Tân Hoa khôi Học viện Ngoại giao: Giới trẻ cần có trách nhiệm với văn hóa truyền thống của dân tộc

VHO - Vượt qua gần 100 thí sinh khác, nữ sinh Đoàn Thị Xuân Linh (2003), sinh viên chuyên ngành Quan hệ quốc tế đã xuất sắc trở thành tân Hoa khôi Ngoại giao – Miss DAV 2023. Với phần dự thi tài năng Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên giáng hạ, cùng phần ứng xử thuyết phục, Xuân Linh đã chiếm trọn cảm tình của các thành viên Ban giám khảo và khán giả.

Chia sẻ sau khi đăng quang, Xuân Linh tâm sự ngôi vị Hoa khôi không chỉ là vinh dự, hạnh phúc của bản thân mà đi cùng với đó là trách nhiệm lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống đến những bạn trẻ khác. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, việc thế hệ trẻ tham gia bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, ngoài việc góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc còn là chung sức vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tân Hoa khôi Học viện Ngoại giao: Giới trẻ cần có trách nhiệm với văn hóa truyền thống của dân tộc - Anh 1

P.V: Chào Xuân Linh, chúc mừng bạn đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất cuộc thi Hoa khôi Học viện Ngoại giao 2023. Cảm xúc của bạn lúc này thế nào?

Hoa khôi Xuân Linh: Tôi cảm thấy hạnh phúc và vô cùng biết ơn. Tôi muốn dành lời cảm ơn sâu sắc nhất đến BTC Hoa khôi Ngoại giao – Miss DAV 2023 đã mang đến một cuộc thi đầy tính trí tuệ, luôn hỗ trợ nhiệt tình để các thí sinh có cơ hội được trưởng thành và tỏa sáng. Hơn nữa, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến cha mẹ, thầy cô, bạn bè, những người đã luôn yêu thương và sát cánh cùng tôi trong hành trình này.

Nhìn lại hành trình vừa qua, danh hiệu Hoa khôi Học viện Ngoại giao 2023 đã mang lại cho Xuân Linh điều gì?

Hoa khôi Ngoại giao – Miss DAV 2023 đã mở ra cho tôi một hành trình mới, những cơ hội mới. Tuy nhiên, danh hiệu luôn đi kèm áp lực và trách nhiệm.

Sau cuộc thi, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân mình phải cố gắng học tập, trau dồi bản thân, hòa đồng với mọi người và ý thức được nghĩa vụ của mình để lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho Học viện và xa hơn nữa là cộng đồng.

Được biết trong phần thi tài năng, Xuân Linh đã thể hiện tiết mục “Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên giáng hạ”. Tại sao Xuân Linh lại lựa chọn tiết mục này?

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt luôn có ý nghĩa sâu sắc trong trái tim tôi, cũng là đề tài xuyên suốt hành trình của tôi tại cuộc thi Hoa khôi Ngoại giao 2023.

Tân Hoa khôi Học viện Ngoại giao: Giới trẻ cần có trách nhiệm với văn hóa truyền thống của dân tộc - Anh 2

Xuân Linh để lại ấn tượng từ vòng bán kết với phần diễn xướng hầu đồng Cô Bé Thượng Ngàn

Đề bài cho phần thi tài năng của đêm chung kết đặc biệt hơn rất nhiều so với vòng bán kết. Đó là thời gian có phần gấp gáp hơn và các thí sinh sẽ phải bốc thăm lựa chọn đạo cụ đi kèm. Đạo cụ của tôi là mặt nạ Tuồng.

Đối với tôi, đây là đạo cụ vô cùng độc đáo, nhưng kèm theo đó là thử thách không hề nhỏ bởi bản thân chưa từng tiếp xúc với loại hình nghệ thuật dân gian này. Khoảng thời gian đầu sau khi nhận được đề bài, tôi còn khá mông lung. Tuy nhiên sau đó, tôi đã nhận được sự tư vấn và quyết định thể hiện tiết mục tài năng với ý tưởng đưa hình ảnh Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào nghệ thuật Tuồng truyền thống.

Đây vốn là một quyết định khá mạo hiểm do trước đây, loại hình nghệ thuật Tuồng chưa từng gắn với hình ảnh Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Bởi lẽ, Tuồng chỉ dành cho vua, chúa hay tầng lớp quý tộc thời xưa. Đạo Mẫu lại tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm đấng sáng tạo và che chở cho vũ trụ, con người, luôn bao dung và gần gũi với chúng ta. Sự kết hợp của hình ảnh Đạo Mẫu giúp loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng, bất kể xuất thân, tầng lớp hay địa vị.

Tiết mục mang đặc trưng của nghệ thuật sân khấu Tuồng Việt Nam, thể hiện ở cách nói, hát, múa và diễn. Đặc biệt là trong cách hóa trang, phục trang. Mặt nạ Tuồng đã thể hiện rõ nhất tính đặc thù của loại hình nghệ thuật truyền thống này khi chỉ cần nhìn mặt nạ (màu sắc, đường nét hóa trang mặt) là biết người trung kẻ nịnh, người hiền, kẻ ác…

Tân Hoa khôi Học viện Ngoại giao: Giới trẻ cần có trách nhiệm với văn hóa truyền thống của dân tộc - Anh 3

Trích đoạn Tuồng Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên giáng hạ của Xuân Linh tại đêm chung kết

Bên cạnh đó, bài giáng bút được sử dụng trong trích đoạn Tuồng Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên giáng hạ là lời Mẫu giáo hoá muôn dân. Đây chính là lời của Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên trong một lần giáng bút năm 1908, rồi được khắc in trên ván gỗ để lưu truyền cho hậu thế. Lời giáo hóa của Mẫu có câu Phong hóa nền xưa xây đắp lại/ Văn minh vẻ mới điểm tô dần. Mẫu dạy rằng việc chấn hưng văn hóa lúc đó là cơ hội ngàn năm của đất nước và hiếm ai trong đời gặp được dịp may đó: Thực là cơ hội ngàn năm đó/ Trong cõi người ta dễ mấy lần?!.

Qua phần trình diễn tái hiện khoảnh khắc linh thiêng đó, tôi muốn tưởng nhớ công ơn những lần Mẫu giáng thế cứu giúp chúng sinh, nhân dân trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, chấn hưng văn hóa và đạo đức dân tộc.

Không chỉ là trích đoạn Tuồng, phần trình diễn áo dài của Xuân Linh cũng mang lại nhiều cảm hứng về nét đẹp trong văn hóa truyền thống cho giới trẻ. Thể hiện phần thi này, Xuân Linh cảm thấy như thế nào?

Trong trái tim tôi, áo dài luôn có vị trí, ý nghĩa đặc biệt. Áo dài đại diện cho nét riêng, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, luôn dịu dàng, vị tha, trong sáng. Khi được khoác lên tà áo dài Việt Nam, trong tôi là sự tự hào, hãnh diện. Chính điều này đã thôi thúc tôi phải luôn cố gắng để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, nâng cao vị thế của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.

Tân Hoa khôi Học viện Ngoại giao: Giới trẻ cần có trách nhiệm với văn hóa truyền thống của dân tộc - Anh 4

Xuân Linh (thứ hai từ trái sang) trong phần thi áo dài

Mang trong mình trách nhiệm của một Hoa khôi, lại là sinh viên ngoại giao, Xuân Linh nhận thấy bản thân mình và thế hệ trẻ ngày nay cần làm gì để tham gia vào công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc?

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, chúng ta đôi lúc mải chạy theo những xu hướng mới mà quên đi phần truyền thống đã in dấu trong mỗi con người.

Tôi mong rằng giới trẻ ngày nay ngoài việc tiếp cận những tri thức mới phải luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân, là giữ gìn, phát huy và lan tỏa nét đẹp văn hóa, giá trị di sản; nỗ lực phát huy tiềm năng để nâng tầm vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Giao lưu, tiếp biến văn hóa không có nghĩa mọi thứ đều học theo để rồi có tư tưởng lai căng mà phải chọn lọc. Đồng thời, các bạn trẻ cần dám thể hiện quan điểm phản đối trước những thói hư, tật xấu, hành vi gây tổn hại đến văn hóa truyền thống của dân tộc.

Với tư cách là tân hoa khôi của Học viện Ngoại giao, Linh sẽ có những dự định gì để đóng góp cho xã hội cũng như hoàn thiện bản thân hơn?

Trước tiên, tôi muốn tập trung vào việc học tập và thực tập trong 2 năm cuối đại học. Bên cạnh đó, tôi mong muốn bản thân có thể truyền cảm hứng để mọi người cùng nỗ lực, phát triển tài năng bản thân; lan tỏa những giá trị tiến bộ mới, cũng như những nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc ta đến với bạn bè quốc tế. Từ đó, thể hiện sinh viên Ngoại giao là thế hệ trẻ năng động, tài ba và luôn dành tình cảm cho những giá trị thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc.

Cm ơn những chia sẻ của Xuân Linh.

NAM ANH (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc