Xung quanh Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật: Đặt học sinh vào vị trí trung tâm sẽ thấu hiểu được khó khăn

VHO - “Các ngành đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật rất cần một quyết sách, khung pháp lý như Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật. Bởi Nghị định ra đời sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy cho việc đào tạo tài năng của Việt Nam...”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp mới đây về dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật.

Xung quanh Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật: Đặt học sinh vào vị trí trung tâm sẽ thấu hiểu được khó khăn - Anh 1

 Học sinh Học viện Múa Việt Nam trình diễn

“Chúng ta nên có cái nhìn sát với thực tiễn về sự cần thiết đối với đào tạo kiến thức, nâng cao chất lượng học sinh và đảm bảo quyền lợi của học sinh, có như vậy mới kỳ vọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật. Trách nhiệm của cơ quan soạn thảo cũng như các Bộ, ngành liên quan là làm sao đảm bảo quyền lợi của học sinh trong xây dựng Nghị định này”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL nói rõ.

Bức thiết lắm rồi!

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Bộ VHTTDL đã họp với đại diện các Bộ: GD&ĐT, LĐ,TB&XH; Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan về dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Tại cuộc họp, có nhiều ý kiến về việc cần tạo ra sự đặc thù cho giáo dục đại học, trung cấp trong đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu trong lĩnh vực nghệ thuật.

Thứ trưởng chia sẻ, “hiện nay, các trường trung cấp nghệ thuật đang giảng dạy văn hóa theo mô hình giáo dục thường xuyên. Nếu việc học văn hóa không đảm bảo sẽ gây khó khăn cho công tác tuyển sinh cũng như đảm bảo quyền lợi cho các học sinh. Các trường đang tuân thủ theo quy định, có thi, có mã định danh. Hiện tại, cần đặt vấn đề tính đặc thù cho đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật. Nếu không suy nghĩ theo hướng đó sẽ gây ảnh hưởng đến cả hệ thống đào tạo tài năng, văn hóa nghệ thuật. Với cách nhìn nhận như vậy, Bộ VHTTDL thể hiện trách nhiệm của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật của đất nước trong tương lai”. Cũng theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Luật Đại học đã được ban hành, nhưng thực tế hiện trạng trong đào tạo tài năng nghệ thuật lại gặp nhiều vướng mắc. “Đây là vấn đề con người vì vậy cần thiết phải có sự nghiên cứu một cách thấu đáo. Các sinh viên, học sinh trường nghệ thuật phải đạt được trình độ tối thiểu, điều đó phù hợp với chiến lược của Đảng, Nhà nước. Xây dựng và ban hành Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật sao cho phù hợp với thực tiễn và tháo gỡ được những vướng mắc là điều bức thiết”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.

Tại cuộc họp với đại diện của Bộ GD&ĐT, nội dung tập trung chủ yếu là vấn đề đào tạo chương trình giáo dục thường xuyên. Bộ VHTTDL đề nghị cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, trình độ trung cấp được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, hoặc khối lượng kiến thức văn hóa THPT phù hợp với đặc thù ngành nghề và thời gian đào tạo được quy định tại dự thảo Nghị định, nhằm tạo điều kiện cho người học phát huy năng lực cá nhân, lựa chọn hướng phát triển; tạo nguồn tuyển sinh đối với trình độ đại học các ngành chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Dự thảo Nghị định cũng đề cập tới việc tổ chức và quản lý đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Với cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp để đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù lĩnh vực nghệ thuật trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo quy định của dự thảo Nghị định khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp...

Xung quanh Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật: Đặt học sinh vào vị trí trung tâm sẽ thấu hiểu được khó khăn - Anh 2

Đừng vì viện dẫn lý do mà không quy định

Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) Lê Anh Tuấn khẳng định, đào tạo nghệ thuật có tính chuyên sâu đặc thù, vì vậy, việc có những văn bản quy định riêng đối với lĩnh vực đào tạo này là rất cần thiết. Để tháo gỡ những khó khăn đối với hoạt động đào tạo này cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa Bộ quản lý ngành và quản lý theo lĩnh vực. Trong dự thảo Nghị định đã quy định nhiệm vụ của các Bộ: VHTTDL, LĐ,TB&XH, GD&ĐT đối với các nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và các trình độ của giáo dục đại học chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật theo Luật định.

Đại diện của Bộ GD&ĐT cho rằng, những khó khăn, vướng mắc của ngành văn hóa, nghệ thuật trong cơ chế đào tạo hiện nay rất cần có cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan trong xây dựng Nghị định. Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật thực sự cần thiết. “Các ngành đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật rất cần một quyết sách, khung pháp lý như Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật. Bởi Nghị định ra đời sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy cho việc đào tạo tài năng của Việt Nam. Chúng ta nên có cái nhìn sát với thực tiễn về sự cần thiết đối với đào tạo kiến thức, nâng cao chất lượng học sinh và đảm bảo quyền lợi của học sinh, có như vậy mới kỳ vọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật. Trách nhiệm của cơ quan soạn thảo cũng như các Bộ, ngành liên quan là làm sao đảm bảo quyền lợi của học sinh trong quá trình xây dựng Nghị định này. Bản thân những người tham gia soạn thảo văn bản pháp luật cũng cần đặt mình vào vị trí của học sinh, phụ huynh có con theo học ngành nghệ thuật, khi đó sẽ phần nào thấu hiểu hơn những khó khăn, là vì sao ngành nghệ thuật nước nhà lại ít có người theo học. Rào cản trước tiên vẫn là những quy định không phù hợp với đào tạo đặc thù đối với ngành nghệ thuật. Không thể nói, việc đào tạo nghệ thuật là số ít nên khó quy định, hoặc không quy định, thậm chí áp các em học như những học sinh ở các lĩnh vực đào tạo khác”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Có thể thấy những khúc mắc do đặc thù của một số cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL như Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam... liên tục gặp trở ngại bởi vấn đề đào tạo kiến thức văn hóa và cấp bằng THPT. Có rất nhiều bất cập trong công tác đào tạo nghệ thuật hiện nay, sự đặc cách theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, của các Bộ, ngành chỉ là giải pháp tình thế. Đã tới lúc cần có những quy định cụ thể cho việc đào tạo nghệ thuật, trong đó có nội dung giảng dạy văn hóa phổ thông tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật. Và điều này, những người làm nghệ thuật đều rất mong chờ Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật ra đời để thực sự có những quy định sát với thực tế, đảm bảo quyền lợi cho học sinh theo học nghệ thuật. Đây sẽ là cú hích thúc đẩy tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nghệ thuật nước nhà phát triển. 

 Trách nhiệm của cơ quan soạn thảo cũng như các Bộ, ngành liên quan là làm sao đảm bảo quyền lợi của học sinh trong quá trình xây dựng Nghị định này. Bản thân những người tham gia soạn thảo văn bản pháp luật cũng cần đặt mình vào vị trí của học sinh, phụ huynh có con theo học ngành nghệ thuật, khi đó sẽ phần nào thấu hiểu hơn những khó khăn, là vì sao ngành nghệ thuật nước nhà lại ít có người theo học.

Rào cản trước tiên vẫn là những quy định không phù hợp với đào tạo đặc thù đối với ngành nghệ thuật. Không thể nói, việc đào tạo nghệ thuật chỉ là số ít nên khó quy định, hoặc không quy định, thậm chí áp các em học như những học sinh ở các lĩnh vực đào tạo khác.

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc