Từ chuyện kiểm tra độ tuổi khán giả xem phim: Tiến tới xây dựng “văn hóa rạp chiếu”

VHO - Những ngày qua, sau khi báo chí và dư luận thông tin về tình trạng một số khán giả chưa đủ 18 tuổi vào rạp xem phim Mai (dán nhãn 18+, cấm người xem dưới 18 tuổi), Thanh tra Bộ VHTTDL đã ngay lập tức có văn bản chỉ đạo các địa phương khẩn trương vào cuộc.

Từ chuyện kiểm tra độ tuổi khán giả xem phim: Tiến tới xây dựng “văn hóa rạp chiếu” - Anh 1
 

Hình ảnh trong đoạn clip ghi lại cảnh lực lượng chức năng vào rạp đang chiếu phim Mai để kiểm tra tuổi của khán giả

Theo ghi nhận của Văn Hóa, thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Bộ, các địa phương đã tiến hành kiểm tra rất tích cực việc khán giả chưa đủ tuổi nhưng vẫn vô tư vào xem phim! Qua đây, dư luận nêu vấn đề “cần tiến tới xây dựng văn hóa trong rạp chiếu phim, vấn đề lâu nay dường như ít được nhắc đến”.

Không chỉ với riêng phim Mai

Thông tin với Văn Hóa, bà Lý Thị Hồng Loan, Phó Chánh Thanh tra Sở VHTT TP.HCM cho biết, đơn vị đã và đang tiến hành kiểm tra tại các cụm rạp, kết quả bước đầu đã thông tin về Bộ. Theo đó, sáng 1.3, sau khi tiến hành rà soát, cơ quan chức năng đã phát hiện 4 rạp trên địa bàn vi phạm khâu kiểm soát độ tuổi người xem Mai. Thanh tra Sở cho biết đang tham mưu quyết định xử phạt vi phạm hành chính để trình Chủ tịch UBND TP.HCM trước khi ban hành theo quy định. Dự kiến, mức xử phạt cho mỗi chủ rạp là 60-80 triệu đồng.

Đại diện Sở VHTT cũng đề nghị các rạp quản lý chặt chẽ hơn về độ tuổi khán giả ở cả hai hình thức mua vé online và trực tiếp. Thời gian tới, Sở sẽ có văn bản yêu cầu các cụm rạp tuân thủ nghiêm Luật Điện ảnh. “Ngoài phim Mai, Thanh tra Sở chưa phát hiện trường hợp vi phạm đối với những phim khác, vì đợt này trong các phim đang chiếu rạp cũng chỉ có Mai được phân loại 18+”, Thanh tra Sở thông tin và cho biết sẽ tiếp tục tổng hợp kết quả kiểm tra của các quận, huyện và với tất cả các phim chứ không riêng giai đoạn này hay với riêng phim Mai để báo cáo cơ quan chức năng.

Thanh tra Sở cũng đã có công văn tăng cường kiểm tra xử lý gửi Phòng VHTT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện. Phòng VHTT các địa bàn trên đã tổ chức đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội, trong đó có cả lực lượng công an, theo đúng quy định của pháp luật.

Từ chuyện kiểm tra độ tuổi khán giả xem phim: Tiến tới xây dựng “văn hóa rạp chiếu” - Anh 2

Một rạp phim tại Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện tốt quy định độ tuổi khán giả xem phim. (Trong ảnh: Nhiều trẻ em được phụ huynh dẫn đi xem phim nhưng chưa đúng độ tuổi nên được nhân viên bán vé tư vấn xem bộ phim phù hợp hơn)

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video clip cho thấy sự vào cuộc khá quyết liệt của cơ quan công an để chấn chỉnh tình trạng này. Qua tìm hiểu, sự việc được ghi tại cụm rạp Cinestar Quốc Thanh (quận 1, TP.HCM), trong suất chiếu phim Mai vào 19h ngày 26.2. Kết quả của buổi kiểm tra cho thấy không ai ở dưới 18 tuổi trong số 169 khán giả đang xem phim.

Chia sẻ với Văn Hóa, ông Trần Thanh Hoài, Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho hay, sau khi Thanh tra Bộ VHTTDL chỉ đạo, địa phương đã và đang tiến hành triển khai rất tích cực. Lâm Đồng hiện có 3 điểm chiếu phim tư nhân với 11 phòng chiếu. “Nhân chỉ đạo lần này, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra chặt chẽ hơn nữa và còn mở rộng thêm các nội dung khác, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn, văn minh văn hóa tại các cụm rạp, vấn đề lâu rồi chúng ta ít nhắc tới. Sở VHTTDL phối hợp cùng các đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền, để các chủ thể sáng tạo và khán giả phối hợp thực hiện đúng quy định của pháp luật…”, ông Trần Thanh Hoài nhấn mạnh.

Tầm quan trọng của không gian văn hóa rạp chiếu

Trao đổi dưới góc độ làm nghề, ông Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phim Giải phóng chia sẻ, việc phân loại độ tuổi khán giả đã được quy định từ rất lâu. Mới đây, Luật Điện ảnh cũng đã ghi rất rõ về việc giới hạn độ tuổi người xem, đặc biệt là trẻ em đối với những phim có cảnh nhạy cảm… “Tuy nhiên, vấn đề này thực sự rất tế nhị, nếu khán giả đến xem phim mà mình cứ căn vặn về tuổi tác, rồi đòi coi căn cước thì cũng khá phiền phức. Vì thế, để tránh gây phiền cho khán giả, nhiều cụm rạp đã bỏ qua khâu này”, ông Hưng phân trần.

Từ chuyện kiểm tra độ tuổi khán giả xem phim: Tiến tới xây dựng “văn hóa rạp chiếu” - Anh 3
 

Khán giả xem phim tại rạp Cinestar Quốc Thanh, TP.HCM

Tuy nhiên, trên thực tế, trong tác phẩm điện ảnh đôi khi có những cảnh “nóng”, bạo lực, tiếng “lóng”… nếu không quy định độ tuổi, trẻ em cứ vô tư xem thì sẽ tác động không tốt đến tư tưởng, tính thẩm mỹ của các em. Bên cạnh đó, vấn đề thông tin truyền thông, thông tin trên mạng xã hội hết sức đa dạng, chuyển tải cả ở góc độ tích cực và tiêu cực… Vì lẽ đó, chúng ta phải quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục, định hướng cho thế hệ trẻ, nếu không sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

“Các văn bản pháp luật hiện hành cũng như Luật Điện ảnh đã quy định cụ thể, thế nhưng đâu đó việc thực hiện còn chưa được nghiêm. Theo tôi, phải giao trách nhiệm kiểm tra độ tuổi khán giả cho các rạp phim. Song song đó, cần có quy định rõ ràng, thông tin dễ thấy được in trong vé, poster, phương tiện quảng cáo phim và tuyên truyền thường xuyên cho khán giả”, ông Hưng nêu ý kiến và cho rằng, Nhà nước có quy định rồi, những người chịu trách nhiệm cần phải thể hiện vai trò của mình, cơ quan chức năng không thể lúc nào cũng đi kiểm tra, giám sát từng chi tiết được.

Chuyên gia này nhận định, cần tạo ra môi trường văn hóa xem phim để người dân ý thức được việc tuân thủ theo độ tuổi mà không phải cần lực lượng kiểm tra, giám sát. “Theo tôi, công tác tuyên truyền là quan trọng nhất, cùng với đó phải giao trách nhiệm cho rạp phim và có những giải pháp, hình phạt nghiêm khắc. Chúng ta từ trước đến nay xem nhẹ việc này, mức xử lý vi phạm cũng thấp nên không đủ sức răn đe, dẫn đến thực hiện vấn đề không triệt để”, ông Nguyễn Tiến Hưng bày tỏ.

Thanh tra Bộ VHTTDL khẳng định, công tác kiểm tra độ tuổi khán giả xem phim 18+ là trách nhiệm của tất cả các địa phương chứ không của riêng ai. Riêng với TP.HCM, do đây là địa phương có thị trường điện ảnh phát triển bậc nhất cả nước nên số lượng khán giả đến rạp rất đông. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước, các Sở VHTTDL, Sở VHTT cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc phổ biến phim trong rạp chiếu, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trả lời việc có nên thay đổi cách thức (chẳng hạn kiểm tra giấy tờ khán giả trước hoặc sau buổi chiếu phim chứ không vào rạp giữa chừng), ông Phạm Văn Dũng cho biết, cơ quan chức năng sẽ tính đến những cách thức mềm dẻo để không ảnh hưởng, gây phiền nhiễu đến khán giả vào rạp. Tuy nhiên, việc kiểm tra cũng phải đảm bảo tìm được bằng chứng rõ ràng để việc xử phạt được thuyết phục, nghiêm minh.

 Trên thực tế, trong tác phẩm điện ảnh đôi khi có những cảnh “nóng”, bạo lực, tiếng “lóng”… nếu không quy định độ tuổi, trẻ em cứ vô tư xem thì sẽ tác động không tốt đến tư tưởng, tính thẩm mỹ của các em. Bên cạnh đó, vấn đề thông tin truyền thông, thông tin trên mạng xã hội hết sức đa dạng, chuyển tải cả ở góc độ tích cực và tiêu cực… Vì lẽ đó, chúng ta phải quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục, định hướng cho thế hệ trẻ, nếu không sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc