Xây dựng văn hoá chất lượng trong giáo dục đại học

VHO - Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học (GDĐH) do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, phải xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học (GDĐH), lấy chất lượng làm nền tảng và yêu cầu xuyên suốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Xây dựng văn hoá chất lượng trong giáo dục đại học - Anh 1

Trước khi vào Hội nghị chính thức, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT,  người có đóng góp to lớn với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là GDĐH vừa từ trần

Tránh làm các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp

Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, giảm gần 9.500 thí sinh so với năm ngoái. Trong đó 660.000 em đăng ký xét tuyển đại học (chiếm gần 66% số thí sinh dự thi), tăng 4,56%. Tổng số nguyện vọng được đăng ký là 3,4 triệu nguyện vọng. Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy đánh giá công tác tuyển sinh đại học đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, năm nay vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Đây là những vấn đề đặt ra để các trường có nghiên cứu điều chỉnh công tác tuyển sinh năm sau, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm 2023, quy mô đào tạo đại học có sự chênh lệch lớn giữa các khối ngành. Trong đó, khối ngành Khoa học GD&ĐT giáo viên sụt giảm. Nguyên nhân là do việc thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên của các địa phương với cơ sở giáo dục đại học còn nhiều hạn chế.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, thời gian gần đây số lượng quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở GDĐH tăng đột biến. Cụ thể, năm 2021 có 28 quyết định xử phạt vi hành chính đối với các cơ sở GDĐH, nhưng từ năm 2022 đến tháng 9.2023 có đến 94 quyết định xử phạt được ban hành. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo, duy trì điều kiện đã được mở ngành.

Đáng chú ý, có cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo. Cùng với việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định;… Trong 6 năm triển khai chủ trương tự chủ đã có 1.194 ngành được mở, có những trường trong 3 năm mở đến 27 ngành. Từ thực tế này đặt ra yêu cầu nâng cao công tác quản lý về vấn đề này, nhất là về các điều kiện mở ngành của các trường.

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thuỷ cho biết, năm học 2022-2023 là năm tiếp theo tự chủ đại học được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả tích cực trong toàn hệ thống. Các cơ sở GDĐH đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả; cụ thể hóa và nâng cao vai trò của Hội đồng trường trong tổ chức quản trị hoạt động. Đến nay, cả nước có 170/174 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động.

Xây dựng văn hoá chất lượng trong giáo dục đại học - Anh 2

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý các trường phải xây dựng văn hóa chất lượng, lấy chất lượng làm nền tảng và yêu cầu xuyên suốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được, GDĐH cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó, tư duy, nhận thức về GDĐH nói chung và tự chủ đại học nói riêng còn chậm đổi mới. Nhiều cơ sở giáo dục còn chậm hoàn thiện Hội đồng trường và các chức danh lãnh đạo. Còn có sự lúng túng trong phân định quyền và trách nhiệm của Hội đồng trường, Ban Giám hiệu… 

Một số vấn đề liên quan đến kiểm định chất lượng GDĐH như xem xét về lộ trình kiểm định; cơ chế kiểm định; một số vấn đề về hồ sơ tài chính, kỹ thuật… hay cần quan tâm đến đánh giá chất lượng bên trong, cũng là những nội dung được đại diện các cơ sở đào tạo đề cập.

Nguồn lực dành cho GDĐH còn rất hạn chế

Thống nhất với báo cáo đánh giá kết quả GDĐH của Bộ GD&ĐT, song ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cũng cho rằng: Qua báo cáo cho thấy vẫn còn tập trung nhiều vào tuyển sinh - đầu vào, mà không có số liệu đầu ra. “Nói gì thì nói vẫn phải quan tâm tới đầu ra. Bao nhiêu người rời bỏ hệ thống, không thể tốt nghiệp đại học. Đặc biệt khi đã có hệ thống Hemis quản lý chặt chẽ đến từng người học”, ông Tùng nêu vấn đề, đồng thời cũng đề nghị cần có thêm đánh giá về kết quả đổi mới, sáng tạo, đóng góp của GDĐH với sự phát triển bền vững của địa phương, vùng, đất nước. 

Đồng tình với quan điểm cần có đánh giá đầu ra của ông Lê Trường Tùng, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng Lê Quang Sơn đồng thời nhắc tới cơ chế tài chính cho GDĐH với chia sẻ “Không có đầu tư thích đáng không thể nâng cao chất lượng đào tạo. Không có nguồn lực thì làm việc sẽ chỉ theo kiểu mở rộng mà không thể đào sâu”. Ông Sơn còn đề cập tới cơ chế phối hợp giữa các trường đại học với các Bộ, ngành, viện nghiên cứu để sử dụng nguồn lực chung, bởi thực tế nhiều thầy cô có đề tài nghiên cứu, mong muốn nghiên cứu nhưng không có nguồn lực để nghiên cứu.

Theo Bộ GD&ĐT, những năm qua, ngân sách chi cho GDĐH chỉ trên dưới 17.000 tỷ đồng, chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỷ. Tính theo số thực chi thì chưa đạt 0,78% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Các trường đại học của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu. Các đại biểu cho rằng, nguồn lực đầu tư cho GDĐH còn hạn hẹp dẫn đến nhiều trường phải tăng số lượng tuyển sinh để cân đối thu chi, nhưng lại chưa quan tâm cân đối đầu tư cho chất lượng một cách tương xứng.

“Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực cho GDĐH còn hạn hẹp, cạnh tranh quốc tế trong GDĐH ngày càng lớn, thì những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, cho thấy hệ thống GDĐH Việt Nam có khả năng thích ứng và đổi mới, hoạt động hiệu quả và đóng góp quan trọng vào giữ vững ổn định chính trị - xã hội và an ninh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá.

Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, cũng như nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại này, trong đó thể chế, tư duy, nhận thức và nguồn lực đầu tư là những nguyên nhân chính, Thứ trưởng nhấn mạnh, các cấp lãnh đạo ngành, cơ sở GDĐH phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức; từ đó có thể đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho phát triển kinh tế - xã hội. 

Thứ trưởng lưu ý, phải xây dựng văn hóa chất lượng trong GDĐH, lấy chất lượng làm nền tảng và yêu cầu xuyên suốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… Cùng với đó, các trường tiếp tục hoàn thiện phương thức tuyển sinh trong năm tới, từng bước chuẩn bị phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông mới. Các trường phải phân tích, đánh giá về quá trình học tập của các đối tượng trúng tuyển theo các phương thức, nhất là phương thức xét tuyển sớm để làm căn cứ điều chỉnh, xây dựng phương thức tuyển sinh phù hợp.

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc