Xây dựng nhà vệ sinh, mang niềm vui đến với học sinh miền núi

VHO - Sau hơn 1 tháng xây dựng, công trình nhà vệ sinh điểm trường mầm non thôn Nước Tang, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) đã hoàn thiện đưa vào sử dụng, tạo môi trường học tập sạch sẽ và đầy đủ điều kiện cho các em học sinh.

Xây dựng nhà vệ sinh, mang niềm vui đến với học sinh miền núi - Anh 1

Điểm trường mầm non thôn Nước Tang, xã Sơn Bao

Nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi hơn 60km, điểm trường mầm non thôn Nước Tang, xã Sơn Bao là một trong những nơi xa xôi và khó khăn nhất của huyện miền núi Sơn Hà. Kể từ khi được xây dựng cách đây gần 20 năm, cô trò luôn phải chịu cảnh không nhà vệ sinh.
Trường Mầm non Hướng Dương ở thôn Nước Tang là điểm trường lẻ, nơi học tập và sinh hoạt của 22 em học sinh. Thấu hiểu, chia sẻ khó khăn với các giáo viên và học sinh, Trường Liên cấp thành phố giáo dục Quốc tế - IEC Quảng Ngãi đã hỗ trợ gần 60 triệu đồng để xây dựng 1 nhà vệ sinh và lắp đặt 1 máy bơm nước để vận hành nhà vệ sinh.

Xây dựng nhà vệ sinh, mang niềm vui đến với học sinh miền núi - Anh 2

Sau hơn 1 tháng xây dựng, công trình nhà vệ sinh hoàn thiện và đưa vào sử dụng

Cô giáo Trịnh Thị Thuý Sang cho biết, hơn 2 năm được phân công dạy tại điểm trường cũng là quãng thời gian thử thách cực độ với nữ giáo viên này. Cùng với những khó khăn của giáo dục miền núi thì việc không có nhà vệ sinh càng làm tăng thêm phần thách thức, vất vả cho cô lẫn trò. “Việc đại tiểu tiện của 22 trẻ đành thực hiện ngay bãi đất trống cạnh trường nên rất bất tiện và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ của các em. Nhà vệ sinh của trường hôm nay rất đẹp. Bao lâu nay cô và trò đã từng ước trường mình có một nhà vệ sinh đẹp”, cô Sang nói.

Xây dựng nhà vệ sinh, mang niềm vui đến với học sinh miền núi - Anh 3

Tặng quà cho các em điểm trường lẻ của xã Sơn Bao

Cô giáo Lê Thị Thuỷ, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương cho hay, Nước Tang là một trong 4 điểm trường lẻ của xã Sơn Bao và là 1 trong 2 điểm chưa có nhà vệ sinh. Việc trong suốt quá trình dạy trẻ lại không có nhà vệ sinh là không đảm bảo điều kiện sinh hoạt cũng như an toàn vệ sinh cho các cháu và giáo viên. Rất đồng cảm và chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn của cô trò ở vùng khó. 100% trẻ ở đây là con em của đồng bào Hrê, đa số đều có hoàn cảnh khó khăn. Việc huy động xã hội hoá các công trình cho trường là điều gần như không thể.
Sau hơn 1 tháng xây dựng, công trình vừa hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong niềm vui và phấn khởi của cô trò. Trước sự chứng kiến của đông đảo phụ huynh, học sinh của hai trường, nhà vệ sinh khang trang, sạch sẽ đã được bàn giao cho điểm trường Nước Tang.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc