Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí: Sáng tạo để tạo ra giá trị khác biệt

VHO - Trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 tại TP.HCM, phiên tọa đàm “Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí” thu hút nhiều đại biểu tham gia thảo luận.

Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí: Sáng tạo để tạo ra giá trị khác biệt - Anh 1

Các nhà báo tại phiên thảo luận về nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí

Mở đầu phiên toạ đàm, Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong chia sẻ, thời gian qua, báo chí Việt Nam nói chung, Báo SGGP nói riêng luôn là một trong những lực lượng nòng cốt đề cao tính Đảng, giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội tích cực, đặc biệt thể hiện rõ trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh hiện nay. Song, nhà báo Tăng Hữu Phong cũng chia sẻ về khó khăn là việc làm mới những thông tin không còn mới hoặc việc khai thác các đề tài sao cho thật sinh động. 

“Những năm gần đây, Báo SGGP luôn tìm cách để các loạt bài không chỉ là bài viết bình thường mà có thể chuyển tải trên tất cả các ấn phẩm, tạo được nét riêng của tờ báo. Chẳng hạn, cùng là chủ đề khai thác Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM, Báo SGGP không chỉ có các bài viết trên trang báo mà còn tổ chức các sự kiện phía sau, vừa gia tăng nội dung thông tin, vừa tạo được sự quan tâm của xã hội vào sự việc đó. Để nâng cao tính Đảng và tính định hướng thì phải bám sát vào chỉ đạo hằng ngày, diễn biến thời sự hằng ngày của cả nước và của thành phố. Đây là điều không dễ, nhất là trước những vấn đề phải đấu tranh về mặt tư tưởng”, ông Tăng Hữu Phong chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, cho rằng cần sử dụng các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. “Hiện nay, những thông tin, thông điệp quan trọng trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi có thể ngay lập tức chuyển tới khoảng 15-17 triệu người dùng mạng xã hội. Riêng tài khoản thông tin chính phủ trên Facebook, chúng tôi có hơn 4,3 triệu người theo dõi. Thông tin Chính phủ của chúng tôi được công ty Meta (chủ sở hữu facebook) xác định là tài khoản có độ tương tác lớn nhất, có độ lan tỏa nhanh nhất trong số các tài khoản của các tổ chức, cơ quan nhà nước. Thời điểm cao điểm nhất trong chống dịch Covid-19, tài khoản thông tin chính phủ có thể tiếp cận ngay lập tức tới 80% người dùng facebook ở Việt Nam, tức khoảng hơn 50 triệu tài khoản ở Việt Nam…”, ông Sâm cho biết. 

Phân tích vì sao các nền tảng web của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Báo Điện tử Chính phủ có hàng chục triệu người truy cập mỗi tháng, nhưng đơn vị vẫn sử dụng mạng xã hội để truyền tải thông tin đến bạn đọc của mình ở trong nước và ngoài nước?

Ông Nguyễn Hồng Sâm cho rằng: “Các nền mạng xã hội xuyên biên giới là công cụ giao tiếp phong phú nhất giữa con người với con người, tiện ích rất đa dạng, cuốn hút. Với chúng tôi, mạng xã hội còn là kênh cung cấp “thông tin ngược”, “thông tin phản hồi” và là nơi phản ánh những kiến nghị, góp ý vô cùng nhanh chóng của người dân, doanh nghiệp giúp Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sớm có thông tin nhiều chiều để chủ động trong công tác tham mưu và tổ chức xử lý thông tin dư luận, xử lý khủng hoảng truyền thông “từ sớm, từ xa”, ông Sâm nhấn mạnh và cũng lưu ý rằng, sử dụng mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi, vì thể phải rất giỏi về công nghệ, thạo các quy định, các thuật toán của nhà mạng và các quy định hiện hành của pháp luật. 

Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí: Sáng tạo để tạo ra giá trị khác biệt - Anh 2

Các nhà báo cho rằng, báo chí Việt Nam cần giữ giá trị truyền thống, giữ nguyên tắc của báo Đảng, đồng thời phải đổi mới

Chia sẻ về tính định hướng trong báo chí, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng Ngô Minh Tuấn nhấn mạnh, tính định hướng là yêu cầu có tính nguyên tắc, là chức năng, nhiệm vụ cơ bản, đồng thời là sinh mệnh chính trị của báo chí ở Việt Nam. Tính định hướng của báo chí không chỉ thể hiện ở việc đăng toàn văn hay trích đoạn các chỉ thị, nghị quyết, mà thể hiện một cách sinh động trên nhiều phương diện, ở nhiều góc độ trong khuôn khổ các nội dung tin, bài và hình thức trình bày. 

“Tính định hướng trên báo chí có thể được thể hiện ở những bài viết chính luận, giới thiệu quán triệt nghị quyết, nhưng cũng có thể được thể hiện ở những tin, bài ngắn, đề cập tới những vấn đề rất nhỏ nhặt của đời sống, những suy nghĩ, ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tuyên truyền đưa nghị quyết vào cuộc sống cũng như thể hiện sự đồng thuận với chủ trương, đường lối của Đảng”, ông Ngô Minh Tuấn chia sẻ. 

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng trao đổi về câu chuyện chuyển đổi số, quản trị toà soạn, quản trị thông tin và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, nội dung báo Đảng làm gì để thu hút bạn đọc trẻ, bạn đọc gen Z cũng được các đại biểu “mổ xẻ” ở nhiều khía cạnh. Về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới khẳng định, các cơ quan báo Đảng có bề dày truyền thống, có lợi thế nhưng nếu không cẩn thận thì đây là lực cản. Song, nếu vẫn làm theo cách của một tờ báo in cũ thì không thể đáp ứng nhu cầu bạn đọc, còn nếu thay đổi thái quá thì sẽ chệch hướng. Do đó phải giữ giá trị truyền thống, giữ nguyên tắc của báo Đảng, đồng thời phải đổi mới. Trong đó, tập trung đổi mới về kỹ năng tác nghiệp của phóng viên; đổi mới về tư duy trong cách xử lý thông tin theo hướng đi đến cùng sự việc, nhiều tính giải pháp; kênh phân phối thông tin phải rộng hơn.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc