Nét đẹp phong tục ra ở riêng của vợ chồng trẻ người Bana Kriêm

VHO - Phong tục ra ở riêng của cặp vợ chồng trẻ người Bana Kriêm Vĩnh Thạnh (Bình Định) truyền từ xưa cho đến bây giờ. Hiện nay, phong tục này được xem là một nét sinh hoạt, truyền thống văn hóa tốt đẹp trong đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nơi đây.

Trước khi ra ở riêng, đôi vợ chồng trẻ khi mới cưới thì họ thường về sống với gia đình nội ngoại ở luân phiên mỗi bên một thời gian, theo thỏa thuận giữa hai gia đình. Đến khi sinh con đầu lòng và nếu có điều kiện, hoàn cảnh gia đình cho phép thì đôi vợ chồng trẻ có thể chọn một ngày đẹp trời gạ xin bố mẹ cho ra sống riêng. Khi được sự đồng ý của cha mẹ, đôi vợ chồng trẻ có thể bắt tay vào việc đi tìm chỗ, tìm cây làm nhà mới.

Nét đẹp phong tục ra ở riêng của vợ chồng trẻ người Bana Kriêm - Anh 1

Nét đẹp cúng ra ở riêng của người Bana kriêm, Vĩnh Thạnh

Người Bana Kriêm ở Bình Định quan niệm rằng, ra ở riêng vào những ngày xuân sẽ đem lại nhiều điều tốt lành và sự may mắn cho gia đình. Vì thế họ phải chọn ngày, chọn tháng và thường chọn ra ở riêng từ sau ngày ăn lúa mới đến hết tháng 3 dương lịch. Trong tâm thức người Bana Kriêm cách chọn đất, hướng và nguyên vật liệu để làm ngôi nhà là rất quan trọng, vì có thể ảnh hưởng đến sự hạnh phúc của gia đình sau này. Bởi vậy, đối với việc làm nhà sàn đã trở thành một trong những sự việc quan trọng không chỉ đối với các cặp vợ chồng trẻ mà còn là việc hệ trọng đối với tất cả các gia đình trong làng.

Ở góc độ nghiên cứu, nghệ nhân ưu tú Yang Danh, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc cho hay: Người Bana Kriêm quan niệm hướng mở cửa chính của nhà sàn gia đình trong làng hay nhất là hướng Đông. Song, dù làm ở hướng nào, nhà sàn của người Bana Kriêm cũng phải đảm bảo điều kiện thoáng mát về mùa nóng, ấm cúng về mùa lạnh; gần con suối, con sông… Ở đây, việc chọn đất làm nhà được người Bana Kriêm cũng rất coi trọng. Những người chủ, trước khi làm nhà phải xem xét kỹ, mảnh đất này trước đây có phải là đất mồ mả hay không và bằng chứng còn lại như lõi cây cột nhà mả, mảnh nồi, mảnh ché sót lại; đồng thời gia đình cũng tránh làm nhà ở chỗ có mạch nước nhĩ, đất mới, đất có ổ mối, cây to… những thứ đó là nỗi đe dọa đến đời sống cả nhà.

Theo nghệ nhân Yang Danh Sau một thời gian tìm kiếm nguyên vật liệu làm nhà sàn và đầu năm mới đã đến những cây tốt nhất để làm nhà cửa đã kiếm xong, đôi vợ chồng bắt đầu dựng ngôi nhà mới, ngoài hai vợ chồng còn có một số anh em họ hàng, tự nguyện đến làm mà không chờ chủ nhà nhờ giúp. Bởi người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên khắp đất nước Việt Nam nói chung và người Bana Kriêm ở Bình Định nói riêng họ luôn có sự đoàn kết giúp đỡ nhau trong đời sống, sinh hoạt.

Khi nhà sàn đã dựng xong, sau khoảng 1 – 2 ngày chọn được ngày lành tháng tốt, chủ nhà được lên nhà mới. Sau ngày chuyển về ở nhà mới, bố mẹ của đôi vợ chồng trẻ đang ở sẽ bắt một con để làm phép, và nếu có điều kiện thì làm con heo và hai ghè rượu cần, một ghè để cúng và một ghè để uống vui rồi mời ông bà thông gia cùng anh em họ hàng đến chung vui để chia tay đôi vợ chồng ra ở riêng. “Người Bana Kriêm có quan niệm, ngọn đèn sáp ong là biểu tượng kết nối giữa âm và dương, dẫn đường cho linh hồn của các giàng, các con ma về chứng kiến buổi cúng hôm đó và bỏ một ít tim, cật, gan trong chén rồi để chính giữa cột rượu với miệng ghè sau đó bắt đầu cúng báo cho các giàng”, nghệ nhân Yang Danh chia sẻ.

Nét đẹp phong tục ra ở riêng của vợ chồng trẻ người Bana Kriêm - Anh 2

Tiếng cồng chiêng vang lên trong ngày mừng đôi vợ chồng trẻ ra ở riêng

Bài cúng đã xong, mọi người bắt đầu uống phép nước chung, kế tiếp gia chủ mời anh em họ hàng nội ngoại uống ghè rượu cần, vừa uống họ vừa tặng cho đôi vợ chồng trẻ của cải tùy lòng hảo tâm, ai có gì cho nấy (nồi xoong, ghè, gạo, thuốc, kần rượu, chăn, màn, rựa, cuốc....). Trong không khí vui chơi, nhưng có một điều “bất di bất dịch” là bếp lửa chính trong ngôi nhà mới không để tắt cho tới sáng ngày hôm sau và cũng không cho ai mượn một thứ gì của gia đình mình trong ngày đó vì phong tục làng đã quy định.

Ông Lê Văn Vinh, Trưởng phòng VHTT huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Đồng bào Bana Kriêm Vĩnh Thạnh còn lưu giữ nhiều nét đẹp sinh hoạt văn hóa, trong đó có phong tục ra ở riêng của cặp vợ chồng trẻ. Không những thế, người Bana Kriêm Vĩnh Thạnh còn bảo tồn nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội mừng cốm lúa mới, Lễ hội cồng chiêng và các trò chơi dân gian, điệu múa xoang, dân ca, dân vũ,  trường ca hơmon, những làn điệu hát ru; kiến trúc nhà sàn... đấy là nguồn tài nguyên quý giá để hút khách du lịch.

Theo ông Vinh, hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, trước hết là bảo tồn di sản văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, du lịch, môi trường, huyện cũng đang tập trung đầu tư có trọng điểm cho việc tôn tạo các di tích, nghiên cứu, lập hồ sơ tư liệu và phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương, với mục đích làm đổi thay đời sống của bà con đi lên cũng như bảo tồn những bản sắc văn hóa tốt đẹp của bà con nơi đây.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc