Về việc bổ sung kiến thức văn hóa phổ thông cho học sinh học viện múa Việt Nam: Đẩy nhanh thực hiện để bảo đảm quyền lợi cho học sinh

VHO - Mới đây, một số phụ huynh học sinh Học viện Múa Việt Nam đã có đơn kiến nghị, phản ánh đến cơ quan có trách nhiệm về việc tổ chức học bổ sung kiến thức văn hóa và thi tốt nghiệp THPT của con em họ bị chậm trễ, gây ra những bức xúc, lo lắng và xáo trộn tâm lý của các em…

Trong đơn kiến nghị, đại diện phụ huynh đặt câu hỏi: Vì sao kết luận, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Thông báo số 76/TB-VPCP ngày 8.4.2021 về việc cấp bằng tốt nghiệp THCS cho học viên Học viện Múa Việt Nam; giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và văn bản số 1381/BGDĐT-GDTX ngày 8.4.2021 của Bộ GD&ĐT về việc giải quyết quyền lợi cho HSSV Học viện Múa Việt Nam đã ban hành cách đây hơn hai năm nhưng đến nay việc tổ chức học bổ sung kiến thức văn hóa và thi tốt nghiệp THPT vẫn chưa được thực hiện?

Về việc bổ sung kiến thức văn hóa phổ thông cho học sinh học viện múa Việt Nam: Đẩy nhanh thực hiện để bảo đảm quyền lợi cho học sinh - Anh 1

 Buổi làm việc của Ban Giám đốc Học viện Múa Việt Nam với phóng viên Báo Văn Hóa sáng 24.10

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo

Tại buổi làm việc giữa Ban Giám đốc và cán bộ phụ trách công tác đào tạo của Học viện với phóng viên Văn Hóa vào sáng qua 24.10, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, TS.NSƯT Trần Văn Hải cho biết, ngày 23.10 vừa qua, Học viện Múa Việt Nam nhận được thông báo của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) quận Cầu Giấy sẽ tới làm việc với lãnh đạo Học viện về vấn đề này. Ban Giám đốc Học viện đã hủy toàn bộ các cuộc làm việc khác để tiếp đoàn của Trung tâm do Giám đốc Nguyễn Anh Tuấn dẫn đầu.

Nội dung buổi làm việc là hai bên tiến hành kiểm tra chương trình đào tạo văn hóa hệ Trung cấp của Học viện Múa Việt Nam các khóa học 2016-2019, 2017-2020, 2018-2021, 2019-2022, đối chiếu với chương trình GDTX cấp THPT, nhằm tạo điều kiện bổ sung kiến thức để học viên đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT các năm sau này. Kết luận buổi làm việc cho biết, chương trình đào tạo văn hóa hệ Trung cấp của Học viện Múa Việt Nam phù hợp với chương trình GDTX cấp THPT, tuy nhiên còn thiếu một số tiết học cần bổ sung (có bảng thống kê cụ thể); Trung tâm sẽ phối hợp với Học viện Múa Việt Nam báo cáo Sở GD&ĐT để xin hướng dẫn.

Quyền Giám đốc Học viện Múa Trần Văn Hải khẳng định: “Học viện Múa Việt Nam đã làm hết trách nhiệm của mình trong quy trình phối hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh tham gia học bổ sung kiến thức văn hóa phổ thông. Ban Giám đốc đã có nhiều buổi làm việc với Trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy (Hà Nội) để triển khai chương trình này, nhằm giúp các em đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT. Chúng tôi đã thực hiện đầy đủ yêu cầu của phía Trung tâm như: Thống kê số lượng học sinh học văn hóa phổ thông từ năm 2012-2021; Rà soát, so sánh, thống nhất cùng với Trung tâm xây dựng Chương trình bổ sung kiến thức dành cho học sinh Học viện Múa Việt Nam đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, cụ thể là 439 tiết cho cả 3 lớp 10, 11, 12...”.

Quyền Giám đốc Trần Văn Hải cung cấp cho phóng viên một số văn bản như sau: Hai biên bản làm việc giữa Học viện Múa Việt Nam và Trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy (ngày 13.4.2021 và ngày 16.4.2021); Thống kê số lượng học sinh học văn hóa phổ thông từ năm 2012-2021 (15.4.2021); Báo cáo kiểm tra khối lượng kiến thức văn hóa tại Học viện Múa Việt Nam của Trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy gửi Sở GD&ĐT Hà Nội (15.4.2021); Văn bản của Học viện gửi Sở GD&ĐT Hà Nội, Bộ VHTTDL về việc tổ chức dạy chương trình văn hóa cấp THPT (22.6.2021); Biên bản kiểm tra hồ sơ chuyên môn Học viện Múa Việt Nam của Trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy (13.2.2023)...

Trong báo cáo kiểm tra khối lượng kiến thức văn hóa gửi Sở GD&ĐT Hà Nội (15.4.2021), Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy Đỗ Phú Việt đã đề xuất phương án: Học viện Múa Việt Nam cần thống kê số lượng học viên Học viện Múa có nhu cầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia; Kiểm tra hồ sơ xây dựng kế hoạch dạy bù phần kiến thức còn thiếu để đảm bảo khối lượng kiến thức theo chương trình GDTX cấp THPT; Thành lập các lớp để tổ chức dạy học, đảm bảo tính sư phạm; Hoàn thành hồ sơ học viên theo thực trạng sau khi dạy bù… Về phía Trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy: Kiểm tra chất lượng học viên sau khi Học viện Múa Việt Nam có báo cáo thống kê; Xây dựng kế hoạch dạy bù phần kiến thức còn thiếu đảm bảo khối lượng kiến thức theo chương trình GDTX cấp THPT; Căn cứ kế hoạch dạy bù, phân công giáo viên thực hiện dạy đảm bảo khối lượng kiến thức theo chương trình GDTX cấp THPT đối với từng lớp, từng khối, từng năm học theo thống kê của Học viện...

Biên bản làm việc giữa Học viện Múa Việt Nam và Trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy ngày 13.4.2021 do Phó Giám đốc Học viện Lê Hải Minh và Giám đốc Trung tâm Đỗ Phú Việt ký đã cùng thống nhất nội dung: Trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy cung cấp cho Học viện Múa Việt Nam chương trình giảng dạy 7 môn văn hóa GDTX cấp THPT; Học viện Múa Việt Nam rà soát, đối chiếu chương trình giảng dạy tại Học viện với chương trình các môn học do Trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy cung cấp.

Về việc bổ sung kiến thức văn hóa phổ thông cho học sinh học viện múa Việt Nam: Đẩy nhanh thực hiện để bảo đảm quyền lợi cho học sinh - Anh 2

 Niềm vui của thầy và trò Học viện Múa Việt Nam tại Lễ cấp bằng Tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp tháng 4.2021

Sớm giải quyết “nút thắt” tồn đọng

Có thể nói, các văn bản nêu trên đều thể hiện rõ phía Học viện Múa Việt Nam đã đáp ứng mọi yêu cầu của phía Trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Học viện Lê Hải Minh, sau khi làm việc với Học viện (tháng 4.2021), phía Trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy có thay đổi vị trí lãnh đạo, ông Nguyễn Anh Tuấn tiếp nhận vị trí Giám đốc Trung tâm, vì thế việc phối hợp thực hiện tổ chức dạy chương trình bổ sung kiến thức cho học sinh giữa hai cơ sở đào tạo chưa được triển khai.

Việc chậm trễ này rõ ràng là trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Điều quan trọng nhất hiện nay cần phải tổ chức sớm nhất học bổ sung kiến thức văn hóa và thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Phía Học viện Múa Việt Nam hiện đang rất lo lắng, bởi nếu không triển khai ngay thì sẽ không kịp để các em thi tốt nghiệp vào tháng 6.2024; đồng thời, số học sinh được đào tạo theo khung Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ không đủ điều kiện để dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do chương trình mới không tích hợp với các môn học của chương trình cũ. Vì vậy, các cơ quan có trách nhiệm cần chung tay với Học viện Múa Việt Nam để giải quyết “nút thắt” đã tồn đọng quá lâu này.

Do đặc thù ngành múa và một số ngành nghệ thuật, các học viên theo học hệ trung cấp, cao đẳng được tuyển vào rất sớm (từ đầu cấp THCS). Bởi vậy, các cơ sở đào tạo nghệ thuật, đặc biệt là Học viện Múa Việt Nam luôn gặp trở ngại bởi vấn đề đào tạo kiến thức văn hóa và cấp bằng THPT do không có được sự chủ động. Ban Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo của Học viện khẩn thiết mong các Bộ, các cơ quan có chức năng cùng chung tay tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những khó khăn, bất cập trong thời gian qua, đặc biệt việc tổ chức học bổ sung kiến thức văn hóa phổ thông cần phải đẩy nhanh tiến độ là yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay.

 Điều quan trọng nhất hiện nay cần phải tổ chức sớm nhất học bổ sung kiến thức văn hóa và thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Phía Học viện Múa Việt Nam hiện đang rất lo lắng, bởi nếu không triển khai ngay thì sẽ không kịp để các em thi tốt nghiệp vào tháng 6.2024; đồng thời, số học sinh được đào tạo theo khung Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ không đủ điều kiện để dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do chương trình mới không tích hợp với các môn học của chương trình cũ. Vì vậy, các cơ quan có trách nhiệm cần chung tay với Học viện Múa Việt Nam để giải quyết “nút thắt” đã tồn đọng quá lâu này.

 

 THÚY HIỀN 

Ý kiến bạn đọc