Vị thế của thương cảng Hội An và hệ thống thương cảng Nam Trung Bộ

VHO -Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Trung tâm) vừa phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức Hội thảo “Thương cảng Hội An và hệ thống thương cảng Nam Trung Bộ - Tiềm năng, vị thế và các mối giao lưu vùng, liên vùng”.

Vị thế của thương cảng Hội An và hệ thống thương cảng Nam Trung Bộ - Anh 1

 Quang cảnh hội thảo

PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV cho biết, Hội thảo lần này nhằm hướng đến những nhận thức mới, sâu sắc và toàn diện hơn về Hội An và các thương cảng vùng Nam Trung Bộ; khảo cứu làm rõ tiềm năng, thế mạnh của hệ thống thương cảng nhằm hướng đến một cái nhìn ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn về vai trò, vị thế của hệ thống thương cảng miền Trung trong mối liên hệ vùng, liên vùng và liên Á. Các tham luận của các nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo rất đa dạng, từ cách tiếp cận chuyên ngành và liên ngành cùng nhiều báo cáo chuyên sâu, khai thác được những nguồn tư liệu mới, trong đó có những nguồn tư liệu điều tra, khảo sát thực tế tại địa phương... Tất cả đều nhằm mục tiêu tiếp tục làm sáng tỏ truyền thống biển Việt Nam và những mối liên hệ vùng, liên vùng rộng lớn của Hội An và các thương cảng, trung tâm kinh tế Nam Trung Bộ với các thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ các nội dung cơ bản sau: Nghiên cứu một cách hệ thống quá trình hình thành, phát triển của Đô thị cổ Hội An và hệ thống thương cảng Nam Trung Bộ qua các thời kỳ lịch sử và những bước chuyển căn bản của Hội An và các cảng thị Nam Trung Bộ…

Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh chia sẻ, từ một “Chiêm cảng” bị suy tàn vào thế kỷ XVI, Hội An mau chóng phục hưng và trở thành trung tâm thương mại của Đông Nam Á. Hội An giữa vai trò trung tâm điều phối cho các thương cảng miền Trung như Thanh Hà (Huế), Thị Nại (Bình Định) và cùng với các cảng Đồng Nai, Sài Gòn, Hà Tiên,… trở thành những thương cảng trọng yếu ở đàng Trong. Không những thế, với vai trò là trung tâm liên vùng, Hội An đã cùng với Goa (Ấn Độ), Ayuthaya (Siam), Malacca (Malaysia),… nối kết với Formosa (Đài Loan), Ma Cao, Hạ Môn (Trung Quốc), Pusan (Hàn Quốc),… tạo nên một hệ thống thương mại hoàn chỉnh của châu Á. Ngày nay, những dấu ấn còn lại về sự giao lưu vùng, liên vùng, liên khu vực và quốc tế vẫn còn đậm nét đặc trưng kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hội An, góp phần tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu để UNESCO công nhận Hội An là di sản văn hóa thế giới. Đó là một bài học quý từ quá khứ nhưng vẫn còn nguyên giá trị đương đại.

“Với định hướng xây dựng thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch, từ thành phố di sản hướng đến thành phố sáng tạo, ứng cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2023, Hội An cần có những cơ chế, chính sách, giải pháp chủ động mở rộng giao lưu, chú trọng hợp tác nghiên cứu trên các lĩnh vực quản lý và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, quản lý và bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với thiên tai, giải quyết vấn đề môi trường,…”, ông Lanh nhấn mạnh.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc