"Nỗi ám ảnh cuộc đời": Tập truyện ngắn giản dị, xúc động

VHO- Tập truyện ngắn Nỗi ám ảnh cuộc đời của tác giả Trần Anh Tuấn do NXB Hội Nhà văn dù chỉ vừa mới phát hành nhưng đã được giới chuyên môn nhận định là tác phẩm có sức lay động lòng người.

Nhà báo, Th.s Trần Anh Tuấn từng có thời gian giảng dạy ở các Học viện của quân đội. Đến năm 1995, ông chuyển ngành về làm cán bộ giảng dạy Khoa Chính trị Nhạc viện Hà Nội. Với khiếu viết văn, ông tiếp thu rất nhanh kiến thức về văn học và thực hành viết. Một số bản thảo ông từng viết như chân dung NSND Trần Hiếu, NSND Trần Thu Bạch Hà, NSND Trung Kiên… để đăng trong chuyên mục "Những người nổi tiếng". Chất lượng bài viết của ông được đánh giá rất tốt, nhiều tác phẩm đã được đăng báo.

Tập truyện ngắn đầu tay Nỗi ám ảnh cuộc đời của Trần Anh Tuấn

Theo nhà thơ, TS. Trần Quang Đạo, Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhi đồng: “Chưa bao giờ tôi thấy Tuấn viết văn cả. Ấy vậy mà trong một năm vừa qua, có lẽ do Covid nên thời gian ở nhà nhiều, Tuấn bắt đầu lao vào viết văn. Tôi thấy Tuấn gọi điện mon men hỏi mượn tôi các cuốn sách lý luận viết văn. Tôi ngạc nhiên nói: "Ông còn định kiêm thêm nghề viết văn nữa hay sao mà hỏi, khó lắm. Ông muốn đâm đầu vào đá à?".

Lúc đầu viết bút ký đơn giản như Ký ức Vị Xuyên; Dòng sông tuổi thơ rồi sau đó bắt đầu viết truyện ngắn… Nhà báo, Th.s Trần Anh Tuấn khiến nhà thơ, TS. Trần Quang Đạo ngạc nhiên về khả năng viết văn của ông. “Tôi coi đây như một "hiện tượng", bởi trong một thời gian ngắn, Tuấn cho ra đời nhiều bút ký và truyện ngắn. Những bút ký và truyện ngắn Tuấn viết ra đều được đăng trên Thời báo Văn học Nghệ thuật và Tạp chí Văn hóa phát triển. Tuấn viết rất lên tay, truyện sau chắc tay hơn truyện trước”, Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhi đồng chia sẻ.

Trong tập truyện ngắn Nỗi ám ảnh cuộc đời, truyện ký Đêm chia muỗi ông viết khá xúc động, hấp dẫn về một cô gái Quảng Bình mồ côi cha mẹ sống một mình, nhưng với tấm lòng bao dung dám bỏ màn để cùng chia muỗi với bộ đội… Đặc biệt truyện ngắn Hào đoàn phí thấm máu lại càng xúc động hơn. Trần Anh Tuấn đã dựa trên một cốt chuyện có thật và khai thác một cách sáng tạo làm cho độc giả thấy được một giá trị nhân văn mà chưa một tác phẩm văn học nào đề cập đến. Một người lính pháo binh trước lúc hy sinh vẫn rút trong ngực áo mình một tờ hai hào (mệnh giá lúc bấy giờ) nhờ anh em đồng đội đóng đoàn phí… Đó là một chi tiết hết sức xúc động phản ánh tinh thần trách nhiệm trước tập thể của người chiến sĩ… Hay truyện ngắn Kỷ vật của người đã khuất, Trần Anh Tuấn viết về một chiến sĩ chiến đấu ở mặt trận biên giới, mặc dù rất ác liệt nhưng vẫn tranh thủ mài dũa những mảnh đạn pháo làm thành những chiếc nhẫn, chiếc lược để gửi về tặng người yêu. Trước lúc hy sinh, người chiến sĩ vẫn băn khoăn "Không biết món quà đã đến tay người yêu chưa"…

Nhận xét thêm, nhà thơ, TS. Trần Quang Đạo cho hay: “Trần Anh Tuấn có vốn sống khá phong phú, đặc biệt là những năm tháng đời lính đã cho anh những chi tiết hiện thực sống động, có thể nói là rất đắt. Truyện ngắn cần chi tiết sống động để bồi đắp cho cốt truyện, làm cho truyện "sống" được, Tuấn đã có đầy đủ điều đó. Đọc truyện của Tuấn viết, tôi thấy nó rất hấp dẫn và cũng rất thực. Vì nó tươi nguyên sự sống… Bên cạnh đó, văn của Trần Anh Tuấn mộc mạc, chân thật, đã gây xúc động mạnh cho người đọc”.

VŨ ANH

Ý kiến bạn đọc