Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Bệnh nhân tử vong vì bị gây khó dễ: Yêu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy làm rõ thông tin

Thứ Bảy 15/09/2018 | 07:42 GMT+7

VH- Ngày 14.9 Cục Quản lý khám chữa bệnh đã gửi công văn tới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) yêu cầu Bệnh viện làm rõ thông tin một bệnh nhân 19 tuổi tử vong vì sự thờ ơ, tắc trách và bị gây khó dễ của y bác sĩ.

Chia sẻ của chị LiLy HM trên mạng xã hội

Công văn cho biết, trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội ngày 14.9 có đưa thông tin về việc “Xin đi Mỹ điều trị, bệnh viện gây khó dễ khiến bệnh nhân tử vong?”, nội dung phản ánh về trường hợp bệnh nhân N.D.H, 19 tuổi (Đồng Nai), đã tử vong sau khi được gia đình đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy do nghi ngờ viêm tụy cấp. Theo phản ánh của gia đình bệnh nhân, nguyên nhân dẫn đến cái chết của bệnh bệnh nhân là do sự tắc trách và thờ ơ của cán bộ nhân viên y tế trong bệnh viện. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương xác minh thông tin của sự việc; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan; nghiêm khắc xử lý các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm).
Trước đó, ngày 14.9, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tố cáo của từ tài khoản LiLy HM – xưng là mẹ của bệnh nhân ND.H. Chị LiLy cho biết đang sống tại Mỹ và gửi cậu con trai cho người chị gái nuôi tại Đồng Nai, chờ cháu đủ 20 tuổi sẽ sang đoàn tụ với gia đình.
Tuy nhiên cách đây hơn 20 ngày, từ Việt Nam, người nhà gọi điện cho chị biết H. bị đau bụng và phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nhưng được đưa lên cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy vì bác sĩ chẩn đoán viêm tuỵ cấp. Ngay lập tức, chị LiLy mua vé máy bay từ Mỹ để trở về Việt Nam, sau hai ngày bay chị đã có mặt ở bệnh viện để chăm sóc con trai. Theo lời kể của chị gái, cháu bị viêm tuỵ cấp nhưng chỉ được truyền bằng chai nước muối, và nằm ngoài hành lang bệnh viện, sau đó, nhờ một người quen, bệnh nhân mới được vào phòng bệnh; nhưng vẫn chỉ được truyền bằng chai nước muối. “Tất cả các bệnh lý đều có một khung giờ vàng để chữa trị kịp thời. Còn con tôi vẫn nằm đó và dịch trong ổ bụng bắt đầu tràn. Bụng cháu trướng lên cao hơn mặt. Họ bắt đầu cắm ống hút dịch từ dạ dày ra. Cứ vài tiếng là một bịch hai lít nước. Họ nói người nhà ngồi canh khi nào bình dịch truyền hết thì gọi họ…”, mẹ bệnh nhân viết. 
Sau đó, bệnh nhân H. bị khó thở và kiệt sức dần vì tràn nhiều dịch và hai ngày cấp cứu qua loa như bệnh nhân tiêu chảy bình thường. Lúc này, người quen trong bệnh viện mới tác động để đưa H. vào Khoa Hồi sức cấp cứu, các bác sĩ đã cắm các loại ống, máy móc vào người bệnh nhân. Chị LiLy cho biết, từ lúc con chị hôn mê, mỗi ngày chị phải nộp tiền từ 30 – 50 triệu để lọc máu, chồng chị là người Mỹ - cha dượng của H. đã liên hệ với bác sĩ ở Mỹ và họ đề nghị nói chuyện với bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho H. nhưng bị từ chối; thậm chí bác sĩ ở Mỹ sẽ gửi thuốc kháng sinh mạnh về để điều trị nhưng cũng bị từ chối vì cho rằng đã dùng những loại thuốc tốt nhất. Theo chị LiLy, chồng chị sẵn sàng thuê máy bay cấp cứu với bác sĩ theo để từ Mỹ trở về đón bệnh nhân sang Mỹ với chi phí 7 tỉ đồng, nhưng khi đưa giấy yêu cầu tóm tắt bệnh án để được cấp visa khẩn cấp thì các bác sĩ lại nói phải chờ năm ngày để dịch bệnh án sang tiếng Anh.  
Trở lại câu chuyện nộp tiền để lọc máu, chị LiLy cho rằng ngày nào chị cũng phải ký giấy nộp vài chục triệu đồng, nhưng chị không nhìn thấy máy lọc cắm vào người bệnh nhân. Đem thắc mắc này hỏi bác sĩ thì được trả lời “lọc máu nhiều cũng có tốt đâu, máy còn phải nhường cho bệnh nhân khác nữa”…; ngoài ra, chị cũng phải chi tiền tiêm một loại thuốc mà giá 10 triệu/ngày. Cứ như vậy, trải qua hơn 20 ngày nằm viện thì bệnh nhân H. cũng mở mắt và nói được vài câu ngắn với chị. Bác sĩ cho biết con chị đã trải qua thời điểm nguy kịch và còn phải tiếp tục nằm thêm một tháng nữa mới khỏi bệnh.
Tuy nhiên chồng chị cho rằng, bệnh con chị rất nặng và cần đưa sang Mỹ khi có đủ giấy tờ. Nhưng rồi con chị bị trướng bụng bất thường và phải đưa đi chụp CT, sau khi chụp bệnh nhân yếu dần và nhắm mắt lại. Đến chiều, khi Trưởng khoa đi thăm bệnh thì chị nghe được vị này trao đổi với bác sĩ là bệnh nhân H. phải trả về nhà chứ cứu làm sao được. Hồi sau, các bác sĩ hội chẩn và kết luận phải mổ ngay nhưng chỉ có 1% sống sót, nhưng dù vậy chị vẫn ký giấy cam kết với hy vọng tối đa. 
Sau thời gian chờ đợi, tất những mong đợi của chị và gia đình hoàn toàn bị dập tắt, khi bác sĩ báo tin bác sĩ đã mổ, toàn bộ nội tạng của con chị đã hỏng hết vì thế gia đình nên đưa cháu về nhà.
“Lúc này đã không thể khóc được, chân tay tôi run rẩy. Gia đình vội vàng làm thủ tục để đưa con tôi về nhà. Tôi điện thoại cho chồng tôi ở Mỹ, anh đã cùng con trai nhỏ của tôi bay về gấp. Về đến nhà con tôi mất. Cả thế giới như sụp đổ hoàn toàn dưới chân. Một đứa con ngoan, hiền lành mà ai cũng yêu thương; tương lai đang chờ đón ở phía trước. Chỉ còn ba tháng nữa mẹ sẽ về đón con qua Mỹ sống và sum họp gia đình… Tại sao con tôi chết đau đớn như thế này. Tôi đã đóng tiền gần 1 tỉ nhưng bệnh con không tiến triển”, chị LiLy HM chia sẻ.

Nguyên Khang


 

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top