Ngày ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của giao lưu văn hóa và kết nối nhân dân

VHO - Sáng nay 11.8, tại Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP.HCM và Trường ĐH Mở TP.HCM phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 28 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN, kỷ niệm 56 năm Ngày thành lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á. Chương trình với sự tham dự của đại diện các cơ quan, tổ chức, ngoại giao đoàn, Tổng lãnh sự các nước Đông Nam Á tại TP.HCM.

Ngày ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của giao lưu văn hóa và kết nối nhân dân - Anh 1

Đại biểu các nước thực hiện nghi thức đoàn kết trong Cộng đồng các nước ASEAN

Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 56 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (8.8.1967-8.8.2023), 28 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28.7.1995-28.7.2023) và năm Indonesia làm chủ tịch luân phiên ASEAN với chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”. 

Ngày 8.8.1967 tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động. Trải qua 56 năm thành lập, ASEAN trở thành một tổ chức hợp tác liên quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đại diện cho ý chí tập thể của các nước Đông Nam Á gắn bó với nhau bằng tình hữu nghị và hợp tác thông qua các nỗ lực chung. 

Ngày 28.7.1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN, góp phần vào việc xây dựng một cộng đồng ổn định, hòa bình và phát triển. Năm 2023 là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của Việt Nam, khu vực và cả thế giới. 

Phát biểu chào mừng tại Lễ kỷ niệm, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP.HCM cho biết, đến thời điểm hiện tại một ASEAN 5 ban đầu đã trở thành ASEAN 10. Gắn số 10 trong văn hóa phương Đông với số lượng 10 thành viên trong ASEAN, ta thấy có sự viên mãn, thập toàn. Nhưng không phải vì vậy mà ASEAN không mở cửa đón thêm thành viên còn lại ở khu vực Đông Nam Á là Đông Timor sớm gia nhập vào ASEAN trong năm nay hoặc năm sau. Lịch sử đã chứng minh Đông Nam Á luôn vận động và phát triển. 

Từ một khu vực với những chia rẽ, khác biệt, ngày nay ASEAN là cộng đồng của những quốc gia độc lập, đoàn kết đang phát triển mạnh mẽ, từng bước vượt qua những khó khăn sau đại dịch Covid-19, quyết tâm giữ vững lập trường chính trị với những vấn đề an ninh khu vực và chính trị thế giới, có những giải pháp đồng bộ và liên quốc gia đối với những thách thức của an ninh phi truyền thống như an ninh môi trường, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh tiền tệ, an ninh về sở hữu trí tuệ,…

Ngày ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của giao lưu văn hóa và kết nối nhân dân - Anh 2

Trình diễn trang phục truyền thống các quốc gia ASEAN tại Lễ kỷ niệm

“Rõ ràng rằng khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước nhưng qua những kết quả tốt đẹp của mối quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, bản lĩnh vượt qua thách thức, thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tất cả các nước thành viên, thành công trong việc xây dựng uy tín trong mối quan hệ đối ngoại với các nước... giúp chúng ta có thể khẳng định rằng: kể từ ngày thành lập đến nay, ASEAN đã thực sự là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ đối thoại, hợp tác và liên kết giữa các nước thành viên cũng như mở rộng hợp tác, phát triển toàn diện ở khu vực Đông Á và Châu Á-Thái Bình Dương”, bà Phan Thị Hồng Xuân nhấn mạnh.

Năm 2023, Indonesia là quốc gia giữ cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN đã và đang thực hiện tốt vai trò của mình với mục tiêu xây dựng một ASEAN phát triển thông qua khẩu hiệu “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”.

Nhằm nhìn lại 56 năm thành lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với những thành quả đã đạt được và hiểu thêm về định hướng, vai trò của Indonesia khi làm chủ tịch luân phiên ASEAN, Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM Agustaviano Sofjan bày tỏ, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã đưa chúng ta vào kỷ nguyên chia sẻ tiềm năng kinh tế, nơi mà sự tiến bộ của một quốc gia thành viên có thể ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của tất cả quốc gia còn lại. Ngày ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giao lưu văn hóa và kết nối nhân dân. Sự đa dạng là sức mạnh của chúng ta, và thông qua giao lưu văn hóa, lễ hội và các chương trình giáo dục, chúng ta tôn vinh không chỉ sự khác biệt mà còn cả những giá trị gắn kết chúng ta lại với nhau.

Những kết nối này thúc đẩy sự hiểu biết, tôn trọng và đoàn kết giữa tất cả chúng ta. ASEAN có ba trụ cột không thể thiếu để thúc đẩy sự thống nhất, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Những trụ cột này – cụ thể là Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN.

Năm nay, Indonesia là Chủ tịch luân phiên ASEAN và nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia được thực hiện vào thời điểm thế giới ngày càng trở nên phức tạp. Indonesia đã thông qua chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”. 

"Trong nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia, chúng tôi có kế hoạch duy trì Đông Nam Á như một tâm điểm của sự tăng trưởng, nơi người dân có thể tận hưởng sự thịnh vượng. Mặc dù ASEAN đã đạt được những bước tiến đáng kể, nhưng phải thừa nhận rằng chúng ta đối mặt với sự chênh lệch trong phát triển, các mối đe dọa an ninh đang gia tăng và các vấn đề toàn cầu đòi hỏi sự quan tâm chung của chúng ta", Tổng lãnh sự Agustaviano Sofjan nhấn mạnh.

Tại Lễ kỷ niệm, BTC đã công bố lịch trình cuộc thi Đại sứ Văn hóa ASEAN năm 2023 trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa Đông Nam Á lần thứ XI năm 2023, do Trường ĐH Mở TP.HCM phối hợp Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP.HCM tổ chức. Theo đó, Lễ hội được tổ chức từ ngày 10-24.9.2023 với các hoạt động trình diễn trang phục văn hóa các nước Đông Nam Á, Ngày hội văn hóa Đông Nam Á với các gian hàng ẩm thực, trò chơi dân gian, trình diễn áo dài, giao lưu văn nghệ ASEAN và chung kết Cuộc thi Đại sứ Văn hóa ASEAN năm 2023.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc