Huy động nguồn lực phát triển du lịch xanh

VHO - Thống kê của nhiều tổ chức du lịch cho thấy, du khách đang có xu hướng chuyển dịch và ưu tiên tìm kiếm những điểm đến thân thiện với môi trường để vừa thỏa mãn đam mê du lịch, vừa thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường vì sự phát triển du lịch bền vững.

Huy động nguồn lực phát triển du lịch xanh - Anh 1

 Phát triển du lịch văn hóa cộng đồng gắn với di tích lịch sử cách mạng là xu hướng trọng tâm tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai

Đón đầu nguồn lực

Nắm bắt xu hướng phát triển này, ngành du lịch Việt Nam đưa ra nhiều sáng kiến và nhấn mạnh cam kết tái định hình ngành du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương trong cả nước cũng ưu tiên và nỗ lực kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong vùng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Điển hình trong số đó là đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 do UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, di tích lịch sử tại khu bảo tồn. Hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, bảo vệ phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên.

Theo đó, các sản phẩm du lịch tại khu bảo tồn gồm có du lịch sinh thái gắn với tài nguyên rừng, du lịch văn hóa cộng đồng gắn với di tích lịch sử cách mạng và văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số, thể thao và khám phá… với 51 điểm và 37 tuyến du lịch được quy hoạch. Trong đó, có tuyến kết nối từ trung tâm du lịch trọng điểm TP.HCM, TP Biên Hòa; các vùng du lịch Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương vùng Đông Nam Bộ theo lộ trình quốc lộ 1 đến Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.

UBND tỉnh Đồng Nai giao Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân lập dự án đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo phương thức tự tổ chức, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng theo đề án được phê duyệt. Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai cho biết, đề án được triển khai trên tổng diện tích tự nhiên hơn 100.571 ha do Khu quản lý. Tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm 20%, nguồn vốn còn lại kêu gọi từ các nhà đầu tư.

“Đề án được phê duyệt là tiền đề quan trọng, tạo thuận lợi cho đơn vị kêu gọi các nhà đầu tư, tranh thủ đón đầu các nguồn lực để sớm triển khai đề án hiệu quả. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đến tìm hiểu và khảo sát thực tế, sau đó lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để xin ý kiến các đơn vị liên quan. Thời gian tới, sẽ kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc, sự chồng chéo trong các quy định pháp luật liên quan, cải cách thủ tục hành chính… tạo lợi thế cạnh tranh nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch xanh tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai - “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ”, ông Hảo cho biết thêm.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu hút 50.000 lượt khách/năm tới tham quan Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, hỗ trợ cộng đồng cư dân địa phương phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch. Bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên về văn hóa, đặc biệt là Di tích lịch sử và văn hóa cộng đồng dân tộc Chơ ro. Phấn đấu đến năm 2030, 100% cơ sở hoạt động du lịch trong khu bảo tồn có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt chuẩn chất lượng môi trường, giảm thiểu sự tác động của người dân lên tài nguyên rừng.

Cơ hội phát triển cho người dân

Dữ liệu từ nền tảng du lịch Traveloka cho thấy, từ nửa đầu năm 2023 đã có sự thay đổi đáng kể trong sở thích khám phá điểm đến của du khách. Trong đó, nhu cầu tìm kiếm điểm đến mang vẻ đẹp thiên nhiên, di sản văn hóa đậm chất bản địa, chỗ ở thân thiện với môi trường, cơ hội hòa mình với người dân bản xứ… tăng đột biến. Điều này cũng phản ánh xu hướng trải nghiệm du lịch xanh ngày càng tăng cao.

Chia sẻ với Văn Hóa, ông Caesar Indra, Chủ tịch nền tảng du lịch Traveloka nhận định, sự chuyển dịch sang du lịch thân thiện với môi trường không chỉ là một xu hướng, mà còn là một trào lưu có tác động kinh tế. Ở cấp cơ sở, người dân vùng nông thôn có được thu nhập bằng cách cung cấp những trải nghiệm du lịch độc đáo gần gũi với thiên nhiên. Điều này cũng tạo động lực để phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân trong cuộc sống hằng ngày. Với đà phát triển như hiện nay, Việt Nam có thể định vị dẫn đầu trong khu vực về phát triển du lịch bền vững bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.

Theo ông Caesar Indra, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội “vàng” này để tạo ra nhiều nguồn thu đa dạng trong chuỗi giá trị của hoạt động du lịch. Từ sản xuất hàng hóa truyền thống của địa phương đến đầu tư vào các khách sạn sinh thái và giao thông xanh, sự giao thương giữa các ngành như vậy sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với du lịch bền vững làm trọng tâm. Tuy nhiên để du lịch bền vững mang lại lợi ích kinh tế xã hội, các ưu tiên cạnh tranh cần được cân bằng, chẳng hạn như xây dựng đường giao thông hay bảo vệ rừng? Luật Du lịch của Việt Nam bao gồm các điều khoản về bền vững, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của du lịch xanh. Điều này càng chứng minh Việt Nam đang đi đúng hướng, ông Caesar Indra khẳng định.

 HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc