Nghịch lý chuyện thiếu nhân lực, khó tuyển sinh ở các ngành đào tạo VHNT

VHO - Tại Hội nghị Tổng kết thi đua khối các trường đại học, học viện thuộc Bộ VHTTDL năm 2023 diễn ra tại TP.HCM cuối tháng 11 vừa qua, câu chuyện về những bất cập, khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo cũng như đội ngũ giảng viên các trường nghệ thuật tiếp tục là tâm tư của các trường.

Nghịch lý chuyện thiếu nhân lực, khó tuyển sinh ở các ngành đào tạo VHNT - Anh 1

Thí sinh thi năng khiếu vào Trường ĐH Văn hóa TP.HCM năm 2023

Thiếu hụt nhân lực, sự cạnh tranh công tư ngày càng cao

Theo PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường, Điều hành Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Khối trưởng khối thi đua năm 2023, trong năm qua, các cơ sở giáo dục trong Khối đã tập trung thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, rà soát cải tiến chương trình, nội dung đào tạo tiến tới kiểm định trường và kiểm định các chương trình đào tạo. Hầu hết các trường đã được công nhận Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. 

Trong bối cảnh tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, các trường đã chú trọng đến công tác truyền thông, chuẩn bị để thực hiện các hình thức và cơ chế tuyển sinh phù hợp, một số trường đã nghiên cứu nhu cầu xã hội để mở thêm ngành, chuyên ngành đào tạo. Nhiều trường đã tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho ngành VHTTDL. 

“Bên cạnh kết quả đạt được, các đơn vị trong Khối vẫn còn một số hạn chế: Nguồn nhân lực thiếu hụt, chưa đáp ứng so với quy mô phát triển, đặc biệt là đội ngũ làm công tác giảng dạy. Sự cạnh tranh giữa đơn vị công và tư ngày càng cao. Giảng viên có trình độ đang có chiều hướng chuyển sang các cơ sở giáo dục tư nhân”, PGS.TS Lâm Nhân cho biết.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM Huỳnh Thị Thu Hiền, công tác tuyển sinh đầu vào của Nhà trường gặp khó khăn, số lượng sinh viên theo học năng khiếu nghệ thuật ngày càng giảm, nhiều sinh viên thực sự có năng khiếu nhưng không có điều kiện theo học. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên còn hạn chế về trình độ và chưa đồng bộ về cơ cấu. Do đặc thù nghệ thuật, đội ngũ giảng viên là những nghệ sĩ có chuyên môn sâu nhưng thiếu học hàm, học vị theo chuẩn. 

Nghịch lý chuyện thiếu nhân lực, khó tuyển sinh ở các ngành đào tạo VHNT - Anh 2

Thí sinh thi năng khiếu Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM

“Đặc biệt, chế độ chính sách đối với giảng viên và sinh viên chưa phù hợp, công tác nghiên cứu xây dựng và đề xuất ban hành các chính sách ưu đãi cho đào tạo nghệ thuật còn hạn chế”, bà Hiền nhấn mạnh. 

Ông Hoàng Ngọc Long, Quyền Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho rằng, các trường nghệ thuật khối Bộ VHTTDL nói chung, đang có sự cạnh tranh với khối trường tư đào tạo cùng khối ngành. “Rõ ràng trường tư họ có điều kiện hơn về kinh tế nên theo cơ chế thị trường, nguồn nhân lực đang bị san sẻ là điều không tránh khỏi”, ông Long bày tỏ. 

Trao đổi với Văn Hóa, PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tâm tư, với các trường năng khiếu nghệ thuật nói chung, có một số ngành gặp khó khăn trong tuyển sinh. Tại Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, các khối ngành về kịch hát dân tộc và lý luận phê bình cả sân khấu cũng như điện ảnh đều khó tuyển sinh. 

“Qua nhiều năm, chúng tôi nhận thấy các thí sinh ngần ngại khi đăng ký vào các ngành học này. Một trong những lý do là đầu ra của sinh viên khá hẹp, chẳng hạn không có biên chế khi các em về đơn vị nghệ thuật truyền thống. Có những em rất đam mê với nghề nhưng cũng không có cơ hội để đầu quân ở các nhà hát hoặc đơn vị nghệ thuật truyền thống. 

Đối với các ngành lý luận phê bình, đây là ngành đào tạo đòi hỏi các kỹ năng cũng như kiến thức rất cao. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, để có cơ hội việc làm cũng không nhiều. Thu nhập bằng chính công việc chuyên môn này cũng không cao…”, NGND Nguyễn Đình Thi bày tỏ. 

Nghịch lý chuyện thiếu nhân lực, khó tuyển sinh ở các ngành đào tạo VHNT - Anh 3

Ngành Kịch hát dân tộc của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là một trong hai khối ngành khó tuyển sinh

Về đội ngũ giảng viên, theo NGND Nguyễn Đình Thi, “Với những giảng viên có trình độ, kiến thức cũng như kinh nghiệm giảng dạy, thì đúng là khu vực phía Nam có nhiều cơ sở đào tạo ngoài công lập, vì thế sức hút lớn hơn, trong khi đó cơ chế đòi hỏi các cơ sở đào tạo công lập nhiều khi chưa đáp ứng đúng với trình độ cũng như kinh nghiệm của giảng viên ấy, cho nên có sự cạnh tranh là không tránh khỏi. Điều này tôi cho rằng đôi khi cũng cần thiết, từ đó các trường công lập phải có sự điều chỉnh chính sách”.

Cần những cơ chế đặc thù

TS Trịnh Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho hay, công tác tuyển sinh tại Nhà trường, có những ngành rất thuận lợi, nhiều năm liền dẫn đầu chỉ tiêu tuyển sinh, mà nguồn tuyển cũng rất đông, thậm chí nguồn thí sinh gấp gần 20 lần chỉ tiêu trường cần tuyển, cụ thể như các ngành du lịch, truyền thông văn hóa. Ngành thứ ba tuyển sinh ổn định nhiều năm đó là Quản lý văn hóa. Bên cạnh những ngành thu hút thí sinh như nói trên, thì có một số ngành khó tuyển sinh, như ngành Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam, Bảo tàng học, Thông tin - Thư viện. 

“Sở dĩ khó tuyển sinh là vì sinh viên ra trường ở các ngành này chủ yếu làm việc ở khu vực các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị nhà nước. Trong khi hiện nay, biên chế ở các đơn vị ngày càng giảm, các đầu mối gộp lại và chỉ tiêu người làm trong đơn vị nhà nước cũng hẹp hơn…”, TS Khoa nói.

Nghịch lý chuyện thiếu nhân lực, khó tuyển sinh ở các ngành đào tạo VHNT - Anh 4

Sinh viên tốt nghiệp ngành Bảo tàng - Trường ĐH Văn hóa TP.HCM (ngoài cùng bên trái) thuyết minh tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh

Cũng theo TS Trịnh Đăng Khoa, có một nghịch lý, là bản thân những đơn vị sự nghiệp, ví dụ bảo tàng, thư viện, các đơn vị liên quan đến văn hóa dân tộc ít người, thì lại luôn thiếu nhân sự. “Họ đặt vấn đề với trường là xin sinh viên tốt nghiệp, nhưng sinh viên hiện nay tốt nghiệp các ngành này đã ít, mà các bạn tốt nghiệp ra trường lại có tâm lý không muốn làm việc nhà nước vì lương thấp… Cho nên câu chuyện thiếu nhân lực - khó tuyển sinh cứ lẩn quẩn ở các ngành này rất là nhiều”, TS Khoa cho hay.

Quyền Giám đốc Nhạc viện TP.HCM Hoàng Ngọc Long cho biết thêm, về tuyển sinh, nếu như các ngành thanh nhạc, piano, nhạc nhẹ…, nhu cầu xã hội nhiều, đầu ra đa dạng, thời gian đào tạo ngắn, chỉ từ 4-5 năm là các em ra đi làm kiềm tiền, lại dễ nổi tiếng… thì cũng trong khối nhạc, nhưng các ngành âm nhạc truyền thống, nhạc cụ giao hưởng… cực kỳ khó tuyển. Về khách quan, TP.HCM chỉ có một dàn nhạc giao hưởng và số lượng cần cho mỗi vị trí trong dàn nhạc cũng ít, vì thế đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp các ngành học âm nhạc cổ điển này không nhiều, trong khi nhạc cụ giao hưởng là ngành đặc thù, các cháu không thể học chơi như piano hay học hát được. 

“Nguyện vọng của các cơ sở đào tạo là mong có sự đầu tư từ cấp trên, có chế độ riêng cho các ngành này như cấp học phí hoàn toàn, cấp học bổng… để ưu đãi, khuyến khích các em thi vào những chuyên ngành khó tuyển sinh này”, ông Hoàng Ngọc Long mong muốn.

Đồng quan điểm này, NGND Nguyễn Đình Thi cho rằng để thu hút người học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo sự cân đối các ngành nghề trong xã hội, rất cần có chính sách hỗ trợ từ nhà nước. “Chắc chắn trong cuộc họp tổng kết sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục có ý kiến về cơ chế chính sách đối với những ngành đào tạo đặc thù, cụ thể ở đây là năng khiếu nghệ thuật cũng như thể dục thể thao. Cơ chế đặc thù ở đây ngoài chế độ tiền lương ra còn là việc chúng ta triển khai công tác cán bộ như thế nào để có thể ghi nhận, đánh giá đúng năng lực của đội ngũ giảng viên các trường nghệ thuật”, ông Thi nhấn mạnh.

Nghịch lý chuyện thiếu nhân lực, khó tuyển sinh ở các ngành đào tạo VHNT - Anh 5

Thí sinh tham gia Cuộc thi Piano năm 2023 do Nhạc viện TP.HCM tổ chức. Piano cũng là ngành học luôn thu hút đông thí sinh dự thi hằng năm

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo cho biết, qua báo cáo của các trường cũng như qua công tác kiểm tra, giám sát, cho thấy các cơ sở đào tạo đã rất cố gắng trong công tác tuyển sinh, trừ một vài cơ sở gặp khó khăn, còn lại hầu hết các trường đều đạt 100% chỉ tiêu. Đây là điều đáng mừng trong bối cảnh rất khó khăn như hiện nay. 

“Quan điểm của lãnh đạo Bộ là sẽ không tuyển sinh chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng. Các trường đã nỗ lực trong công tác truyền thông, quảng bá, điều đó đã mang lại những kết quả bước đầu khá phấn khởi. Điểm sáng nữa mà năm vừa qua chúng tôi đánh giá là khối năng khiếu cũng đã hoàn thành công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Chúng tôi rất mong muốn trong thời gian tới các trường còn lại cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kiểm định…”, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nhấn mạnh

Vụ trưởng Vụ Đào tạo cho biết thêm, “Chúng ta còn khó khăn nữa liên quan đến đào tạo sư phạm mỹ thuật, sư phạm âm nhạc, giáo dục thể chất, theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Điều này dần dần chúng ta sẽ có điều chỉnh bổ sung. Những khó khăn, bất cập mà các trường gặp phải, chúng tôi liên tục kiến nghị nhiều chính sách, quy định trong đào tạo khối ngành đặc thù. 

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, nghị định về đào tạo các ngành chuyên môn đặc thù đã trình Chính phủ. Bộ VHTTDL đã làm hết sức, phối hợp với các Bộ, ngành để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện. Hiện, Văn phòng Chính phủ đang thụ lý và điều chỉnh các bước cuối cùng để ban hành, lúc đó sẽ giải quyết vấn đề đào tạo các ngành nghệ thuật đặc thù, trong đó bao gồm đào tạo văn hóa phổ thông trong các trường trung cấp, cao đẳng. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc