Có 48% cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn

VHO - Bộ GD&ĐT vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu trên toàn quốc.

Có 48% cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn - Anh 1

Bộ GD&ĐT tặng bằng khen cho các tập thể có hoạt động tích cực trong quá trình triển khai Đề án 1665

Ngày 30.10.2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”. Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho HSSV trong thời gian học tập tại các nhà trường. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp.

Sau khi Đề án được ban hành, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành Giáo dục. Trong thời gian qua, Bộ cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành ban hành một số cơ chế chính sách giúp các địa phương, các đơn vị có cơ chế để triển khai các nhiệm vụ giải pháp nhằm hỗ trợ thực hiện đề án. 

Theo báo cáo, tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% (năm 2020) lên 48% (năm 2022). 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên. Khởi nghiệp cũng góp phần đổi mới căn bản phương pháp dạy và học trong các trường đại học và cao đẳng, đưa môi trường đào tạo trở thành nơi sáng tạo tri thức mới.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhận định: Những thành quả đạt được trong thời gian qua là công sức lớn lao của tất cả các bên tham gia đề án từ trung ương đến địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp. Từ những thành quả đã đạt được trong quá trình triển khai, các bên phải rút ra được những bài học kinh nghiệm như các mô hình, cách làm hay thì cần phải học hỏi lẫn nhau và tiếp tục cùng nhau đi chặng đường của những năm tiếp theo.

Trong quá trình triển khai, cần có những giải pháp cụ thể để HSSV có nhận thức, hành động, hiểu và hiểu thấu đáo về công tác hỗ trợ khởi nghiệp. Khi đã hiểu rõ, hiểu sâu thì chính các em cũng thấy được trách nhiệm của mình đối với xã hội, với gia đình, bản thân và có những đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng.

Nhân dịp này, Bộ GD&ĐT đã tặng bằng khen cho 16 tập thể có hoạt động tích cực trong quá trình triển khai Đề án.

BÌNH THỦY

Ý kiến bạn đọc