Không chấp nhận tự kỷ là một dang khuyết tật: Ảnh hưởng đến tiếp cận hỗ trợ điều trị, giáo dục cho trẻ

VHO - Ngày 27.10 tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) đã tổ chức chương trình tập huấn công tác truyền thông trong lĩnh vực người khuyết tật (NKT). Chương trình có sự tham gia của các phóng viên, nhà báo tại các cơ quan báo chí và sự chia sẻ của nhiều NKT.

Tại buổi tập huấn, bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người khuyết tật (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ,TB&CH) cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật, đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Công tác người khuyết tật đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Không chấp nhận tự kỷ là một dang khuyết tật: Ảnh hưởng đến tiếp cận hỗ trợ điều trị, giáo dục cho trẻ - Anh 1

Trưởng phòng Người khuyết tật Đinh Thị Thuỵ phát biểu tại buổi tập huấn

Tuy nhiên, một số Cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật. Đời sống của một bộ phận không nhỏ người khuyết tật còn nhiều khó khăn, nhất là người khuyết tật đặc biệt nặng. Vẫn còn người khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng…

Bà Đinh Thị Thụy cho biết, hiện nay Chính phủ đang xem xét để sửa đổi Nghị định 20/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó  nâng mức hỗ trợ bảo trợ hằng tháng cho các cái đối tượng không nhận trợ cấp ở chính sách nào khác.

“Mức trợ cấp xã hội hiện nay đang là 360.000 đồng/tháng là quá thấp, không đủ đảm bảo, duy trì cuộc sống và đặc biệt ở nhóm bảo trợ xã hội nói chung và NKT nói riêng thì rất khó khăn. Khoảng 1,6 triệu NKT đang hưởng mức trợ cấp này. Họ rất khó có nguồn nào để duy trì cuộc sống, trong khi lương tối thiểu vùng, lương cơ sở của chúng ta cũng đã tăng, các chi phí đều tăng... Để phù hợp với thực tiễn và phù hợp với cái khả năng của Việt Nam thì tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải tăng mức hỗ trợ, đầu tiên là tăng lên 500.000 đồng/tháng và có lộ trình cho 1 - 2 năm sau thì có thể tăng lên khoảng 700.000 đồng/tháng. Sau đó tiếp tục tăng dần lên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.  Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 39 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT đã nêu rõ là phải nâng dần mức trợ cấp xã hội đối với nhóm bảo trợ xã hội và một số nghị quyết của Đảng cũng đưa ra những yêu cầu với tinh thần như thế”,  bà Đinh Thị Thụy chia sẻ. 

Cũng theo Trưởng phòng Người khuyết tật, NKT hiện nay đang gặp rất nhiều rào cản. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là giao thông tiếp cận, cụ thể là đường đi, đường đi khó thì việc tiếp cận tất cả các phương tiện đều khó. Các công trình cũ không được cải tạo, vỉa hè nhiều nơi có lối cho xe lăn lên nhưng để quá nhiều xe máy; hoặc xe bus chỉ có một số xe kiểu mới có hệ thống nâng hạ, còn các xe cũ không có và các xe bus thì đều dừng đỗ rất nhanh nên NKT cũng không kịp lên.

Không chấp nhận tự kỷ là một dang khuyết tật: Ảnh hưởng đến tiếp cận hỗ trợ điều trị, giáo dục cho trẻ - Anh 2

Trẻ tự kỷ cần có hỗ trợ phục hồi chức năng và giáo dục đặc biệt

Việc khó khăn đi lại, tiếp cận giao thông là những cản trở lớn nhất để NKT có việc làm và hòa nhập cuộc sống. Cùng với đó là vấn đề đào tạo, việc làm cho NKT mặc dù được quan tâm nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Bộ LĐ,TB&XH đang hướng tới  giải pháp hỗ trợ tạo việc làm tại chỗ cho NKT, gắn với chính sách vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với lãi suất của hộ cận nghèo; tăng cường hỗ trợ sinh kế thông qua cái chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 đến 2025...

Một vấn đề khác cũng đang được nhiều người quan tâm là trẻ tự kỷ. Trẻ là đối tượng cần chăm sóc, phục hồi chức năng lâu dài, nhưng đa phần trẻ không có hỗ trợ gì bởi vì cha mẹ không muốn đưa con mình vào danh sách trẻ khuyết tật. “Chúng tôi hiện nay đang nghiên cứu một số luật pháp quốc tế khác, xem trẻ tự kỷ được đưa vào nhóm khuyết tật gì và trên cơ sở đó thì chúng tôi sẽ báo cáo với cả Bộ LĐ,TB&XH và đưa vào trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Người khuyết tật trong thời gian tới”, bà Đinh Thị Thuỵ nhấn mạnh.

Bà Thuỵ cũng bày tỏ sự chia sẻ với các gia đình có trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, dù cha mẹ không chấp nhận thì đó vẫn là sự thật. Nếu như cha mẹ và gia đình, người thân mà không đưa con đi xác định mức độ khuyết tật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch can thiệp, hỗ trợ can thiệp về phục hồi chức năng, về giáo dục...  giúp trẻ được phát triển tốt nhất.

Tại Hội nghị, đại diện các cán bộ, NKT tại các địa phương, cơ sở đã chia sẻ những khó khăn mà họ đã trải qua cũng như kinh nghiệm để vươn lên khẳng định mình. Các nhà báo chia sẻ về truyền thông đưa tin về NKT, các nguyên tắc và lưu ý khi viết về NKT...

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc