Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

“Bật mí” quy trình tuyển sinh của trường Đại học VinUni

Thứ Tư 24/06/2020 | 09:04 GMT+7

VHO- Tính đến thời điểm này, tuyển sinh khóa đầu tiên của VinUni đã bước vào giai đoạn nước rút. Với triết lý đánh giá ‘tuyển sinh đa chiều’, VinUni tập trung khám phá mọi góc cạnh tài năng tiềm ẩn độc đáo nhất từ sinh viên, khát vọng tạo ra đột phá trong chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam, hướng tới mô hình đại học nghiên cứu tinh hoa đẳng cấp thế giới.

Hành trình  tìm kiếm “ngọc thô”

Mùa tuyển sinh 2019 -2020, VinUni lên chiến lược bắt đầu tuyển 300 sinh viên đầu tiên. Giống như các trường đại học danh tiếng trên thế giới,VinUni xét tuyển đa chiều và đánh giá toàn diện dựa trên hồ sơ. Trường đánh giá ứng viên dựa trên 4 tiêu chí AACC (Tố chất học thuật vượt trội, Đam mê mãnh liệt, Tư duy sáng tạo, Bản lĩnh kiên cường). 

Giao tiếp tốt bằng tiếng Việt thôi chưa đủ. Điều kiện bắt buộc là thí sinh phải có khả năng hoặc tiềm năng học tập bằng tiếng Anh do môi trường học thuật được quốc tế hóa theo hướng năng động, tương tác, khơi nguồn, và hướng nghiệp. 

GS Rohit Verma, Hiệu trưởng trường ĐH VinUni nhấn mạnh, phương thức tuyển sinh của VinUni là cách tiếp cận tiên tiến nhất đã được cập nhật ở đa số các trường đại học tốt nhất tại Mỹ

Học giỏi thôi chưa đủ, thí sinh sẽ có lợi thế nếu tham gia các hoạt động ngoại khóa, các dự án cộng đồng hay có các tố chất về nghệ thuật, thể thảo… do các kỹ năng này sẽ giúp sinh viên thành công và phát triển trong tương lai. 

Nói về phương thức tuyển sinh khá mới mẻ và khác biệt này, Hiệu trưởng VinUni, GS Rohit Verma chia sẻ: VinUni đánh giá con người toàn diện, không tuyển chọn dựa trên một đặc điểm riêng lẻ nào. Đây là cách tiếp cận tiên tiến nhất đã được cập nhật ở đa số các trường đại học tốt nhất tại Mỹ, nhưng vẫn là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam. Điểm đặc biệt nhất của VinUni  là ngoài không chỉ đánh giá hồ sơ mà từng em đều có thêm vòng phỏng vấn trực tiếp với các giảng viên. 

PGS. Zarrin Siddiqui, Giám đốc Chương trình Bác sĩ Y khoa của VinUni bật mí: Mục đích của cuộc phỏng vấn vượt xa những câu hỏi đúng hoặc sai mà đi sâu vào thảo luận tìm hiểu nhân cách và các giá trị sống. “Chúng tôi nhận ra rằng đối với 95% ứng viên, đây là lần đầu tiên họ xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn và khá lo lắng khi lần đầu tiên nhìn thấy chúng tôi. Nhưng chỉ trong vòng 5 phút, ngôn ngữ cơ thể của các em thay đổi. Các ứng viên được thư giãn và bắt đầu nói về sở thích của mình.”

Hầu hết các giảng viên, các giáo sư đến từ các đại học nổi tiếng như Cornell, Penn, Cambridge, ĐH Tây Úc (UWA)... đều rất ngạc nhiên với những điều mà ứng viên của mình đã và đang làm ở độ tuổi rất trẻ như khởi nghiệp, làm kênh youtube, viết truyện và làm việc tình nguyện theo sở thích của họ. Một số ứng viên còn “thách thức” cả Hội đồng phỏng vấn bằng việc đưa ra những câu hỏi, những gợi ý về tương lai của VinUni, những trao đổi về nhiều khía cạnh trong xã hội. Trong quá trình phỏng vấn, ứng viên sẽ được đánh giá sự sáng tạo, tư duy logic, tư duy phản biện thông qua các câu hỏi tình huống. 

“Việc có thêm vòng phỏng vấn sẽ giúp cho việc đánh giá ứng viên được chính xác và toàn diện hơn. Ví dụ, có ứng viên ghi trong hồ sơ được giải nhất 1 cuộc thi quốc tế, tuy nhiên khi được hỏi đóng góp của ứng viên trong nhóm đạt giải cũng như hỏi sâu thêm về sản phẩm thì lại không trả lời được. Chứng tỏ ứng viên không có nhiều đóng góp vào giải thưởng đó. Nếu chỉ duyệt hồ sơ thì ứng viên đã có thể được chấp nhận vào VinUni nhưng qua phỏng vấn thì kết quả hoàn toàn ngược lại” - PGS.TS Phạm Ngọc Nam – Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính nhấn mạnh. Theo ông, muốn có được “ngọc thô” ta  không thể chỉ nhìn vào giấy tờ, mà phải được gặp ứng viên bằng xương thịt. Phải cảm nhận được những tài năng , khát vọng thực sự. Đó là sức hấp dẫn của việc tìm kiếm “ngọc thô”.

Sinh viên VinUni phải trở thành người thành công, có ích cho xã hội

Bên cạnh các phẩm chất chung mà VinUni hướng tới như tiềm năng lãnh đạo hay tư duy sáng tạo, những câu hỏi trong cuộc phỏng vấn trực tiếp giúp các thầy cô tìm hiểu nhiều khía cạnh khác đặc thù từ năng lực thấu cảm, năng lực tư duy trước các vấn đề đạo đức tới những đặc điểm tưởng chừng như ít được quan tâm như sự bình tĩnh, cẩn trọng, hay tính kiên nhẫn. Ứng viên sẽ được đặt vào những tình huống phải ra quyết định, phải phân định đúng sai, thậm chí phải phản bác lại ý kiến của người phỏng vấn. Tất cả đều nhằm giúp các giáo sư có cái nhìn toàn diện nhất về sinh viên tương lai của mình.

Ngoài ra, đam mê với nghề nghiệp là yếu tố bắt buộc. Điển hình như với ngành Khoa học sức khỏe, nhiều ứng viên khẳng định sự đam mê với nghề qua hiểu biết hàm lâm và quan tâm thực tế khi thảo luân các vấn đề nóng trong ngành từ công nghệ quản lý đến khủng hoảng dịch tễ. Với tâm thái hào hứng và cách biểu đạt tự tin, các bạn là minh chứng về thành công trong tương lai.

Một buổi phỏng vấn ứng viên cho ngành Khoa học sức khỏe của đại học VinUni

Như vậy, sự khác biệt lớn nhất là VinUni không chỉ tìm kiếm ứng viên có thể học giỏi, mà tìm kiếm các ứng viên thực sự phù hợp và đam mê với nghề cũng như có khả năng thành công trong quá trình học tập và quan trọng nhất là thành công trong tương lai để đóng góp cho xã hội.

Sau hơn 2 năm gia nhập lĩnh vực giáo dục đại học, VinUni đã sẵn sàng cho năm học đầu tiên vào mùa thu năm 2020. Sự đầu tư tài chính mạnh mẽ và quyết liệt của Vingroup là nền tảng để VinUni tìm được đối tác tốt nhất, tuyển dụng giảng viên tài năng và xây dựng một cơ sở vật chất hiện đại. Và một trụ cột không kém phần quan trọng chính là tuyển chọn sinh viên tài năng cũng đã được VinUni triển khai thành công. 

GS Rohit Verma đã tổng kết: chất lượng sinh viên đầu ra là kết quả của đầu vào. VinUni đang có 5 đầu vào tốt nhất: Đó là quy trình nghiêm ngặt khi tuyển chọn giảng viên tài năng từ khắp nơi trên thế giới, hợp tác chặt chẽ với các trường đại học tốt nhất trên thế giới như Cornell và Pennsylvania; là chương trình giảng dạy đạt tiêu chuẩn quốc tế và được định hướng theo các tiêu chuẩn kiểm định; được đảm bảo hỗ trợ tài chính từ Vingroup; là cơ sở vật chất nghiên cứu tiếp cận quy chuẩn toàn cầu QS 5 Sao, khuôn viên được thiết kế giàu cảm hứng; là quy trình tuyển sinh đa chiều toàn diện hướng tới những sinh viên tài năng nhất. “Như vậy, chúng tôi đang có được nguyên liệu thô, hay còn gọi là đầu vào tốt nhất có thể dẫn đến một đầu ra thành công” – GS Verma nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, quy trình xử lý các đầu vào bao gồm: phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm để đảm bảo kết quả học tập tốt nhất; là nhiều cơ hội nghiên cứu giúp sinh viên có thêm động lực tìm tòi, học hỏi; là các kì thực tập tại những Tập đoàn lớn, cơ hội học kỳ ở nước ngoài; hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo để giảng viên có thể tiếp tục phát triển trong cả giảng dạy và nghiên cứu; giảng dạy bằng ngôn ngữ tiếng Anh để chuẩn bị cho sinh viên bước vào sân chơi thế giới; và là trải nghiệm sống trong hành trình trưởng thành cùng những người bạn đồng điệu về chí hướng và tri thức, tạo ra những kỷ niệm ý nghĩa suốt đời.

Đặc biệt, VinUni giống như những trường tinh hoa trên thế giới, sẽ hoạt động theo mô hình không vì lợi nhuận, tái đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Chính vì vậy, khát vọng xây dựng một đại học tinh hoa, được xếp hạng trong top 50 trường đại học trẻ thế giới là đích đến vô cùng rõ ràng của VinUni trong tương lai không xa.

H.H

Print

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top