Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Nơi đây, thầy cô như mẹ hiền

Thứ Hai 22/04/2019 | 11:04 GMT+7

VHO- Ở “diện rộng” ngành giáo dục xảy ra nhiều vấn đề tiêu cực, hạn chế nhưng tại Kon Tum, địa phương còn nhiều khó khăn của vùng đất Tây Nguyên, nhiều thầy cô giáo nơi đây luôn có những hành động đẹp, như ngọn lửa thắp lên niềm tin về tình thầy trò, về lòng nhân ái…

Câu chuyện của thầy giáo Phạm Đình Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô) nhận đỡ đầu cho 2 em nhỏ mồ côi là A Chất (10 tuổi) và Y Viên (9 tuổi) ở làng Đăk Tông (xã Ngọc Tụ) đang lan tỏa những giá trị yêu thương. Thầy Thu đã trích những đồng lương ít ỏi của mình để mua gạo nuôi các em, mua sắm áo quần, sách vở, dép để các em đến trường. “Ban đầu, lúc chưa vào khảo sát mình nghĩ nhận đỡ đầu một cháu thôi nhưng vào tận nơi thấy 2 anh em cùng mồ côi nên mình không nỡ để cháu kia thiếu thốn. Thế là về bàn với vợ nhận nuôi 2 cháu luôn”, thầy Thu chia sẻ.

Việc làm đầy nhân ái của thầy đã lan tỏa tới 25 giáo viên trong nhà trường. Và rồi các thầy cô giáo trong trường đã tự nguyện nhận đỡ đầu cho 27 em học sinh mồ côi, những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để chăm sóc, giúp đỡ. Chính từ những việc làm này mà trường không còn tình trạng học sinh bỏ học, sĩ số học sinh được duy trì, các em ngoan ngoãn, lễ phép hơn.

 Bữa ăn chan chứa tình yêu thương của học sinh nghèo

“Chặng đường phía trước của các cháu còn dài. Các cháu cần nhiều sự chăm lo hơn nữa mà khả năng bảo trợ của các thầy cô thì có hạn. Về lâu dài, có lẽ mình phải liên hệ xem Trung tâm bảo trợ tỉnh có thể tiếp nhận và chăm lo cho các cháu tốt hơn không”, thầy Thu băn khoăn.

Nguyện đóng góp để nấu bữa trưa cho các em

Chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei) vào một ngày trung tuần tháng 4 trong lúc các thầy cô giáo đang chuẩn bị cơm trưa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, xa nhà. Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Trần Xuân Ninh, Hiệu trưởng nhà trường này tâm sự, toàn trường có 370 học sinh nhưng trong đó có 59 em học sinh là người dân tộc thiểu số Hà Lăng ở thôn Long Nang có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa trường học. Mặc dù các thầy cô giáo thường xuyên đến nhà vận động nhưng vì đường sá xa xôi nên học sinh vẫn thường nghỉ học vào buổi chiều. Vì trường không thuộc diện bán trú nên không có chế độ nấu ăn cho các em học sinh.

Để động viên, giúp đỡ các em học con chữ, không bỏ trường, bỏ lớp, tập thể giáo viên nhà trường bàn bạc và thống nhất áp dụng mô hình “bán trú tự túc”. Để bếp ăn được đủ đầy, Ban Giám hiệu kêu gọi giáo viên trong trường đóng góp bằng nhiều hình thức như tiền, gạo, thịt, trứng, mì tôm… và hằng ngày thay nhau nấu cơm trưa cho học trò. Về sau nhà trường kêu gọi phụ huynh cùng hỗ trợ và được các phụ huynh nhiệt tình hưởng ứng. Nhà trường thành lập tổ tự quản để quản lý tiền và học sinh. Tất cả tiền hoặc các nhu yếu phẩm được mọi người hỗ trợ đều lập danh sách và công khai nhằm đảm bảo minh bạch. Ngoài ra, tại thôn cũng thành lập một tổ tự quản phụ huynh có trách nhiệm phân công người lên trường phụ giáo viên nấu ăn và trông coi các cháu buổi trưa.

“Nhờ có bếp ăn mà từ đầu năm học đến nay tình trạng học sinh nghỉ học không còn nữa, phụ huynh học sinh rất vui mừng. Tuy nhiên, có một điều chúng tôi lo lắng là trong 59 em học sinh này, qua khảo sát có 6 em có hoàn cảnh “đặc biệt của đặc biệt”, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ rất thương tâm. Cũng có vài nhà hảo tâm liên hệ nhà trường để tìm hiểu và hẹn sẽ lên khảo sát, nhận đỡ đầu cho các em. Nếu được vậy thì tốt quá, giấc mơ con chữ của các em sẽ không dang dở nửa chừng”, thầy Trần Xuân Ninh, Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch.

 Các thầy cô giáo thay nhau nấu ăn trưa cho các em học sinh

Và lập nhóm giúp đỡ gia đình học sinh nghèo

Thầy giáo Nguyễn Văn Quyền, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Lý Tự Trọng (thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei), Trưởng nhóm thiện nguyện Lý Tự Trọng luôn trăn trở với gia cảnh khó khăn của các em học sinh trong trường, nhất là những em học sinh ở xa. Điều này đã thôi thúc thầy Quyền tham gia hoạt động thiện nguyện và vận động các thầy cô giáo trong trường quyên góp quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm để tặng cho phụ huynh học sinh nghèo trong trường.

Thầy Quyền cho biết, những ngày đầu mới hoạt động nhóm gặp rất nhiều khó khăn vì ít thành viên, chủ yếu các thầy cô giáo trong nhà trường. Nhưng với tinh thần thiện nguyện, nhóm không bỏ cuộc. Dần dần mọi người xung quanh, bạn bè thấy được việc làm ý nghĩa nên nhắn tin, gọi điện thoại ủng hộ vật chất, tinh thần, tiếp thêm động lực cho nhóm hoạt động. Qua gần 3 năm hoạt động, nhóm thiện nguyện Lý Tự Trọng đã tổ chức nhiều hoạt động trao tặng quà cho phụ huynh học sinh nghèo ở các thôn có lớp học của nhà trường, cũng như vận động, kêu gọi các Mạnh Thường Quân ủng hộ, hỗ trợ sách vở vào đầu năm học cho các em học sinh. Tuy các phần quà không nhiều nhưng ít nhiều động viên, khích lệ họ vươn lên trong cuộc sống, nhờ đó tình trạng học sinh bỏ học trái buổi đã giảm triệt để.

“Từ đầu năm học đến nay nhóm đã vận động và tổ chức trao quà mấy đợt rồi, gần đây nhất là cuối tháng 3.2019 tặng quần áo, mì tôm, mắm, muối, bột ngọt cho 72 hộ dân ở thôn Đăk Chung Trong. Sắp tới dịp 30.4 nhóm sẽ tổ chức tặng quà cho bà con thôn Đăk Chung Ngoài”, thầy Quyền vui mừng thông báo với chúng tôi.

Vẫn còn nhiều những câu chuyện, hành động đẹp của các thầy cô giáo ở vùng khó Kon Tum vẫn ngày ngày diễn ra như: Hũ gạo tình thương, áo ấm tặng bạn, quỹ tình thương… Và những hành động đẹp ấy như ngọn lửa thắp lên niềm tin cho xã hội về tình thầy trò, về lòng nhân ái ở nơi vùng sâu, vùng xa. 

Nhờ có bếp ăn mà từ đầu năm học đến nay tình trạng học sinh nghỉ học không còn nữa, phụ huynh học sinh rất vui mừng. Tuy nhiên, có một điều chúng tôi lo lắng là trong 59 em học sinh này, qua khảo sát có 6 em có hoàn cảnh “đặc biệt của đặc biệt”, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ rất thương tâm. Cũng có vài nhà hảo tâm liên hệ nhà trường để tìm hiểu và hẹn sẽ lên khảo sát, nhận đỡ đầu cho các em. Nếu được vậy thì tốt quá, giấc mơ con chữ của các em sẽ không dang dở nửa chừng.

(Thầy Trần Xuân Ninh, Hiệu trưởng trường tiểu học thị trấn Đăk Glei)

 

 NGỌC HÒA

Print

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top