Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2: Một số mô hình cụ thể

VH- 1. Nghệ An: Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết: Tình trạng hành hung bác sĩ Nghệ An ngày càng đáng báo động.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2: Một số mô hình cụ thể - Anh 1

 Người nhà bệnh nhân đến gây náo loạn, uy hiếp y bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An (ảnh do bệnh viện cung cấp)

Để ngăn chặn làm giảm tình trạng trên, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An đã có những phương pháp nhằm phòng chống hành hung các y, bác sĩ. Bệnh viện tổ chức các cuộc họp, các buổi hội thảo nói về y đức của bác sĩ. Khi bệnh nhân đến khám chữa bệnh phải được đón tiếp tận tình, chu đáo, thái độ thầy thuốc phải hòa nhã, giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân và người nhà khi có thắc mắc hoặc yêu cầu. Mở các lớp tập huấn xử lý tình huống an ninh phức tạp tại bệnh viện, để bảo vệ và nhân viên y tế làm quen với các tình huống giả định, khi xảy ra sự việc biết cách xử trí khôn ngoan, giảm thiểu hậu quả tác hại. Đặc biệt Bệnh viện tăng cường trang thiết bị, kỹ thuật khám chữa bệnh hiện đại; Quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao; Quan tâm đến chế độ chính sách của người thầy thuốc tại các điểm khó khăn, vất vả.

Thời gian qua ngoài việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ thầy thuốc, các bệnh viện còn “tự cứu mình” bằng việc thuê đội ngũ vệ sĩ kiểm soát chặt người nhà bệnh nhân hạn chế ra vào trong giờ thăm khám bệnh. Ngay ở phòng cấp cứu bệnh viện đã bố trí lực lượng bảo vệ, gắn hệ thống camera theo dõi phòng khi có sự cố bất thường xẩy ra. Thiết lập đường dây nóng với Công an cơ sở nơi bệnh viện đóng trụ sở. Do vậy, nạn mất cắp, tình trạng người nhà bệnh nhân đi lại lộn xộn và những vụ tấn công thầy thuốc, đập phá trong bệnh viện giảm dần.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2: Một số mô hình cụ thể - Anh 2

 Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đại học Y Dược Huế sáng ngày 25.2

2. Thừa Thiên Huế: Theo BS Trương Như Sơn, Giám đốc Bệnh viện huyện Phú Vang, để tạo môi trường khám chữa bệnh lành mạnh và an toàn cho đội ngũ trong ngành cũng như an toàn cho nhiều bệnh nhân và người nhà khác thì Bệnh viện đã triển khai 5 giải pháp trọng tâm. “Chúng tôi đã xây dựng đề án phối kết hợp với Công an huyện Phú Vang, nếu khi có sự cố xảy ra là lực lượng công an có mặt để giải quyết nhanh chóng. Đồng thời bệnh viện cũng tăng cường lực lượng bảo vệ, được huấn luyện mang tính chuyên nghiệp. Khi có sự cố hoặc thái độ đe dọa, thì nhân viên y tế có thể sử dụng chuông báo động đỏ để báo động đến toàn bệnh viện; và ngay lập tức, lực lượng đội ngũ cán bộ của bệnh viện sẽ tập trung đến địa điểm có báo động để hỗ trợ giải quyết vụ việc… Tuy nhiên, giải pháp quan trọng và chốt yếu nhất là việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên của bệnh viện về tinh thần, thái độ phục vụ, giải thích tận tình đối với bệnh nhân hoặc người nhà; đặc biệt đối với bệnh nhân có hơi men hoặc có thái độ đe dọa hành hung, thì bản than nhân viên phải có thái độ hết sức bình tĩnh để xử lý”.

GS.TS Cao Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Huế cho rằng: "Với Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, chúng tôi luôn yêu cầu đội ngũ y bác sĩ nâng cao ý thức khám chữa bệnh, phải luôn có thái độ bình tĩnh để xử lý các tình huống. Nhân viên y tế phải biết bỏ qua những lời nói, thái độ không tốt của người nhà bệnh nhân để xử lý tốt công tác chuyên môn, phải luôn đưa mục tiêu giải quyết tình trạng cho bệnh nhân lên hàng đầu. Nếu quá sa đà, bị ảnh hưởng và cuốn theo những lời nói và thái độ của người nhà bệnh nhân, rất dễ dẫn đến xung đột, mâu thuẫn và có nguy cơ dẫn đến xô xát, vũ lực…”.

Phạm Ngân- Sơn Thùy

 

Ý kiến bạn đọc