Khi thanh niên năng động, sáng tạo

VHO- Thời gian qua, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) đã phát huy vai trò năng động, sáng tạo trong việc tìm những hướng đi mới để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả do đoàn viên thanh niên làm chủ.

Khi thanh niên năng động, sáng tạo - Anh 1

Mô hình “Thanh niên làm kinh tế” ở phường Nguyễn Nghiêm giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên

Khởi nghiệp từ chăn nuôi dê

Mạnh dạn khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi từ năm 2017, với tinh thần cầu tiến, chịu khó làm ăn, đến nay thanh niên Quảng Đình Tuân, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi đang có kinh tế ổn định từ nuôi dê. Với số vốn ban đầu có được gần 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), anh Tuân đã học hỏi tìm tòi nuôi 6 con dê. Năm 2018, từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho thanh niên của NHCSXH, anh tiếp tục được hỗ trợ vay 50 triệu đồng đầu tư 2 dãy chuồng, nâng số lượng đàn dê đến nay có 30 con.

Anh Tuân cho biết, dê khoảng 8 tháng tuổi thì xuất chuồng, mỗi con chừng 30 kg. Từ đầu năm đến nay anh đã xuất bán con 5 con dê thịt. Giá dao động từ 130.000 - 140.000 đồng/kg tùy thời điểm. Anh tận dụng vườn nhà sẵn có để trồng cỏ, cây lá làm thức ăn cho dê. Hiện anh chuẩn bị xuất bán 10 con dê ra thị trường và tiếp tục tái đàn chăn nuôi dê vỗ béo. “Nuôi dê nhốt chuồng giúp người chăn nuôi tranh thủ được thời gian lúc nông nhàn, chỉ cần trồng thêm cỏ để chủ động nguồn thức ăn. Thịt dê có giá tương đối cao và ổn định. Nếu giá giảm, chưa thể xuất chuồng thì tiếp tục duy trì và phát triển chờ khi được giá. Vì vậy, đây là mô hình khá thích hợp để thanh niên thử nghiệm”, anh Tuân chia sẻ.

Khi thanh niên năng động, sáng tạo - Anh 2

 Mô hình chăn nuôi dê có hiệu quả của thanh niên Quảng Đình Tuân

Anh Trần Việt Hòa, Bí thư Đoàn thanh niên xã Tịnh Khê cho biết, thời gian gần đây, mô hình chăn nuôi dê được nhiều đoàn viên, thanh niên quan tâm, lựa chọn. Qua đánh giá, mô hình này rất phù hợp với tiềm năng, điều kiện của địa phương, đặc biệt là nguồn thức ăn phong phú, sẵn có trong tự nhiên. Từ hiệu quả ban đầu, thời gian tới, Ban Chấp hành Đoàn xã sẽ tổ chức cho đoàn viên tham quan, học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, góp phần phát triển kinh tế địa phương. “Mô hình nuôi dê của anh Tuân hiện tại cho thu nhập ổn định, góp phần ổn định kinh tế cho gia đình. Với ý chí lao động cần cù, vươn lên bằng sức lao động và tinh thần không ngại khó, dám nghĩ, dám làm anh Tuân là một trong những thanh niên tiêu biểu của xã Tịnh Khê thành công trong việc khởi nghiệp, tạo lập kinh tế ổn định cho bản thân và gia đình”, Bí thư Đoàn thanh niên xã Tịnh Khê bày tỏ.

Khi thanh niên năng động, sáng tạo - Anh 3

Anh Nguyễn Văn Dũng (phải) đang dẫn chương trình team building

Tạo việc làm cho thanh niên

Nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh và mối liên kết về kinh tế giữa đoàn viên, thanh niên có ý chí vươn lên làm giàu, thời gian qua, trên địa bàn TP Quảng Ngãi, các mô hình câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế đã được thành lập và hoạt động hiệu quả. Được thành lập vào năm 2021, mô hình “Thanh niên làm kinh tế” ở phường Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi đã làm “cầu nối” giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động là thanh niên.

Anh Nguyễn Văn Dũng đảm nhận phụ trách mô hình này chia sẻ, đời sống nâng cao, các sự kiện như tiệc cưới, thôi nôi hoặc họp mặt khách hàng, đối tác… ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp hơn. Ðể mỗi sự kiện trang trọng, trở thành dấu ấn đáng nhớ, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhờ đến những người chuyên tổ chức các dịch vụ cho các sự kiện. Nắm bắt nhu cầu đó, thanh niên phường Nguyễn Nghiêm đã khởi nghiệp thực hiện tổ chức những sự kiện này.

Khi thanh niên năng động, sáng tạo - Anh 4

Mô hình kinh tế “Trồng hoa xương rồng” của thanh niên Nguyễn Minh Tuấn, xã Nghĩa Dõng

Anh Dũng chia sẻ, nghề này không yêu cầu bằng cấp cũng như kinh nghiệm làm việc, quan trọng là niềm đam mê, sự ham học hỏi và tính sáng tạo. Việc thiết kế, trang trí, cảnh trí các sự kiện không đơn thuần là bố trí, sắp xếp các đồ vật trở nên ngăn nắp, sạch đẹp, mà còn đảm bảo xây dựng hình ảnh, phong cách riêng của gia chủ. Hiện mô hình còn thực hiện các dịch vụ khác như trang trí khu tiểu cảnh chụp ảnh, trang trí tiệc cưới, cắm hoa tươi ở các sự kiện... Qua đó, giải quyết việc làm ổn định cho gần chục bạn trẻ, bình quân thu nhập khoảng 300.000 - 500.000 đồng/ngày. Nhờ sự năng động, sáng tạo của anh Dũng mà các thành viên nhóm có thu nhập ổn định và có môi trường giữ “lửa nghề”.

Anh Lê Thanh Phong, Bí thư Đoàn thanh niên phường Nguyễn Nghiêm cho biết, năm 2022, từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho thanh niên của NHCSXH, mô hình được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh. Hiện nay, mô hình này hoạt động có hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên. Việc xây dựng các mô hình câu lạc bộ, hội nhóm cùng giúp nhau phát triển kinh tế là một hướng đi đúng đắn cần được nhân rộng. 

 

 Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho thanh niên được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, tạo việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập… Tính đến nay, có 2.395 hộ vay, giải quyết việc làm 687 hộ, với tổng dư nợ 25 tỉ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo cơ hội giúp đoàn viên thanh niên phát triển sản xuất, phát huy nội lực, khai thác thế mạnh của địa phương để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Thời gian tới, Thành đoàn sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng công tác Đoàn trong đó chú trọng giúp thanh niên về vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả về phát triển kinh tế đến đông đảo đoàn viên thanh niên tại địa phương.

(Phó Bí thư Thành đoàn Quảng Ngãi PHẠM QUANG CHÂU)

 

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc