“Cuồng sinh con thuận tự nhiên”: Phản khoa học

VH- Cách đây ít lâu, một sản phụ tự sinh con tại nhà, sau đó tự chụp ảnh và “khoe” trên mạng xã hội đã vấp phải không ít phản ứng, thậm chí phẫn nộ của các chuyên gia y tế, các bác sĩ sản khoa. Tuy nhiên, vu việc hai mẹ con sản phụ tử vong vì tự sinh con ở nhà tuy là “tin đồn” nhưng cũng đã gây nên sự bức xúc không chỉ trong giới y học mà toàn xã hội.

“Cuồng sinh con thuận tự nhiên”: Phản khoa học - Anh 1

Một sản phụ ở Hưng Yên tự sinh con ở nhà và khoe trên mạng xã hội nhận nhiều sự phản đối của dư luận và các bác sĩ sản khoa

Hiện nay trên mạng xã hội cũng như ngoài thực tế đã phát triển trào lưu "sinh con thuận tự nhiên” với số hội viên lên tới hàng trăm nghìn người. Ngay sau khi “tin đồn” này được đưa ra, trang fanpage "Sinh con thuận tự nhiên" đã không còn công khai mà chuyển sang chế độ “kín” (chỉ những hội viên mới có thể đọc được).

Bác sĩ Trần Vũ Quang, Khoa Sản bệnh lý (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, "sinh con thuận tự nhiên" không phải là một phương pháp mà là một phong trào, mang tính hiệu ứng đám đông. Phong trào này cổ suý việc "sinh con thuận tự nhiên" như dùng sữa mẹ hoàn toàn, không tiêm vắcxin, không cắt dây rốn, đẻ tại nhà… Điều này chỉ xảy ra ở những vùng sâu vùng xa khi mà trang thiết bị y tế, cơ sở y tế rất thiếu thốn, những tục lệ hủ tục của người dân.

Vậy mà, trong khi Nhà nước đang vận động đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa đưa sản phụ tới các cơ sở y tế thì ở ngay tại thành phố, nơi tiếp cận nhanh nhất với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì những bà mẹ 4.0 với nhiều kiến thức và chắc chắn không quá khó khăn về kinh tế lại sẵn sàng bỏ 15 triệu để tham gia khoá học… online sinh thuận tự nhiên qua mạng xã hội để tự kiểm soát thai nghén, tự đẻ ở nhà, áp dụng những phương pháp phản khoa học.

Phong trào này được xuất phát từ một trang mạng xã hội có tên là “Hội sinh con thuận tự nhiên”, mà người đứng đầu là bà Lê Nhất Phương Hồng - nhân vật được biết đến với những bài viết, những chương trình ủng hộ việc nuôi con bằng sữa mẹ. Cũng chính bà Hồng cũng là người đứng đầu của fanpage "Hội nuôi con bằng sữa mẹ Betibuti" thu hút hơn 150.000 thành viên. Tại các trang mạng này, các thành viên quản trị thường xuyên chia sẻ những bài viết liên quan đến những khuyến cáo của các nhà khoa học về sữa mẹ, nhau thai, những trường hợp cá biệt về việc sinh con tại nhà ở nước ngoài, đồng thời những bài tiêu cực về tai biến sản khoa, tai biến tiêm vắc xin tại Việt Nam. Những bài viết này đã đánh trúng vào tâm lý của phụ nữ mang thai về sự an toàn, bảo vệ con mình đến mức cuồng tín, mà không hiểu rằng, đằng sau những khuyến cáo kia là rất nhiều nguy  cơ gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con.

Theo PGS. Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, "sinh con thuận theo tự nhiên” không có nghĩa là sinh con tại nhà. “Tôn trọng tự nhiên là đẻ thường, sau đẻ thì da kề da giữa mẹ và con, đẻ xong cho bú ngay và cắt rốn chậm ít phút và tiêm thuốc co để chống chảy máu. Nhưng có những trường hợp chúng tôi phải can thiệp. Chẳng hạn với những trường hợp chờ mãi không đẻ được, vỡ ối, xương chậu hẹp, quá ngày chưa đẻ… thì đương nhiên chúng tôi phải can thiệp bằng phương pháp mổ để giảm tai biến, giảm tử vong cho cả mẹ và con”, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương nhấn mạnh.

Các chuyên gia đều khẳng định, việc sinh con luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các tai biến: chảy máu, nhiễm trùng, sản giật, vỡ tử cung và uốn ván rốn, có thể dẫn đến tử vong. Nếu đẻ tại nhà, không có cán bộ y tế hỗ trợ thì những nguy cơ tai biến vừa nêu càng cao hơn. Trên thế giới, trào lưu đẻ tại nhà xuất hiện ở một số nước từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước và từng bị các nhà khoa học trên thế giới cực lực phản đối. Trong đó, việc để nguyên bánh nhau thai trong một tuần sau đẻ và để cuống rốn của trẻ tự rụng là việc làm phản khoa học, nguy cơ nhiễm khuẩn huyết cho em bé rất cao. Hơn nữa, khí hậu của nước ta là nóng ẩm, môi trường ô nhiễm, do đó, bánh rau thai chứa nhiều máu chảy ra,  nếu để trong 6 tuần sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn nhiễm trùng là điều chắc chắn. Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế cũng khuyến cáo nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Tuy nhiên, không được thổi phồng tác dụng của sữa mẹ như thông tin lan truyền gần đây trên mạng xã hội của những thành viên này cho rằng: sữa mẹ có thể chữa được bệnh tim bẩm sinh, nhỏ sữa mẹ vào mắt chữa được bệnh cho trẻ hoặc sữa mẹ có thể làm m ọc đ ốt ngón tay em bé nếu chẳng may bị cắt cụt.

“Tôi nghĩ rằng người dân phải tiếp nhận thông tin về y tế một cách khoa học hơn và có những chuyên gia trong ngành y tế cố vấn. Còn hiện nay những hội viên “cuồng sinh con thuận tự nhiên” đang làm theo một phương pháp phản khoa học.Với sự phát triển của công nghệ số người dân có thể tiếp cận những thông tin từ nước ngoài một cách rất nhanh chóng nhưng những thông tin này có thể không được kiểm chứng, kiểm duyệt và chúng ta đang bị rối loạn trong mớ bòng bong kiến thức có thể tự tìm hiểu hay còn gọi là bác sĩ Google. Nhiều người thỏa mãn với những thông tin tìm hiểu được và không có nhu cầu đến các cơ sở y tế bởi tình trạng vất vả đi lại, quá tải bệnh viện thái độ của một bộ phận bác sĩ, thậm chí có người cho rằng bác sĩ Việt Nam không cập nhật về những tiến bộ khoa học... Điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, khi muốn tìm hiểu thông tin thì người dân cần phải tìm đến những trang thông tin chính thống được cấp phép của Bộ Y tế hoặc những trang thông tin của các bệnh viện uy tín có chuyên môn tốt sau đó gặp gỡ trực tiếp để có những giải pháp tích cực”, bác sĩ Quang chia sẻ.

Nguyên Khang

 

 

Ý kiến bạn đọc