Sức sống của Zèng

VHO- Dệt Zèng (một loại thổ cẩm) của đồng bào Tà Ôi tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016.

 

Sức sống của Zèng - Anh 1

 Nghệ nhân Mai Thị Hợp có gần 50 năm gắn bó với dệt Zèng

Nghệ thuật và nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi tại huyện miền núi A Lưới đã và đang được phát huy giá trị. Thời gian qua, UBND huyện đã xây dựng chương trình khôi phục nghề dệt Zèng ở các xã Lâm Đớt, Quảng Nhâm, A Roàng và thị trấn A Lưới... Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 6 hợp tác xã dệt Zèng được thành lập với sự tham gia của hàng trăm phụ nữ Tà Ôi, vừa giữ được văn hóa truyền thống vừa phát triển kinh tế. Ngoài ra, rất nhiều đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hy đang sinh sống trên địa bàn huyện A Lưới cũng tham gia học hỏi để cùng phát triển nghề dệt Zèng.

Nghệ nhân Mai Thị Hợp, Giám đốc hợp tác xã Thổ cẩm xanh AzaKooh, người có gần 50 năm gắn bó với dệt Zèng cho biết: “Đối với người Tà Ôi, Zèng được xem là sản phẩm văn hóa tiêu biểu, vậy nên những người con ở miền núi A Lưới luôn nỗ lực giữ gìn nghề truyền thống, nhiều thế hệ đi trước miệt mài truyền nghề cho con cháu, cho cộng đồng”. Theo nghệ nhân Mai Thị Hợp, trước đây, nguyên liệu chuẩn bị cho dệt Zèng được lấy hoàn toàn từ tự nhiên nên để tạo ra một sản phẩm phải mất rất nhiều công đoạn và tốn thời gian. Sau này, dệt Zèng sử dụng nguyên liệu là sợi cotton, sợi chỉ, sợi len được nhiều màu sắc như đen, đỏ, xanh đậm, trắng…

“Zèng của đồng bào Tà Ôi còn mang nét văn hóa độc đáo từ hoa văn trang trí được sắp xếp độc đáo, tinh tế từ những hạt cườm. Hạt cườm vừa có “nhiệm vụ” cách điệu để cho tấm Zèng đẹp hơn, nhưng cũng chính là phương tiện chuyển tải, mô phỏng những hình ảnh về động - thực vật có trong tự nhiên và môi trường sống của người Tà Ôi, những vật dụng trong đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt và chiến đấu của dân tộc Tà Ôi...”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới nhấn mạnh.

Ban đầu nghề dệt Zèng chỉ mang tính tự cung tự cấp, thậm chí có thời điểm đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng với những nỗ lực của chính quyền địa phương và các nghệ nhân có tay nghề, công tác trao truyền nghề đã được thực hiện bài bản, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát triển dệt Zèng. Hiện nay tại huyện A Lưới, nguồn nhân lực có tay nghề về dệt Zèng rất lớn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Trung bình mỗi tấm vải Zèng bán ra ngoài thị trường có giá từ 200.000 - 500.000 đồng/tấm, có loại đến gần 2 triệu đồng. Ngoài bán cho các địa phương truyền thống như huyện miền núi Nam Ðông (Thừa Thiên Huế), huyện Ðông Giang, Tây Giang (Quảng Nam), Hướng Hóa, Ðakrông (Quảng Trị)..., sản phẩm Zèng của A Lưới đã và đang được xuất khẩu thường xuyên ra nước ngoài theo đơn đặt hàng. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc