Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL: Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo

VHO - Ngày 27.10, tại TP Đà Nẵng, Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội nghị - Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo văn hóa nghệ thuật (VHNT) thể dục thể thao (TDTT) và du lịch (DL) trong thời kỳ mới, đồng thời triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 trong các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL.

Nhiều ngành nghề đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội

Hội nghị có sự tham dự của đại diện Bộ, ngành, lãnh đạo các Sở VHTTDL, giảng viên các cơ sở đào tạo VHNT, TDTT và DL trong cả nước. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tham dự và chủ trì Hội nghị.

Hội nghị là cơ hội để các cơ quan quản lý, đào tạo ngành VHNT, TT, DL chia sẻ những thông tin về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong ngành VHNT, TT, DL. Đồng thời đánh giá, tổng kết công tác đào tạo VHNT, TT, DL trong 5 năm qua, tìm ra được những khó khăn cụ thể và đưa ra phương hướng giải quyết phù hợp.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo VHNT, TT, DL, đồng thời biểu dương những kết quả mà các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL đã đạt được trong thời gian qua.

Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL: Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị

“5 năm qua, công tác đào tạo nhân lực VHNT, TT, DL đã có những bước phát triển, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Nhiều học sinh, sinh viên, học viên, VĐV đạt thành tích cao trong học tập, tại các hội thi nghệ thuật, giải đấu thể thao, hội thi tay nghề du lịch trong nước và quốc tế. Đây là kết quả của việc đổi mới, chủ động, sáng tạo trong các cơ sở đào tạo", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo VHNT, TDTT và DL, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực VHNT, TDTT và DL đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, đặc biệt góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cho biết: Hoạt động đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch giai đoạn 2018 đến nay đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Hiện nay, hệ thống cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch có trên 125 ngành, nghề với khoảng trên 300 chuyên ngành được đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học (văn hóa nghệ thuật khoảng 64 ngành, thể thao 4 ngành, du lịch 55 ngành (tập trung nhiều ở 26 ngành thu hút tuyển sinh đông). Nhìn chung, các ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của việc làm, nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội.

Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL: Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo - Anh 2

Hội nghị có sự tham gia của 53 đơn vị và 40 cơ sở đào tạo

Trong thời gian qua, các ngành nghề đào tạo tiếp tục được duy trì, phát triển, đặc biệt là đối với lĩnh vực VHNT, các ngành nghệ thuật truyền thống đặc thù đã được các cơ sở đào tạo VHNT chú trọng tuyển sinh, đào tạo, truyền dạy, góp phần bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, đại diện các vùng miền của đất nước, đồng thời cập nhật, tiếp thu các ngành nghề đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

Yêu cầu về đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hội nghị cũng là diễn đàn để đại diện các cơ sở đào tạo nêu lên những khó khăn vướng mắc trong công tác đào tạo thực tiễn. PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho rằng, cần phải cân nhắc giữa chất lượng đào tạo và tăng chỉ tiêu tuyển sinh: “Tăng quy mô tuyển sinh đang là khó khăn chung của các trường đào tạo năng khiếu. Vác trường năng khiếu có đặc thù riêng, nếu tăng quy mô cũng không hẳn sẽ nói lên được chất lượng đào tạo. Nếu tăng thì nên thận trọng và phải đặt trong mối tương quan với chất lượng đào tạo không thì sẽ bị ảnh hưởng lớn”, ông Thi nói, đồng thời đề xuất được xem xét, đưa đội ngũ NSƯT, NSND tham gia giảng dạy để đảm bảo chất lượng đào tạo. Sự tham gia này là yêu cầu của nghề nghiệp chứ không phải lấp chỗ trống. Bởi vì ngoài phương diện lý luận thì những nghệ sĩ này có nhiều kinh nghiệm biểu diễn, rất cần cho sự hướng dẫn trực tiếp.

Tương tự, đại diện Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết đơn vị cũng gặp khó trong vấn đề tuyển sinh. Ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng  nhà trường cho biết: “Từ 2021 đến nay việc tuyển sinh của các trường thuộc khối du lịch bị ảnh hưởng lớn, đặc biệt khi ngành du lịch chưa phục hồi hoàn toàn. Hiện nay các trường ồ ạt mở khoa Du lịch trong hệ thống giáo dục đại học, hệ quả của việc này có thể thấy rõ nhất khi so sánh, 10 năm trước nhà trường đào tạo khoảng 8 tiến sĩ, nhưng trong 3 năm trở lại đây 5 tiến sĩ đã chuyển sang các trường khác. Ngoài ra, lực lượng nghiên cứu khoa học tại các trường cao đẳng rất mỏng, cần có sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL: Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo - Anh 3

Các đại biểu đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo

Bà Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội đề cập đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các cơ sở đào tạo. Theo bà Hương, bài toán đầu tiên là sự tồn tại của các cơ sở đào tạo giữa muôn vàn khó khăn như hiện nay chứ không phải chất lượng hay số lượng: “Áp lực của các cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo ngành VHNT ngày càng gay gắt, tồn tại được mới nói đến chuyện nâng cao chất lượng đào tạo. Giải pháp là cần tăng cường nguồn lực cho đào tạo, nâng cao chất lượng của giảng viên, nâng cao trình độ ngoaị ngữ; bổ sung nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất...”, bà Hương đưa giải pháp.

Đại diện Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Huế cũng cho biết các ngành đào tạo văn hóa nghệ thuật truyền thống ở Huế gặp rất nhiều khó khăn. Không phải ngồi đợi học sinh đến đăng ký mà phải tìm kiếm, tư vấn, tiếp cận: “Năm học qua trường tuyển gần 150 học sinh các chuyên ngành đã là sự cố gắng nỗ lực vô cùng lớn. Nguyên do nguồn tuyển sinh bị thu hẹp vì có các trường cao đẳng nghề tuyển sinh rất nhiêu. Ngành Tuồng hơn 10 năm rồi không tuyển sinh được vì những bất cập như thời gian đào tạo dài, học khó, sinh viên lại không có ưu đãi hay cơ chế thuận lợi, ra trường cùng khó kiếm được việc làm. Cần phải bổ sung ngành nghề trọng điểm đối với các ngành nghề nghệ thuật truyền thống, đồng thời có cơ chế chính sách, chế độ ưu đãi học bổng, cơ hội việc làm cho các em để khuyến khích, nếu không thì không thể  có thế hệ kế cận”.

Ghi nhận những nỗ lực cũng như bất cập trong các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhìn nhận rằng thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đối với các cơ sở đào tạo. Nhưng cũng phải nhìn nhận đây chính là cơ hội để các trường, các cơ sở đổi mới nâng cao năng lực sáng tạo. Các cơ sở phải nhanh chóng tìm ra được những hạn chế cụ thể để có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn 5 năm tới. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án của ngành VHTTDL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng đến công tác đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật và thể dục thể thao thành tích cao.

Thứ trưởng đề nghị các cơ sở ngành VHNT, TT, DL dựa trên điều kiện của mình để  có phương thức, định mức tuyển sinh cho phù hợp, đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phải xác định ngành mũi nhọn trong các trường từ đó tìm hướng đi riêng sáng tạo. Đề nghị các trường luôn đề cao tinh thần học hỏi, tiếp tục đào tạo để nâng cao chất lượng giảng viên thông qua liên kết, đào tạo, tập huấn. Giao nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu các đơn vị thống nhất định hướng triển khai năm học  2023 - 2024 trong hệ thống các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ, trên cơ sở bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục và đào tạo phát triển nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch.

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc