nếu thấy bất cập, không phù hợp chúng tôi sẽ tiếp thu, sửa chữa”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay.

Dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu bao gồm: Nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu (đường sắt quốc gia, đô thị, chuyên dùng) gồm 3 nhóm: Nhóm 1 gồm: lái tàu, phụ tàu; nhóm 2 gồm: trưởng tàu, trưởng dồn, trực ban chạy tàu ga, nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga, nhân viên gác ghi, nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe; Nhóm 3 gồm: nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm; nhân viên gác đường ngang, cầu chung.

Tiêu chuẩn sức khỏe gồm 2 tiêu nhóm tiêu chí về thể lực và tiêu chuẩn về chức năng sinh lý, bệnh tật; với từng tiêu chí riêng dành cho khám tuyển dụng nhân viên hoặc khám sức khỏe định kỳ.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong phụ lục 02 về tiêu chuẩn về chức năng sinh lý, bệnh tật có tới 13 mục như: Mắt; răng hàm mặt; tai mũi họng, tâm thần… Trong tiêu chuẩn thể lực, các đối tượng trên đều phải đạt chỉ số tối thiểu về chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, lực bóp tay, lực kéo thân (trừ một số vị trí khi khám định kỳ). Chẳng hạn tiêu chuẩn khám tuyển dụng lái tàu, phụ lái tàu là nam giới phải cao từ 1,64m trở lên, cân nặng từ 52kg, vòng ngực trung bình từ 80cm…

Nữ giới trưởng tàu, trưởng dồn, trực ban chạy tàu ga, nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga, nhân viên gác ghi, nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe phải cao từ 1,53m, cân nặng 45kg, vòng ngực trung bình từ 75cm trở lên. Nam, nữ nhân viên tuần đường, gác chắn, nhân viên gác đường ngang, cầu chung cũng phải đạt các chỉ số tối thiểu về chiều cao, cân nặng, vòng ngực.

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định, những người tuy đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhưng ngoại hình có dị tật như vành tai, u nang buồng trứng, tinh hoàn ẩn… cũng không tuyển dụng làm lái tàu, phụ lái tàu, trưởng tàu.

H.Quỳnh

 

 

 

Ý kiến bạn đọc