Mở rộng diện miễn thị thực đơn phương (Bài cuối): ​​​​​​​Chính sách phải cởi mở, dễ thực hiện

VHO - Cùng với chính sách visa cởi mở, cần có chiến lược và các giải pháp đồng bộ để thu hút khách tới Việt Nam. Chính sách tốt nhưng ít người biết đến, tiếp cận khó và thực hiện phức tạp thì chính sách đó cũng không hiệu quả được.

Mở rộng diện miễn thị thực đơn phương (Bài cuối): ​​​​​​​Chính sách phải cởi mở, dễ thực hiện - Anh 1

Doanh nghiệp chờ đợi những chính sách visa cởi mở để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam

Ý tưởng “6 quốc gia, 1 điểm đến”

Trong “đại chiến lược du lịch” của mình, Chính phủ Thái Lan dự kiến miễn thị thực cho thêm nhiều nước châu Âu cũng như tăng hạn visa lên 90 ngày. Những bước đi táo bạo này của Thái Lan nhằm thúc đẩy nền kinh tế quốc gia, với điểm mấu chốt là kế hoạch miễn thị thực thêm cho một số nước châu Âu, cho phép khách mang quốc tịch một số nước châu Âu ở lại 90 ngày, tăng gấp 3 lần thời gian so với hiện tại. Chính sách miễn visa được cho là đúng và trúng của Thái Lan chính là chìa khóa thành công của du lịch nước này, kéo dài hàng chục năm qua. Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu các hãng hàng không bổ sung thêm nhiều tuyến bay, giảm thời gian chờ đợi của du khách tại sân bay. Cho phép các địa điểm giải trí đêm ở một số khu vực tại Bangkok, Phuket, Chiang Mai và Chonburi hoạt động đến 4h bắt đầu từ tháng 12.2023, thay vì nửa đêm hoặc đến 2h.

Không những “mở toang” visa và các giải pháp thu hút khách quốc tế nêu trên, chính quyền Thái Lan liên tục triển khai các chương trình kích cầu du lịch mới. Gần đây nhất là gói bảo hiểm y tế mới kết hợp ứng dụng công nghệ hỗ trợ du khách. Theo đó, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đã thông báo về việc dành 50 triệu baht (tương đương 1,4 triệu USD) từ ngân sách để triển khai bảo hiểm y tế hỗ trợ khách du lịch nước ngoài trong năm 2024.

Gặp nhau tại Melbourne (Australia) trước khi tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia 2024, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin và người đồng cấp Malaysia Anwar Ibrahim đã thảo luận về việc hợp tác du lịch theo sáng kiến ”6 quốc gia, 1 điểm đến”, tăng giá vé máy bay và đầu tư vào ngành thực phẩm. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết, hai Thủ tướng đã thảo luận về hợp tác du lịch theo sáng kiến trên, nhằm thúc đẩy du lịch chung giữa Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.

Trước đó, đầu tháng 2.2024, ông Prommin Lertsuridej, Tổng thư ký của Thủ tướng Thái lan cho biết Thái Lan muốn cùng Việt Nam, Lào, Campuchia và Malaysia lập nhóm miễn thị thực đơn phương cho du khách tới từ châu Âu, từ đó tìm kiếm cơ hội miễn thị thực song phương. Sẽ có 2 giai đoạn thương lượng, theo đó, giai đoạn đầu cho phép du khách châu Âu đi lại tự do giữa 5 nước ASEAN, sau khi có được visa nhập cảnh bất kỳ quốc gia nào trong nhóm 5 nước này. Nếu các quốc gia đồng ý, giai đoạn 2 sẽ tiến hành khi Thái Lan dẫn đầu đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) nhắm tới mục tiêu miễn thị thực giữa nhóm Schengen (gồm 27 nước, chủ yếu là thành viên EU) và nhóm các nước ASEAN kể trên.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group cho rằng, đây là cơ hội lớn của các nước tham gia. Thái Lan đang đứng đầu khu vực ASEAN với hơn 27 triệu lượt khách quốc tế năm 2023 (năm 2019 khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, nước này đón 40 triệu lượt khách quốc tế). Thái Lan đặt mục tiêu đón 35 triệu lượt khách quốc tế năm 2024. Rõ ràng, những bài học về sự linh hoạt trong chính sách thị thực, các kế hoạch kích cầu du lịch quyết liệt, sát thực tế, sự thịnh tình trong đón tiếp khách của Thái Lan rất đáng để chúng ta học hỏi. Ông Phạm Hà chia sẻ: “Cũng như nhiều công ty, tập đoàn kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi mong muốn Việt Nam có những chính sách visa cởi mở, dễ tiếp cận, dễ thực hiện để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cần phải thực hiện bài bản, đồng bộ, thường xuyên, liên tục, đầu tư xứng tầm”.

Doanh nghiệp chờ đợi những đột phá mới

Tại Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23.2.2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu xem xét thí điểm việc cấp thị thực cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Bộ Công an đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai áp dụng các giải pháp về tự động hóa trong giải quyết thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú và du lịch an toàn tại Việt Nam. Bộ Công an chủ trì nghiên cứu đề xuất và áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport) để tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho khách du lịch.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi về xuất cảnh, nhập cảnh có điều kiện đối với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng, có trình độ phát triển cao, chi tiêu du lịch lớn và thời gian lưu trú dài ngày vào các địa bàn du lịch trọng điểm của Việt Nam và những địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi. Đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao; thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 tháng đến 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao đến từ một số thị trường mục tiêu như châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước khu vực Trung Đông.

“Nếu thực hiện được những nhiệm vụ, giải pháp nói trên, đặc biệt là về chính sách thị thực, du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ có những bước tiến mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch cũng mong ở tầm quốc gia, chúng ta có mô hình, phương thức xúc tiến du lịch đột phá với tầm nhìn dài hạn, huy động hiệu quả sự tham gia của doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trên nhiều nền tảng kỹ thuật số, truyền thống số”, ông Nguyễn Hà Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cho biết. Ông Nguyễn Hà Hải cho rằng, ngoài việc tăng cường năng lực, quy mô, tính hiệu quả của hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan đại diện, các tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài, các kênh ngoại giao... trong quảng bá, phát triển du lịch. Qua các kênh này, chính sách visa mới của Việt Nam đến được với du khách nước ngoài nhanh nhất, chính xác nhất và thực hiện thuận tiện nhất.

“Từ phía doanh nghiệp, chúng tôi sẽ phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi du lịch; đẩy mạnh kết nối, hợp tác; chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ; tích cực tham gia các chương trình xúc tiến du lịch quốc gia. Ngay khi có những chính sách visa mới, chúng tôi sẽ tăng cường truyền thông, giới thiệu đến các đối tác, để chính sách visa thực sự là đòn bẩy giúp du lịch Việt Nam phát triển”, ông Nguyễn Hà Hải nói. 

HOÀNG OANH - KHÁNH MẠNH

Ý kiến bạn đọc