Nghĩ ngợi về việc ở Trường Văn Phú

VHO- Bác Hồ từng căn dặn: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự lập tự cường”. Trẻ em chính là tương lai của đất nước!

Thế nhưng, vụ việc cô giáo bị một nhóm học sinh dồn vào góc lớp, chửi bới, ném dép đến ngất xỉu xảy ra mới đây tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã khiến cho đội ngũ nhà giáo nói riêng và xã hội nói chung không khỏi đau lòng, khi sự “bất thường” của văn hóa học đường đã đến mức báo động.

 Nhìn những đứa trẻ lao vào cô giáo với vẻ hung hãn, manh động, không ai là không buông tiếng thở dài và đau đáu câu hỏi: “Phải chăng truyền thống tôn sư trọng đạo không còn?”; “Do giáo dục, do môi trường sống, hay do xã hội đương đại đã vận động, thay đổi mà hình ảnh thiêng liêng của người thầy bị ảnh hưởng?”.

Dân tộc ta có truyền thống hiếu học. Người Việt dù ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, trong chiến tranh tàn khốc hay một cổ mấy tròng của ách thực dân, đế quốc, vẫn luôn coi trọng sự học, luôn neo vào con chữ để phấn đấu nên người có ích cho gia đình và xã hội. Cũng từ truyền thống ấy, thời nào người thầy cũng được xã hội tôn kính, gửi gắm niềm tin vào việc “thành nhân” và “thành danh” cho thế hệ tương lai. Điều đó đã được đúc kết trong câu ca dao: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Xuất phát từ việc coi trọng sự học, hình ảnh “ông giáo” luôn là khuôn vàng thước ngọc để ai nấy trông vào, noi theo, học trò phải lấy đó mà tự soi mình để rèn luyện, phấn đấu. “Tiên học lễ, hậu học văn”, ngay từ những câu ê a đầu tiên, người thầy đã chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức cho con trẻ để đến khi lớn lên họ trở thành những người vừa tài vừa đức. Và vì thế, người thầy luôn lấy giáo dục làm đầu và luôn coi sự thành đạt của học trò làm uy tín cho tài năng, đức độ của mình.

Ngày nay, xã hội phát triển và không ngừng thay đổi. Quan niệm về sự học cũng như mối quan hệ giữa thầy và trò cũng đã thay đổi, khoảng cách giữa hai thế hệ không còn xa như trước, không còn bị chi phối bởi những lễ giáo nghiêm ngặt như trong xã hội xưa. Khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” được vận dụng ở tất cả các trường trên cả nước, nhằm giáo dục lớp trẻ bằng những phương pháp tích cực chứ không mắng mỏ quá lời hay sử dụng những hình phạt cũ như quỳ góc lớp, bêu tên trước trường, phạt lao động công ích… Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ giữa thầy và trò, dẫn đến những vụ việc không mong muốn nơi học đường, như thầy giáo đánh đập, chửi bới, mạt sát học sinh, thậm chí xâm hại những em còn rất nhỏ tuổi; phụ huynh thì kéo bè kéo đảng vào tận lớp để “xử” cô giáo; trò vô lễ, hỗn hào, đứng lên cãi nhau tay đôi với thầy cô, thậm chí xông vào hành hung hội đồng cô giáo như vụ việc vừa xảy ra tại Tuyên Quang. Phải chăng, vì “lấy học sinh làm trung tâm” mà giáo viên bị xem thường trong mắt phụ huynh và học sinh? Nếu trước kia, trò vô lễ bị đuổi cha mẹ còn phải sắm lễ đến tạ tội với thầy cho con được tiếp tục theo học, thì nay thầy cô giáo vừa phải dạy học vừa phải “biết sợ” học sinh và phụ huynh? Điều này đang đi ngược với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, khiến xã hội không khỏi trăn trở, bất an về sự nghiệp giáo dục, một lĩnh vực đặc biệt, như Bác Hồ đã dạy, Vìlợi ích mười năm trồng cây, vìlợi ích trăm năm trồng người.

Không ít người suy nghĩ tiêu cực đã thốt lên rằng, “chúng ta đang thất bại trong việc giáo dục lớp trẻ” khi thấy học sinh bây giờ không biết sợ ai. Giáo viên có thể có lỗi, nhưng học sinh hành xử côn đồ như thế, thì không hiểu sau này lớn lên các em sẽ như thế nào, tương lai sẽ đi về đâu. Hành động là bột phát, nhưng tính cách sẽ hầu như bất biến, nó là kết quả của sự thất bại trong giáo dục từ gia đình đến nhà trường. Khi nào người lớn còn tiếp tục đổ lỗi cho “cô giáo không đúng đạo làm thầy”, hoặc đổ lỗi cho học sinh vì được nuông chiều mà sinh hư thì vòng tròn bạo lực học đường sẽ còn tiếp diễn. Có lẽ, chỉ đến bao giờ cả xã hội thực sự nhận thức được rằng, “trẻ em là tấm gương phản chiếu của người lớn” thì may ra điều đó mới được chấn chỉnh từ tận gốc rễ.

Dù ở đâu, giai đoạn nào trong dòng chảy của cuộc sống, thì sự học cũng vẫn luôn là điều tối quan trọng, đi cùng với đó là hình ảnh người thầy phải được đưa về đúng vị trí “tôn sư” như vốn có từ xưa tới nay. Ngược lại, người thầy cũng phải luôn giữ đúng “đạo làm thầy” để trở thành những người mẫu mực, được học trò và xã hội kính trọng. 

ĐỖ CAO HUYỀN

Ý kiến bạn đọc