Bình Định: Phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

VHO - Thung lũng An Toàn, huyện An Lão được ví von là “cổng trời” của Bình Định. Cùng với bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng và có bề dày lịch sử thì nơi đây còn lưu giữ nét sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số H’rê, Bana. Đây cũng được xem là một điều kiện lớn để hình thành những homestay, từ đó đó hút khách đến trải nghiệm, khám phá du lịch nơi vùng cao, miền núi.

Từ homestay “Cô Kênh”

Là người phụ nữ đồng bào miền núi tiên phong làm homesaty, tuy nhiên những ngày đầu chị Phạm Thị Kênh (người Bana) gặp không ít khó khăn, song bằng nghị lực và đeo đuổi ước mơ, giờ những căn homesaty của chị đón rất đông khách đến ở. Homesay “Cô Kênh” giờ cũng có thương hiệu, và trở thành điểm đến du lịch cộng đồng thân thiện với cảnh quan môi trường ở đây. Hiện nay, chị đầu tư trên 2 tỉ đồng xây dựng homestay gồm 12 phòng trên khu đất rộng 600m2

Bình Định: Phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Anh 1

Đến “cổng trời” An Toàn, du khách đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên giữa núi rừng

Chia sẻ về cái duyên làm homesay để du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng, chị Phạm Thị Kênh  nhớ lại: "Nhiều năm về trước, lần đầu tiên du khách nước ngoài xin ngủ nhờ nhà tôi, để sáng hôm sau họ đi khám phá thác nước K50. Sau đó, họ trả chi phí, tôi không nhận. Rồi có một anh người Kinh hướng dẫn viên làm phiên dịch cho đoàn du khách nói với tôi: Chị cứ nhận, đây là chi phí khuyến khích cho chị làm homestay sau này”. Chị Kênh cũng chia sẻ thêm, ban đầu, gia đình chỉ định làm homestay nhỏ cho các nhóm du lịch khám phá thác K50 nhưng lượng khách vào mùa hè tăng nhanh, vợ chồng tôi quyết định đầu tư bài bản, làm nhà sàn gỗ y như đồng bào ở đây với đầy đủ tiện nghi.

Chị Kênh còn giới thiệu với chúng tôi, đến An Toàn ngoài những món ẩm thực đặc sản, nét văn hóa độc đáo của bà con Bana thì du khách được trải nghiệm đi tham quan thác nước rung, thác sông Mia, thác Pờ Nhua, tham quan 200ha vườn sim, đi tắm sông bắt cá, chế biến, thưởng thức tại chỗ… “Với mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, tôi đã mua nhiều bộ trang phục thổ cẩm truyền thống Bana để khách có nhu cầu mặc chụp hình lưu niệm. Chưa kể, gia đình còn liên hệ đội cồng chiêng, múa xoang của thôn đến diễn tấu, giao lưu giúp khách”, chị Kênh chia sẻ.

Cho đến Nẫu Ecovalley

Farmstay Nẫu Ecovalley (thuộc HTX Nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn), là một trong bốn homestay ở “cổng trời’ An Toàn. Họ đang kết hợp với bà con bản địa để níu chân du khách bằng sự giản dị, thân thiện, không gian văn hóa đặc sắc. Hiện nay, HTX này đã và đang phối hợp hiệu quả với Hội Phụ nữ thôn 1, An Toàn tổ chức các hoạt động tham quan làng Bana và trải nghiệm ăn tối trong nhà dân bên bếp lửa nhà sàn cùng các món ăn đặc sản, uống rượu cần. Cùng với đó, kể cho du khách nghe những câu chuyện về làng và các phong tục, tập quán cũng như những lễ hội đặc trưng nơi đây.

Bình Định: Phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Anh 2

Du khách hòa mình trải nghiệm, khám phá nét văn hóa độc đáo của đồng bào Bana

Anh Vũ Đức Hòa, Giám đốc Vận hành và Marketing HTX Nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn cho biết: An Toàn có tiềm năng rừng đặc dụng tự nhiên đa dạng, phong phú. Ở đây cũng là vùng đất có nhiều đặc sản nông và lâm nghiệp quý, nhưng chưa được nhiều người biết đến và việc thông thương ra bên ngoài còn hạn chế nên giá thành trở nên thấp hơn giá trị. Nếu được kết nối với khách du lịch sẽ giúp đưa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của bà con đồng bào Bana được đón nhận nhiều hơn, đem lại nguồn thu nhập tốt hơn cho người dân địa phương cũng như thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển hơn”.

Để phát triển du lịch cộng đồng kết hợp sinh thái, anh Hòa cho rằng, cần tận dụng thế mạnh về thiên nhiên, nằm ở độ cao gần 1000m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình khoảng 22 độ C, địa hình núi non mây bay hùng vĩ và hệ sinh thái rừng nhiệt đới ấn tượng với rất nhiều suối thác và dược liệu phong phú, được bao trùm bởi văn hóa Bana và H’rê độc đáo; chúng ta có thể xây dựng các trang trại du lịch sinh thái, cho khách có thể tham gia vào các hoạt động khám phá thiên nhiên, tìm hiểu nông nghiệp dược liệu bên tán rừng, thu hoạch nông sản và trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Cũng theo anh Hòa, nhằm phát triển du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sản phẩm nông dược thì rất cần có sự tham gia đồng hành hỗ trợ và hợp tác giữa các cơ quan ban ngành và các doanh nghiệp du lịch, nông nghiệp, từ đó đưa sản phẩm nông dược vào các tour du lịch sinh thái cộng đồng và thúc đẩy loại hình sản phẩm dịch vụ đặc thù này. Đơn cử, Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn nên phối hợp tổ chức các tour sinh thái khám phá hệ thực vật của rừng An Toàn, tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng, môi trường và đa dạng sinh học.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc