Thanh Hóa thiếu hơn 6.800 giáo viên

VHO - Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra tại tất cả cấp học ở Thanh Hóa, đặc biệt là thiếu giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, chất lượng dạy - học ngoại ngữ còn thấp so với yêu cầu và bình quân chung của cả nước. Đây là nội dung được đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa quan tâm tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII vừa diễn ra.

Tại kỳ họp này, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã trả lời chất vấn các vấn đề về tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra tại tất cả các cấp học, đặc biệt là các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Theo ông Thức, so với định mức, hiện toàn tỉnh còn thiếu trên 6.800 giáo viên, trong đó thiếu 277 giáo viên tiếng Anh giáo viên Tin học thiếu 680 người, giáo viên Âm nhạc thiếu 12 người, giáo viên Mỹ thuật thiếu 209 người. Nguyên nhân thiếu giáo viên theo ông Thức là do "trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp hơn so với nhu cầu tính theo định mức quy định của tỉnh, thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo". Các năm trước đây tỉnh không tuyển dụng giáo viên để bổ sung cho số nghỉ hưu. Do chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi cơ cấu bộ môn nên có môn thừa, có môn thiếu cục bộ. Có sự bất cập giữa chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành và việc đào tạo nguồn sinh viên đáp ứng yêu cầu tại các trường đại học, nguồn tuyển đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông mới thiếu, nhất là giáo viên môn văn hóa bậc tiểu học và bộ môn đặc thù tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật.

Thanh Hóa thiếu hơn 6.800 giáo viên - Anh 1

Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII

Để xảy ra thiếu giáo viên nêu trên, ông Thức cho rằng trách nhiệm của ngành GD&ĐT là chưa tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp có tính đột phá, để khắc phục có hiệu quả tình trạng thiếu giáo viên. Ông Thức cũng đưa ra các giải pháp ưu tiên tuyển dụng trước số giáo viên bộ môn thiếu nhiều, khi chưa kịp tuyển dụng thì hợp đồng lao động làm giáo viên đối với sinh viên mới ra trường và số đã nghỉ hưu còn đủ sức khỏe, tâm huyết với nghề. Bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp, tăng tiết nhằm đảm bảo dạy học theo chương trình mới.

Hiện nay tại Thanh Hóa có trên 2.580 giáo viên tiếng Anh. Về năng lực, khảo sát năm 2019 số lượng đạt trình độ năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu Bộ GDDDT chỉ 44,8%. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, điểm trung bình môn ngoại ngữ của tỉnh Thanh Hóa ở mức thấp (4,51), đứng thứ 47 cả nước. Kết quả khảo sát đầu ra đối với lớp 12 năm học 2022-2023, điểm trung bình môn ngoại ngữ lớp 12 đạt 5,58 điểm, chất lượng dạy, học ngoại ngữ tại Thanh Hóa còn thấp so với yêu cầu và bình quân chung của cả nước.

Nguyên nhân của việc dạy và học ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu là do hầu hết người dạy, người học nhìn nhận ngoại ngữ là môn kiến thức, không phải môn học ngôn ngữ cần thực hành, tập luyện để đạt được kỹ năng. Việc dạy và học ngoại ngữ vẫn chỉ tập trung cho việc thi đỗ môn học, mà ít quan tâm đến việc sử dụng ngoại ngữ như công cụ giao tiếp, làm việc. Để diễn ra thực trạng nêu trên, ông Thức cho rằng trách nhiệm của Sở GD&ĐT là biết năng lực ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên tiếng Anh sau khảo sát có kết quả thấp nhưng chưa làm tốt việc phối hợp với các cơ sở đào tạo, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên.

Để nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế của giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa, tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đề nghị UBND tỉnh ngay sau kỳ họp này chỉ đạo các sở: GD&ĐT, Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung về các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, đề nghị cần tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học. Khẩn trương hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyển dụng kịp thời, hết chỉ tiêu biên chế được giao, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu nhiều, như: Văn hóa, Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật đối với bậc tiểu học; Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật đối với bậc THCS; Âm Nhạc, Mỹ thuật đối với bậc THPT.

Thanh Hóa thiếu hơn 6.800 giáo viên - Anh 2

Thanh Hóa thiếu hơn 6.800 giáo viên

Tiếp tục thực hiện biệt phái giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu; triển khai việc dạy liên môn, liên cấp, liên trường ở những nơi có điều kiện; hợp đồng lao động với số giáo viên đã nghỉ hưu còn đủ sức khỏe, tâm huyết với nghề và sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, năng lực quản lý, giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ…

Về các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc dạy và học ngoại ngữ, bao gồm Tiếng Anh và các môn ngoại ngữ khác. Phấn đấu đến năm học 2025 - 2026, bố trí đủ giáo viên dạy học ngoại ngữ cho tất cả các cấp học, nhất là các huyện miền núi; trước mắt, thực hiện tuyển dụng, hợp đồng giáo viên ngoại ngữ, thực hiện biệt phái giáo viên Tiếng Anh (THPT) từ miền xuôi lên miền núi để giảm thiểu tình trạng thiếu giáo viên ngoại ngữ khu vực miền núi.

Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; bảo đảm 100% giáo viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn trình độ theo quy định, 100% giáo viên đạt trình độ năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Bố trí, sắp xếp công tác khác hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với giáo viên không đạt yêu cầu theo quy định. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi hùng biện, sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh trong trường học, tạo ra không gian cởi mở, thân thiện, khuyến khích giáo viên và học sinh tích cực tự học, tự nâng cao trình độ, phát triển kỹ năng giao tiếp. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu cho bộ môn ngoại ngữ...

Về nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng nhiều giáo viên, học sinh không còn được hưởng chính sách của các xã đặc biệt khó khăn khi thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh khẩn trương phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng đề án hỗ trợ giáo dục học tập theo vòng đời cho học sinh dân tộc thiểu số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Nghị định quy định chính sách cho học sinh, học viên ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có học sinh hưởng chính sách (thay thế Nghị định số 116 ngày 18.7.2016 của Chính phủ)...

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc