TP.HCM: Nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh sởi

VH- Những ngày gần đây, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM liên tiếp nhận điều trị nhiều ca bệnh sởi và ca sốt phát ban nghi sởi. Do đó, nếu không có các biện pháp chủ động phòng chống thì nguy cơ lây lan bùng phát dịch là điều khó tránh khỏi, nhất là vào thời điểm năm học mới bắt đầu.

TP.HCM: Nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh sởi - Anh 1

TP.HCM: Nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh sởi - Anh 2

 Trẻ bị sởi khi đến khám điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Nhiều ca mắc sởi chưa hoặc tiêm vắc xin không đầy đủ

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, qua hệ thống giám sát dịch bệnh, ca mắc sởi mới phát hiện gần đây nhất trên địa bàn thành phố là tại huyện Hóc Môn. Đồng thời ghi nhận nhiều trường hợp sởi và sốt phát ban nghi sởi đến từ các tỉnh, thành khác đến khám và điều trị, như vậy qua hệ thống, từ đầu năm đến nay TP.HCM đã ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh sởi nằm rải rác ở các quận 2, quận 6, quận 8, quận Phú Nhuận và huyện Hóc Môn.

Đặc biệt vào cuối tháng 8, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã phát hiện 25 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, hầu hết các bệnh nhân đều được chuyển đến từ một số tỉnh phía Nam. Trong tổng số 25 ca bệnh nghi ngờ sởi, kết quả xét nghiệm cho thấy có đến 15 trường hợp dương tính với sởi. Tất cả 15 trường hợp dương tính nói trên chỉ có một trường hợp duy nhất ngụ tại TP.HCM. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cũng đã khẩn trương triển khai các biện pháp cách ly, vệ sinh môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng ngừa lây nhiễm chéo cũng như tổ chức phân luồng cho trẻ đến khám bệnh khi có biểu hiện mắc sởi.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, vấn đề đáng lưu ý trong tổng số 15 trường hợp mắc sởi có đến 8 trường hợp trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi. Đây là những trường hợp chưa đến thời điểm tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, còn lại đều chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi.

Chủ động phòng tránh lây chéo

Hiện bệnh sởi đang gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc, và trong bối cảnh giao thương đi lại thuận lợi thì việc lây lan bệnh giữa các vùng miền là rất dễ đối với các cá thể và cộng đồng chưa có miễn dịch với virus sởi. Để chủ động phòng bệnh, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai các hoạt động kiểm soát bệnh sởi trong các bệnh viện cũng như tại cộng đồng.

Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các bệnh viện, các cơ sở y tế phải triển khai việc sàng lọc, phân luồng cách ly ngay các trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi tại khoa khám bệnh, bố trí bàn riêng với những trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo các trường hợp khác đến khám bệnh. Trường hợp người mắc bệnh sởi bắt buộc điều trị tại khoa lâm sàng khác, phải bố trí khu vực cách ly điều trị tại khoa đó, không bố trí nằm chung buồng bệnh với các trường hợp khác. Đồng thời tổ chức tập huấn, yêu cầu các nhân viên y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa, sử dụng các phương tiện bảo hộ khi làm việc, cũng như hướng dẫn cho bệnh nhân, người thân bệnh nhân cùng thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo.

Một điều đáng lưu ý là đặc tính dịch tễ học của bệnh sởi bùng phát theo chu kỳ thông thường từ 3 đến 5 năm lại xảy ra một đợt dịch lớn. Thực tế, năm 2014 dịch sởi đã xảy ra trên diện rộng ở tất cả các tỉnh phía Nam. Hơn nữa thời điểm hiện tại, khi năm học mới vừa mới bắt đầu, do đó nguy cơ dịch sởi có thể bùng phát mạnh vào năm 2018-2019 là rất lớn.

Trước thực trạng trên, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo, để ngăn ngừa và phòng bệnh sởi thì việc tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất. Do đó các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi phải đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, đảm bảo trẻ được tiêm mũi vắc xin phòng ngừa sởi khi tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi được 18 tháng.

Nếu chưa tiêm phải khẩn trương đưa trẻ đến trạm y tế phường xã để được khám, tư vấn tiêm bù vắc xin sởi càng sớm càng tốt. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần phải hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt phát ban. Nếu phát hiện trẻ có các triệu chứng sốt hoặc phát ban phải đưa trẻ đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để khám, điều trị, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác để phòng lây nhiễm ra cộng đồng. 

Hiếu Nguyễn

 

 

 Bài, ảnh: HIẾU NGUYỄN

Ý kiến bạn đọc