Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Cần tận dụng sức mạnh cộng đồng

VHO- Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) vừa xây dựng Ứng dụng phần mềm VN0khoithuoc trên điện thoại di động nhằm góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa các quy định về môi trường không khói thuốc. Mục đích nhằm phát huy vai trò của người dân và tận dụng sức mạnh cộng đồng để phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc.

Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Cần tận dụng sức mạnh cộng đồng - Anh 1

Trang chủ Vn0khoithuoc

 Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp.

Tại Việt Nam, sau khi Luật PCTHTL được ban hành cùng với sự ra đời của Quỹ PCTHTL và các hoạt động thực thi pháp luật, đến nay công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, năm 2020 tỷ lệ người sử dụng thuốc lá giảm từ 22,5% xuống 21,7%; tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: Nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà...

Tuy nhiên, công tác PCTHTL còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ sử dụng thuốc lá tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện và mua bán trái phép (thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, shisha) diễn ra ở khắp mọi nơi, ý thức tuân thủ quy định về địa điểm cấm hút thuốc của nhiều người dân còn hạn chế... Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTHTL (Bộ Y tế) cho biết, thực thi các quy định về PCTHTL, công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính tại các địa điểm cấm hút thuốc đã được triển khai và đã kiểm tra được 1.927 đơn vị/cơ sở, xử phạt 376 trường hợp về vấn đề môi trường không khói thuốc theo quy định của Luật, với số tiền xử phạt là 563,9 triệu đồng. Năm 2021, Bộ Công an đã tổ chức 15 đợt thanh kiểm tra tại 599 đơn vị, xử phạt 15 trường hợp vi phạm với số tiền là 120 triệu đồng. Ngoài ra, công tác kiểm tra thực hiện Luật PCTHTL còn được lồng ghép với kiểm tra an toàn thực phẩm, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ...

Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Cần tận dụng sức mạnh cộng đồng - Anh 2

 Người dân phát hiện vi phạm quy định về hút thuốc lá có thể báo cơ quan chức năng qua ứng dụng Vn0khoithuoc Ảnh: VIỆT LÂM

Mặc dù công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTHTL có nhiều biến chuyển, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi do còn tồn tại nhiều hạn chế. “Trước thực trạng này, Quỹ PCTHTL vừa xây dựng ứng dụng phần mềm có tên gọi VN0khoithuoc trên điện thoại di động nhằm góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa các quy định về môi trường không khói thuốc. Mục đích nhằm phát huy vai trò của người dân và tận dụng sức mạnh cộng đồng để phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc”, ông Lương Ngọc Khuê cho hay.

Theo đó, phần mềm Vn0khoithuoc được thiết lập với 2 ứng dụng: Dành cho người phản ánh để quay video/chụp ảnh các hành vi vi phạm và gửi về cơ quan chức năng; Dành cho các cơ quan chức năng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh. “Như vậy, phần mềm là sự kết nối giữa người dân với các đội tuần tra, kiểm tra, tổ dân phố cũng như các đội trật tự đô thị và UBND các phường trong việc báo cáo, xử lý các vi phạm về trật tự đô thị. Thông qua phần mềm này, bất kỳ người dân nào sử dụng điện thoại thông minh cũng có thể tham gia vào quá trình thực thi và giám sát chính sách, pháp luật. Các cán bộ thực thi được nâng cao nhận thức và các kỹ năng tiếp nhận, xử lý các báo cáo vi phạm của người dân gửi đến”, Giám đốc Quỹ PCTHTL nhấn mạnh.

Trước mắt, phần mềm được triển khai thí điểm đầu tiên trên cả nước tại hai quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ (Hà Nội) trong năm 2022. Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đã ban hành kế hoạch triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát hiện và xử lý vi phạm quy định của Luật PCTHTL. Còn ở quận Tây Hồ, Phòng Y tế quận cũng đã thành lập đội ngũ cán bộ thực thi gồm 20 thành viên và 16 tình nguyện viên. Thông tin phản ánh của người dân sẽ được tiếp nhận và xử lý bởi cơ quan UBND cấp quận và chuyển xuống cấp xã/phường nơi có cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý, đồng thời chuyển lại kết quả để người dân theo dõi, giám sát quá trình xử lý. Với những kinh nghiệm triển khai tại đây, Quỹ PCTHTL mong muốn nhân rộng mô hình huy động sự tham gia của cộng đồng trong thực thi Luật PCTHTL trên toàn quốc nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra việc tuân thủ các quy định môi trường không khói thuốc và thúc đẩy hiệu quả thực thi Luật PCTHTL. 

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc