Đổi mới SGK: 778 tỉ hay 1.798 tỉ?

VH- Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đã đặt vấn đề như vậy khi cho ý kiến về nội dung Tờ trình việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK) mới tại Nghị quyết số 88/2014/ QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Ngành GD&ĐT đã có không ít bài học xương máu

Theo đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình), việc đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông là cần thiết. Tuy nhiên, đây là một việc nhạy cảm, khó khăn, liên quan đến kinh phí, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, phương thức quản lý, kinh nghiệm điều hành, chỉ đạo và sự ủng hộ của toàn dân cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nên cần phải kỹ lưỡng.
“Thực tiễn của việc cải cách GD&ĐT từ những năm 80 đến nay đã đạt nhiều kết quả, song cũng đã để lại cho ngành GD&ĐT không ít bài học xương máu của việc nóng vội, thiếu cân nhắc kỹ lưỡng về nội dung đổi mới, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện yêu cầu đổi mới, trong đó có việc thực hành thí điểm vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đánh giá về khó khăn, bất cập cũng như yêu cầu đáp ứng. Nhiều nội dung cải cách làm kéo lùi chất lượng giáo dục như thay đổi chữ viết, chương trình, nội dung SGK thiếu rà soát kỹ lưỡng, có nhiều sai sót, vì thế liên tục thay đổi, gây khó khăn cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, gây tốn kém nguồn ngân sách quốc gia”, đại biểu Giang nói.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng nêu lên những băn khoăn của cử tri như SGK mới có đắt tiền hơn sách cũ, có đảm bảo được chu kỳ 12 năm hay không? So sánh với Đề án VNEN (mô hình trường học mới) hay Đề án ngoại ngữ 2020, là đề án lớn, tuy nhiên đến nay thực hiện chưa đạt và bỏ ngỏ. Đề án VNEN, thực hiện tại 5.200 trường, đến nay cũng có chỗ bị bỏ dở và đề án gần như phải xem lại. Đại biểu này đề nghị cần có sự liên kết để xem quá trình thực hiện các Đề án.
Lùi cũng được nhưng không được phát sinh kinh phí
Không đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng việc điều chỉnh thời gian thực hiện nghị quyết là tốn kém, là do thiếu quyết tâm của Bộ GD&ĐT, đại biểu Cao Thị Giang nhấn mạnh: “Vì bài học về cải cách giáo dục còn đó, niềm tin của người dân về cải cách giáo dục đang vơi dần, nếu nóng vội thì hậu quả khôn lường”. Tranh luận lại ý kiến này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phân tích: “Thứ nhất, đề án của chúng ta thực hiện 3 năm, từ năm 2015 cho đến nay. Theo nghị quyết của Chính phủ từ tháng 6.2016 cho đến tháng 7.2018 phải được ba SGK, đó là lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Vậy, qua 3 năm ấy hỏi Bộ GD&ĐT đã làm được bao nhiêu sản phẩm. Trong bao nhiêu sản phẩm đó thì chúng ta đã chi phí hết bao nhiêu tiền và hiện nay còn bao nhiêu tiền. Có như vậy thì chúng ta mới tính được, bây giờ chúng ta không biết sản phẩm trong 3 năm làm được cái gì, đã tiêu tốn của Nhà nước bao nhiêu tiền thì chúng ta lại tiếp tục cho kéo dài. Tôi nghĩ rất đơn giản, khi đã kéo dài về thời gian thì chắc chắn nó sẽ kéo theo chi phí, vì thời gian kéo theo một năm thì ai làm cho, ai làm thì phải có kinh phí”. 
Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, “trong Quyết định 404 của Chính phủ phê duyệt, nói trọn gói là 778 tỉ đồng cho chương trình này. Trong lúc đó tôi đọc dự thảo được trình ở đây thì các đồng chí lại nói 80 triệu USD, tương đương với 1.798 tỉ. Bây giờ đổi mới SGK này lấy 778 tỉ hay lấy 1.798 tỉ? Tôi đồng tình là lùi cũng được, 2 năm cũng được, 3 năm cũng được, chưa chắc chắn thì chúng ta cứ lùi. Nhưng quan điểm của tôi là đừng có phát sinh thêm kinh phí hoặc có phát sinh được thì Quốc hội cũng phải kiểm soát được”. Đại biểu này cũng đề nghị cần nói rõ sản phẩm hiện nay đã làm được gì, chi hết bao nhiêu tiền và hiện nay còn bao nhiêu tiền trong số tiền đã được phê duyệt bởi “nếu lãng phí thì rất có tội”.
Trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: “Về kinh phí đối với chương trình cho đến nay mới tiêu được 48,2 tỉ, như vậy mới tiêu được hơn 2 triệu đô, không tiêu được nhiều. Đối với chương trình bồi dưỡng giáo viên mới có 2,3 tỉ, tổng cộng hơn 50 tỉ, còn lại mới đang trong quá trình kế hoạch và cam kết với Quốc hội từng năm một, chúng tôi sẽ công khai chi phí này để giải tỏa một số quan điểm chi rất nhiều tiền. Thực tế hiện nay đối với chương trình tổng thể mới có tiền chi cho các thầy làm chương trình, còn đối với chương trình đào tạo giáo viên, mới có tiền để xây dựng lớp bồi dưỡng, cũng chưa tiêu gì, chứ không phải nhiều tiền về vấn đề này”.
 

So với lộ trình, việc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp trung học cơ sở chậm 2 năm và ở cấp trung học phổ thông chậm 3 năm. Cụ thể, đối với cấp tiểu học, triển khai từ năm học 2019 -2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới vẫn bám sát yêu cầu là triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học và sau 5 năm thì tất cả các lớp trên phạm vi cả nước đều thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới. 


Thu Sâm
 

Ý kiến bạn đọc