Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Không nên “phụ nữ phải ngồi mâm dưới”

Thứ Tư 08/12/2021 | 09:40 GMT+7

VHO- Mất cân bằng giới tính, không coi trọng con gái… trong gia đình là những biểu hiện bất bình đẳng làm cản trở sự phát triển của phụ nữ. 

 Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cùng nhạc trưởng Honna Tetsuji trong chương trình hòa nhạc “Là con gái để tỏa sáng”

Mới đây, những phát ngôn của nhân vật Công Hoàng trong chương trình “Hành lý tình yêu” được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam đã chịu phản ứng dữ dội của cộng đồng. Tại chương trình Công Hoàng nhận mình là người Huế và nêu quan điểm về việc “nếu vợ không sinh con trai sẽ ly hôn”, “nhà có cỗ thì phụ nữ trong gia đình phải ngồi mâm dưới”…
Định kiến giới là nguyên nhân của bất bình đẳng giới
Bình luận về nội dung này, bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, những lời nói của Công Hoàng không chỉ “đụng chạm” đến người Huế mà là còn xúc phạm đến phụ nữ và nhiều nam giới. Dù là một trò chơi nhưng phát biểu trên truyền hình cũng khó chấp nhận một người đàn ông gia trưởng, cổ hủ, lạc hậu như vậy. “Suy nghĩ của anh ta như thể anh ta đang sống ở thế kỷ 15 - 16, tự nhiên xuất hiện ở thế kỷ 21 mà không trải qua quá trình học hành, cập nhật kiến thức, không biết gì về thay đổi của thời cuộc. Nếu anh ta là người có học thức, hay có trình độ đại học thì thật khó hiểu vì anh ta chẳng học được gì từ thực tế cả. Người Huế cũng có nếp sống truyền thống nhưng cũng không đến mức như thế”, bà Khuất Thu Hồng bày tỏ.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, định kiến giới là nguyên nhân sâu sa của bất bình đẳng giới, bạo lực với phụ nữ. Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ năm 2019 cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người đã phải chịu một hoặc nhiều hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế và kiểm soát hành vi của chồng trong cuộc đời của họ. Tuy nhiên, bạo lực gia đình phần lớn bị che giấu ở Việt Nam. Gần một nửa số phụ nữ không nói với ai khi bị bạo lực và hầu hết tất cả phụ nữ (90,4%) từng bị chồng bạo lực thể xác, bạo lực tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ nào từ các nhà cung cấp dịch vụ chính thức, phần lớn vì sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và sự quấy rối gia tăng.
Ngoài ra, hiện nay Việt Nam có số lượng trẻ em trai nhiều hơn số trẻ em gái cao thứ ba tại châu Á, đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Vì nhiều cặp vợ chồng vẫn muốn có con trai hơn là có con gái và vẫn tồn tại hiện tượng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới khi còn là bào thai. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh đã tăng lên và đạt mức cao nhất là 111,5 trẻ sơ sinh nam trên 100 trẻ sơ sinh nữ vào năm 2019, tỷ số giới tính “tự nhiên” hoặc “bình thường” về mặt sinh học là từ 105 đến 106. Bằng chứng cho thấy sự mất cân bằng nhân khẩu học này là kết quả của việc lựa chọn giới tính trước khi sinh, trên cơ sở định kiến giới, có thể liên quan đến việc chấm dứt thai kỳ khi thai nhi được xác định là nữ. Ước tính của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) cho thấy, hằng năm có 45.900 trẻ em gái ở Việt Nam đã không được chào đời.
Cùng nhau hướng tới một xã hội bình đẳng
Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, vừa qua UNFPA phối hợp với Bộ VHTTDL và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức hòa nhạc với các trích đoạn opera nổi tiếng với tiêu đề “Là con gái để tỏa sáng”. Dưới sự điều khiển của Nhạc trưởng tài ba, ông Honna Tetsuji, buổi hòa nhạc bao gồm các trích đoạn opera nổi tiếng của các nhà soạn nhạc tài ba trên thế giới: Gioachino Rossini, Wolfgang Amadeus Mozart, Gaetano Donizetti, Giacomo Puccini và Giuseppe Verdi và được thể hiện qua các giọng hát opera thành đạt của Việt Nam, đó là Đào Tố Loan (giọng nữ cao); Bùi Thị Trang (giọng nữ cao); Lê Vành Khuyên (giọng nữ cao); Hương Ly (giọng nữ cao); Tùng Lâm (giọng nam cao); Trường Linh (giọng nam cao); và Nguyễn Đức Huy (giọng nam trầm).
Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ Trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL đã nêu bật vai trò đóng góp quan trọng của đêm hòa nhạc: “Chúng tôi hy vọng thông qua hòa nhạc, chúng ta có thể tạo ra một quyền lực mềm, gửi đến mỗi gia đình thông điệp hãy cùng nhau xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hòa nhạc Opera Gala “Là con gái để tỏa sáng” mong muốn tạo sự tự tin và tự hào được là con gái”.
Việt Nam trong những thập kỷ qua cũng đã đạt được nhiều tiến bộ về bình đẳng giới, tuy nhiên bạo lực gia đình và việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn còn tồn tại. Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện của UNFPA nhấn mạnh: “Chúng tôi thực sự mong muốn kêu gọi mọi người hãy chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Và chúng tôi cũng mong muốn kêu gọi mọi người hãy từ bỏ suy nghĩ chỉ muốn có con trai và từ bỏ việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Chúng ta hãy cùng nhau hướng tới một xã hội bình đẳng mà ở đó phụ nữ và trẻ em gái được tôn trọng và được tỏa sáng”. 

 THẢO LAM 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top