Đổi thay ở ngôi làng “ốc đảo” Pờ Yầu

VHO - Làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (Gia Lai) nằm chênh vênh trên đỉnh núi Đẹ Đọ, được bao quanh bởi những cánh rừng già. Gọi là ngôi làng “ốc đảo” bởi nó nằm tách biệt với những thôn, làng khác trong xã và cuộc sống người dân ở đây xưa nay vốn tự cung tự cấp là chính. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, làng Pờ Yầu đã từng bước thay da, đổi thịt, khoác lên mình tấm áo mới...

Đổi thay ở ngôi làng “ốc đảo” Pờ Yầu - Anh 1

Làng Pờ Yầu nằm tách biệt trên đỉnh núi Đẹ Đọ

Trong kháng chiến chống Pháp, làng Pờ Yầu là căn cứ cách mạng, bao bọc, che chở nhiều cán bộ cách mạng và thanh niên tham gia làm du kích. Hiện làng có 130 hộ với hơn 500 nhân khẩu, 100% là người Ba Na định cư từ lâu đời. Đây cũng là ngôi làng thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang.

Dẫn chúng tôi đến thăm Pờ Yầu, ông Đinh Kai, Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang kể, cách đây hơn 5 năm về trước thôi, muốn đến được Pờ Yầu phải vượt hơn 16km đường rừng với những con dốc cao chót vót và vách đácheo leo. Vào mùa mưa lũ, con đường rừng lại càng thêm trơn trượt. Vì giao thông đi lại khó khăn nên đời sống bà con trong làng luôn thiếu trước hụt sau. Nông sản bà con sản xuất ra cũng bị thương lái ép giá vì đường sá đi lại khó khăn. Vì thế, cuộc sống của người dân cứ quẩn quanh trong cái đói, cái nghèo. Không những vậy, việc khám chữa bệnh và học hành của con trẻ trong làng cũng gặp vô vàn vướng mắc, trở ngại.

Sau nhiều lần kiến nghị, năm 2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã cho chủ trương triển khai xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế, xã hội nơi đây. Thực hiện chủ trương đó, Công ty Điện lực Gia Lai đã tiên phong bố trí kinh phí hơn 4 tỉ đồng để “cõng điện” lên Pờ Yầu, đưa ánh sáng về thôn làng. Tiếp đó, một con đường bê tông nối từ tỉnh lộ 666 lên đỉnh núi Đẹ Đọ cũng được đầu tư với kinh phí hơn 15 tỉ đồng để xoá bỏ điểm nghẽn về giao thông của làng Pờ Yầu.

Đổi thay ở ngôi làng “ốc đảo” Pờ Yầu - Anh 2

 Đồng bào bảo tồn văn hóa truyền thống để giới thiệu với bạn bè, du khách trong và ngoài tỉnh

“Có đường, có điện, cuộc sống của dân làng Pờ Yầu đã từng bước thay đổi. Giờ đây, bà con đã có thể giao lưu hàng hóa với các địa phương lân cận. Hàng hóa nông sản của người dân làm ra bán cũng được giá cao hơn trước. Con cái được học hành, không còn tình trạng bỏ học nửa chừng vì đường xa, đi lại khókhăn”, PhóChủ tịch UBND xã Lơ Pang phấn khởi chia sẻ.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang, cùng với tháo gỡ nút thắt về giao thông, nhiều chính sách và giải pháp xoá đói, giảm nghèo cũng được chính quyền quan tâm. Đơn cử như việc Trung tâm dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang đã mở lớp đào tạo kỹ năng, kỹ thuật trồng trọt ngay tại các làng nhằm hướng dẫn cho bà con sản xuất nông nghiệp, trồng lúa và trồng cây cà phê. “Trước kia, người dân chỉ sống dựa vào rừng, du canh, du cư, sản xuất lạc hậu. Từ khi được tham gia học nghề, họ đã biết trồng lúa mỗi năm hai vụ và phát triển thêm cây cà phê. Đặc biệt, họ đã biết chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc vàbón phân theo hướng dẫn nhằm tăng năng suất cây trồng”, ông Đinh Kai, PhóChủ tịch UBND xã Lơ Pang thông tin.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Gep, làng Pờ Yầu nói: “Ngày chưa có điện, chưa có đường giao thông, dân làng mình không biết đến thế giới bên ngoài, tất cả đều sinh hoạt quanh làng. Mỗi khi có người đau ốm thì khổ sở lắm, phải lội bộ xuyên rừng cả ngày mới ra được đường chính, còn bây giờ chỉ mất 30 phút. Từ ngày có ánh sáng, giao thông đi lại thuận tiện, dân làng mình mua bán mọi thứ đều dễ dàng, thứ gì cũng có. Dân làng mình biết ơn Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương đã chăm lo, giúp dân vượt qua mọi khó khăn”.

Đổi thay ở ngôi làng “ốc đảo” Pờ Yầu - Anh 3

 Từ khi có điện, đường, dân làng Pờ Yầu đã giao thương, trao đổi hàng hóa thuận lợi với bên ngoài

Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết, nhằm đánh thức tiềm năng của ngôi làng Ba Na trên đỉnh núi, UBND huyện đã đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, đưa điện, đường đến với thôn làng. Ngoài ra, UBND huyện còn tổ chức giới thiệu các điểm đến như: Thác nước Rơ Tu, đỉnh núi Pờ Yầu, giải Việt dã “Chinh phục đỉnh Pờ Yầu”… nhằm lan tỏa đến bạn bè, du khách trong và ngoài tỉnh điểm đến tham quan du lịch sinh thái, văn hóa hấp dẫn.

“Đỉnh Pờ Yầu là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào Ba Na, còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống nguyên sơ độc đáo. Thông qua các hoạt động, chúng tôi mong muốn giới thiệu tới bạn bè trong và ngoài tỉnh về địa danh Pờ Yầu - ngôi làng “ốc đảo” trên đỉnh núi với khung cảnh hùng vĩ, hữu tình. Đây chính là tiềm năng để huyện Mang Yang hướng đến phát triển du lịch sinh thái và góp phần xóa đói giảm nghèo”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho hay. 

NGỌC HÒA

Ý kiến bạn đọc