Về vụ BS Hoàng Công Lương bị truy tố: Những câu hỏi đầy day dứt!

VH- Việc BS Hoàng Công Lương trở thành một trong 3 bị can bị truy tố liên quan vụ việc 8 người tử vong lúc chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đang khiến những người công tác trong ngành Y lo lắng, day dứt. Là một BS có hơn 30 năm công tác trong nghề, cá nhân tôi và nhiều đồng nghiệp mong muốn công lý phải được làm sáng tỏ.

Về vụ BS Hoàng Công Lương bị truy tố: Những câu hỏi đầy day dứt! - Anh 1

 BS Lương (thứ hai từ trái sang) Ảnh: Q.H

 Dịp tháng 6.2017, khi BS Hoàng Công Lương bị truy tố và bắt giam, chúng tôi đã “vào cuộc” trên mặt trận pháp lý và kết quả BS Lương đã được tại ngoại sau vụ tai nạn kinh hoàng tại đơn vị lọc máu mà BS Lương đang làm việc, và hơn thế nữa, đang đem hết sức mình từng ngày từng đêm giành giật sự sống từ tay tử thần bệnh tật cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Hòa Bình.

Toàn thể cộng đồng ngành Y trong nước thở phào và đầy hy vọng sẽ được nhìn thấy công lý về với đồng nghiệp của mình. Thế nhưng, BS Lương lại tiếp tục bị truy tố với tội danh vô ý làm chết người” và “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”. Cộng đồng ngành Y lại rộ lên làn sóng lo âu, bức xúc. Các GS, PGS uy tín trong giới Y học; nhiều bác sĩ đã lên tiếng trước vụ việc này, trong đó có ý kiến của TS.BS Trương Hồng Sơn chuyển tải những quan điểm và ý kiến khuyến nghị mạnh mẽ của những người có trách nhiệm cao trong ngành y tế. Một số hội nghề nghiệp và nhất là các báo cũng đã chính thức vào cuộc với trách nhiệm và sự thận trọng cao. Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao các bộ phận chức năng có liên quan của Bộ Y tế xem xét kỹ những tình tiết liên quan tới việc truy tố BS Lương của Viện KSND tỉnh Hòa Bình. Tổng hội Y học Việt Nam cũng vừa nêu rõ chính kiến của mình trước dư luận về vụ việc liên quan đến việc truy tố chưa thuyết phục đối với BS Lương. Tuy phản ứng của Bộ Y tế và Tổng hội Y học có hơi muộn nhưng chúng tôi tin đây là những động thái rất quan trọng cho tiến trình đòi sự công bằng cho BS Lương.

Còn niềm tin, còn tất cả…

Tôi cứ bị ám ảnh về sự so sánh tuyệt vời về hình ảnh “người chiến sĩ áo trắng” với người lính chiến trường, hình ảnh mà bất cứ ai đã, đang và sẽ bước vào nghề thầy thuốc cũng luôn ôm ấp trong tim để vượt qua mọi xô đẩy, lôi kéo, cám dỗ, trên con đường trưởng thành và sống trọn đời với “áo trắng”. Hình ảnh ta mang từ lúc còn trên ghế học trò với thử thách đầu tiên trong việc lựa chọn đường đi trước ngưỡng của cuộc đời, đến việc chọn “loại áo trắng” (chuyên ngành hẹp), trước mỗi “trận đánh” hằng ngày (khám chữa bệnh), trên con đường gập ghềnh nhiều gian nan và cạm bẫy của nghề thầy thuốc, và cả lúc “gác kiếm” về hưu, đứng trước những oan trái như vụ BS Lương.

Có câu “Còn niềm tin là còn tất cả”. Với mỗi người lính đang ôm súng nằm đợi lệnh tấn công, sẵn sàng xông lên trước làn đạn quân thù, điều gì sẽ xảy ra với họ nếu không có hay không đủ niềm tin? Để chiến thắng trong mỗi trận, họ phải có đủ niềm tin vào những tin tức và mọi chi tiết của việc chuẩn bị chiến trường để tận lực nghiên cứu kỹ sa bàn trận đánh: Từ tin tức tình báo đến thông tin điều nghiên trận địa của trinh sát, đặc công; phải tin để hình dung ra cách đánh đảm bảo thắng lợi và giảm thiểu thương vong. Phải tin và tự tin rằng vũ khí trong tay mình đang được giao là an toàn, là hiệu lực tối ưu như đã biết; phải tin để không hoang mang, không chần chừ, không lo rằng súng đạn không nổ khi bóp cò xông lên phía quân thù… (hay thậm chí lại nổ ngay vào chính bản thân mình hay đồng đội bên cạnh cùng chiến hào, như trường hợp BS Lương của chúng tôi (!). Phải tin rằng các đồng đội sinh tử sẽ cùng mình đồng loạt xông lên, cùng nổ súng tấn công như vũ bão vào đám địch đang chĩa súng bắn vào mình. Phải tin vào từng mệnh lệnh, từng cử chỉ của người chỉ huy trực tiếp để không bấn loạn trên trận địa, rối loạn kế hoạch tấn công, kế hoạch hợp đồng chiến đấu phía trước. Phải tin rằng ngay phía sau lưng mình là cả một đội ngũ nhiều tầng nhiều lớp lực lượng đồng đội hợp đồng tác chiến theo kế hoạch chiến đấu và đang tập trung tối đa mọi nỗ lực hỗ trợ mình trong mỗi bước xông lên phía quân thù…

Phải tin rằng mình đang là giọt nước trong dòng thác ào ạt của cả chiến dịch đã được tính toán kỹ lưỡng bằng những bộ não thông minh về chiến thuật, chiến lược, quả cảm, can trường, dày dạn về trí tuệ, về tình yêu thương, về trách nhiệm với tính mạng và tương lai của từng chiến sĩ, của mỗi gia đình gửi con ra trận, của cục diện chiến trường và của sự toàn thắng mang về vinh quang cho đất nước và chế độ. Và sau cùng, phải có một niềm tin sắt đá vào sự đóng góp nhỏ bé như giọt nước của mình, kể cả tuổi trẻ và máu xương, vào một xã hội tương lai tốt đẹp, công bằng, tươi sáng, với những con người ở mỗi tầng lớp khác nhau đều biết tìm ra và tin vào giá trị của lẽ phải và biết hàm ơn, biết tri ân những chiến sĩ đã quên mình vì nghĩa lớn, vì tương lai một xã hội tươi sáng, nhân bản, công bằng và văn minh.

Và nếu thiếu niềm tin

Thử hình dung, trên chiến trường, trước giờ xuất kích hay lúc xông thẳng về phía quân thù cũng là xông vào hòn tên mũi đạn, đón cái chết hoặc sự thương tật luôn hiện hữu, nếu người lính Cụ Hồ thiếu đi một trong những khâu gần như vô tận trên đây của niềm tin, liệu chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu trận đó có thắng? Liệu chiến dịch đó có thành công? Liệu chiến thuật, chiến lược có được thực thi trọn vẹn…?

Tương tự, nếu những chiến sĩ áo trắng chúng tôi thiếu đi dù chỉ là một trong những mắt xích nhỏ của niềm tin trên mặt trận bảo vệ sức khỏe nhân dân, mang lại sự an lành cho thân thể từng cá nhân và toàn xã hội? Nếu như họ thiếu đi niềm tin ở con đường mình đi? Nếu họ thiếu đi sự tự tin và lòng say mê được nuôi dưỡng từ bầu sữa trong lành không độc chất của toàn xã hội? Nếu họ thiếu đi niềm tin vào đồng đội đồng nghiệp cùng chiến hào? Nếu họ thiếu đi niềm tin vào chất lượng và tính sẵn sàng của mọi loại “vũ khí” khám chữa bệnh hằng ngày (trang thiết bị, thuốc men, máy móc)? Nếu họ thiếu đi lòng tin vào sự hợp tác và hỗ trợ của đồng nghiệp cùng phòng, cùng khoa, cùng bệnh viện? Nếu họ thiếu đi niềm tin vào sự chân thực, chính trực, minh bạch và trách nhiệm cao của Ban lãnh đạo bệnh viện? Nếu họ thiếu đi sự mẫn cán và trung thực của người cầm cân nảy mực về pháp lý? Nếu họ thiếu đi niềm tin vào sự tôn trọng và tri ân của người bệnh và gia đình và của toàn xã hội đối với người chiến sĩ trên mặt trận sức khỏe? Mà cũng xin được nhắc lại điều ai cũng đã biết nhưng rất dễ quên: Đã là mặt trận và các trận chiến thì có thắng, có thua, có thành có bại, có được có mất.

Vậy khi thắng đã dành, khi thua, công tội sao đây? Người lính đã không quản máu xương trong từng trận đánh sẽ phải chịu tội gì trong cả một chuỗi sự kiện cấu thành trận đánh không thành? Và nếu vì vũ khí không nổ mà không diệt được ổ hỏa lực dẫn đến thương vong cho đồng đội và cho chính họ, và hơn thế nữa, nếu vũ khí trao tay lại nổ ngay vào chính mình và các đồng đội cùng chiến hào hay vào đồng bào cha mẹ anh em mình ở ngay phía sau lưng, thì người chiến sĩ có những lỗi, những tội gì đây? Có phải họ là phạm nhân hay chính họ mới là nạn nhân đầu tiên và đáng thương nhất của trận đánh không thành???

Là một công dân, người thầy thuốc, người thầy giáo sống và làm việc vì lương tâm và trách nhiệm, tôi thấy cần phải nói những điều khẩn thiết vì lương tri và trái tim của một công dân tử tế. 

 ​Tổng hội Y học Việt Nam lên tiếng về việc truy tố BS Lương

Tổng hội Y học Việt Nam vừa có công văn gửi VKSND tỉnh Hòa Bình, TAND tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh Hòa Bình về việc đề nghị xem xét việc truy tố với BS Hoàng Công Lương. Trong công văn, Tổng hội Y học Việt Nam khẳng định việc xem xét và đưa ra xét xử đối với vụ việc tai biến chạy thận nhân tạo xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình là cần thiết và mong muốn các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương xem xét, điều tra sớm, đưa ra xét xử làm rõ trách nhiệm của bị can và những người liên quan để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Về việc truy tố BS Hoàng Công Lương với tội danh “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng BS Lương không có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra về chất lượng của các thiết bị y tế và chất lượng nước; mà BS Lương chỉ được giao phụ trách chuyên môn, sau khi thấy chỉ số sinh tồn của các bệnh nhân đảm bảo đủ điều kiện chạy thận nhân tạo thì BS mới ra y lệnh chạy thận và các hoạt động lọc máu bình thường. Do đó, kết hợp với việc BS Lương là người được đào tạo bài bản, nhân thân tốt Tổng hội Y học Việt Nam đề nghị các cơ quan tố tụng, cơ quan điều tra xem xét kỹ lưỡng các yếu tố để đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và tạo niềm tin cho các BS, nhân viên y tế trong cả nước yên tâm công tác.

H.Quỳnh

PGS.TS.BS NGUYỄN VĂN BÀNG

 

 

Ý kiến bạn đọc