Thông xe đường Hồ Chí Minh nối Thừa Thiên Huế với Quảng Nam

VHO - Tối ngày 19.10, các điểm sạt lở nghiêm trọng trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nối từ Thừa Thiên Huế đi Quảng Nam đã cơ bản khắc phục, thông xe một vệt. Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh đã rút nước, các phương tiện lưu thông bình thường nhưng nhiều tuyến Tỉnh lộ, đường liên xã đang còn ngập lụt.

Thông xe đường Hồ Chí Minh nối Thừa Thiên Huế với Quảng Nam - Anh 1

Các lực lượng khắc phục sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua xã A Roàng, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế

Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, các đơn vị liên quan đã tập trung nhân lực, phương tiện xử lý khối lượng đất đá bị sạt trượt trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn qua xã A Roàng, huyện A Lưới. Đây là tuyến đường huyết mạch nối huyện A Lưới đi các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam.

Khoảng 6.300 m3 đất đá đã sạt trượt, đổ xuống mặt đường gây ách tắc giao thông nghiêm trọng trong 2 ngày qua. Đến tối 19.10, các đơn vị đã cơ bản khắc phục, tạm thời thông tuyến một vệt. Chi cục Quản lý đường bộ II.5 và Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đẩy nhanh để hoàn thành khắc phục khu vực sạt lở trong những ngày tới.

Chiều ngày 19.10, mực nước sông Hương đang ở mức trên báo động 1, sông Bồ dưới báo động 2 là 0,2m. Các khu vực ngập cục bộ tại đô thị đã rút nước, nhưng các địa phương vùng thấp trũng ở huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà vẫn đang còn ngập. Hơn 100 trường học ở các địa phương thấp trũng tiếp tục cho học sinh nghỉ học để phòng tránh ngập lụt; cũng như phân công lực lượng túc trực để chuẩn bị dọn vệ sinh khi nước rút, đảm bảo cơ sở vật chất và môi trường cảnh quan để đón học sinh trở lại trường sớm nhất.

Trong đợt mưa lũ này, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 1.500 nhà dân bị ngập nước, nhiều nhà ngập sâu hơn 0,5m, có nơi đến 1,3m; tập trung ở các địa phương hạ lưu sông Bồ như: các xã Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phú, thị trấn Sịa của huyện Quảng Điền; các xã Phong Hòa, Phong Bình, thị trấn Phong Điền... của huyện Phong Điền; một số vùng trũng ở TP.Huế, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang.

Đến nay, vẫn còn nhiều nhà dân và các tuyến đường ở Quảng Điền, Phong Điền còn ảnh hưởng bởi nước lụt. Đây cũng là các địa phương bị thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ vừa qua: khoảng 120 ha rau màu ở huyện Quảng Điền bị hư hại (tỉ lệ thiệt hại từ 30%- 70%); 186 ha rau màu và 90 ha sắn tại huyện Phong Điền cũng bị thiệt hại do mưa lũ...

Thông xe đường Hồ Chí Minh nối Thừa Thiên Huế với Quảng Nam - Anh 2

Một điểm sạt lở ven sông Hương qua tổ dân phố Long Hồ Thượng, phường Hương Hồ, TP. Huế

Theo ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, đê bao cũng diễn ra phức tạp. Sông Ô Lâu sạt lở đoạn qua thị trấn Phong Điền, xã Phong Thu, xã Phong Hòa (huyện Phong Điền) với chiều dài 1,5km. Sông Bồ sạt lở nặng qua các thôn Lai Thành- thị trấn Tứ Hạ, phường Hương Xuân, Hương Toàn (thị xã Hương Trà) với chiều dài 2,5km; sạt lở các đoạn qua xã Phong An, huyện Phong Điền với chiều dài khoảng 3km; sạt lở đoạn qua xã Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành (huyện Quảng Điền) với chiều dài khoảng 4km.

Sông Hương qua TP.Huế cũng sạt lở nhiều điểm ở các xã/phường Thủy Bằng, Hương Thọ, Hương Hồ, Phú Hậu, Hương Vinh, Hương Phong, Phú Mậu, Phú Thanh với chiều dài khoảng 5km. Sông Bạch Yến (nhánh của sông Hương) cũng xảy ra sạt lở chiều dài 1km...

S.THÙY

Ý kiến bạn đọc