Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Giảm áp lực và tốn kém

VHO - Chiều 29.11.2023, Bộ GD&ĐT đã họp báo về Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo phương án này, từ năm 2025, các thí sinh sẽ thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán, 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Từ năm 2025, sẽ thi tốt nghiệp THPT 4 môn

“Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025” được Bộ GD&ĐT phê duyệt theo Quyết định số 4068/QĐ- BGDĐT ngày 28.11.2023. Mục đích của việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Giảm áp lực và tốn kém - Anh 1

Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

 Đối tượng dự thi là người học đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức thi hoặc đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT và có nguyện vọng dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT. Người học đã có Bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình GDPT 2018. Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT  được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo Bộ GD&ĐT, Phương án này đã bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật của nhà nước, của ngành GD&ĐT liên quan về công tác tổ chức thi bảo đảm tổ chức thi và và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Theo đó, việc đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực và tạo sự đồng thuận của xã hội, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Thí sinh thi trượt năm 2024 sẽ được thi lại theo chương trình GDPT năm 2006

Tại cuộc họp báo, Bộ GD&ĐT đã giải đáp một số băn khoăn của báo chí. Cụ thể: Đối với các trường hợp thí sinh trượt tốt nghiệp năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, về nguyên tắc, thí sinh học theo chương trình nào thì thi theo chương trình đó. Do đó, các em thi trượt năm 2024 sẽ thi theo chương trình 2006 cả về nội dung và cấu trúc đề thi.

Nhấn mạnh thêm về nguyên tắc này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng khẳng định,  thí sinh thi năm 2024 bị trượt sẽ thi cùng đợt với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với đề thi theo chương trình 2006, nghĩa là cùng 1 kỳ thi nhưng 2 đề thi dành cho 2 chương trình học.

Về băn khoăn môn Ngoại ngữ có thể bị “bỏ bê” nếu không nằm trong số các môn thi bắt buộc hay không, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, theo chương trình giáo dục phổ thông, học sinh bắt đầu học ngoại ngữ từ lớp 3 và đến hết đại học. Do vậy, việc không thi môn Ngoại ngữ không có ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ của học sinh, việc ngoại ngữ là môn lựa chọn của các em là theo nhu cầu sử dụng ngoại ngữ của các em cho việc học đại học và ứng dụng nghề nghiệp sau này.

Về quy trình, cách thức ra đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ thay đổi thế nào, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, song song với việc xây dựng phương án thi, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu bàn bạc về xây dựng định dạng đề thi cho kỳ thi từ năm 2025. Và đương nhiên đề thi sẽ phải đáp ứng được mục tiêu đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh. Đồng thời đề thi vẫn phải có tính kế thừa những ưu điểm trước đây.

Về cấu trúc, định dạng và ngân hàng thi, sẽ có sự cân đối giữa các môn học khác nhau, tránh lệch điểm quá lớn giữa các nhóm môn học. Ngân hàng đề thi từ năm 2025 sẽ xây dựng từ cơ sở. "Ngay trong tháng 11 đã có đợt tập huấn đầu tiên đối với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp của 63 sở giáo dục và đào tạo và một số trường đại học. Cho tới thời điểm hiện tại, có trên 3.000 giáo viên tham gia. Đây là đội ngũ cốt lõi tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi", ông Ngọc Hà chia sẻ.

Đối với đề thi minh hoạ, theo ông Nguyễn Ngọc Hà, khi lứa học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 học chương trình lớp 12 thì mới nên công bố đề thi minh họa thi tốt nghiệp THPT. Nhưng để các nhà trường, giáo viên, học sinh có sự hình dung sớm hơn nên ngay sau khi xây dựng và thử nghiệm xong định dạng đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi minh họa dựa trên nội dung chương trình lớp 10, 11- của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng đúng với định dạng, cấu trúc mới. Theo ông Nguyễn Ngọc hà, dự kiến cuối quý IV-2023, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc