Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Hình thành không gian đi bộ tại phố Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội: Đâu là yếu tố mang tính "bản sắc" để cuốn hút?

Thứ Hai 06/12/2021 | 09:48 GMT+7

VHO- Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám có định hướng đề xuất với TP Hà Nội xây dựng khu vực này trở thành phố đi bộ cuối tuần với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn.

 Mapping k chuyn đạo hc ti Văn Miếu

Đề xuất này với mong muốn đưa không gian Văn Miếu- Quốc Tử Giám trở thành tuyến phố đi bộ phục vụ du khách tham quan cả ngày lẫn đêm.

3D Mapping kể chuyện đạo học Việt Nam

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu- Quốc Tử Giám cho biết, năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã chuyển hướng sang nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc thù nhằm thích ứng với điều kiện mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan và sẵn sàng chuẩn bị phục vụ du khách khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

“Tháng 3.2020, Trung tâm đã phối hợp với Công ty cổ phần Vietsoftpro chuẩn bị những bước đi đầu tiên cho dự án công nghệ 3D Mapping kể chuyện đạo học Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một dự án cần có đầu tư kinh phí lớn, phải có sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền và cần thời gian nghiên cứu nội dung kỹ lưỡng cho nên quá trình chuẩn bị kéo khá dài…”, ông Kiêu cho hay. “Bữa tiệc” 3D mapping “thết đãi” các đại biểu nhân dịp Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra vào giữa tháng 11 vừa qua đã thực sự khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, bởi “bàn tay ma thuật” của công nghệ đã khoác lên di tích một diện mạo lung linh, mê hoặc. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Kiêu cho biết, sản phẩm ra mắt này mới chỉ giới thiệu về mặt công nghệ mà chưa có nội dung kịch bản hoàn chỉnh được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu khoa học và yếu tố nghệ thuật.

Thời gian gần đây, không chỉ có công nghệ 3D mapping, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn giới thiệu các sản phẩm ứng dụng công nghệ như hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, tham quan ảo 3D trên internet, trải nghiệm di tích bằng công nghệ thực tế ảo VR 360. Trong đó, khi trực tiếp trải nghiệm ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR, khách tham quan sẽ được “du hành thời gian”, đặt chân trên nền đất Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ lúc mới khởi dựng năm 1070. Cũng bằng công nghệ này, Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện lên ở mọi khung giờ, với những cảm nhận đặc sắc về không gian, ánh sáng của di tích, tuỳ thuộc vào mong muốn của người sử dụng. Chia sẻ về những sản phẩm trong Đề án “Phát triển du lịch thông minh tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0”, Giám đốc Lê Xuân Kiêu cho biết thêm, sau khi được UBND TP phê duyệt Đề án, Trung tâm sẽ triển khai các công việc liên quan đến xây dựng nội dung, kịch bản, sản phẩm hoàn chỉnh và vận hành tổ chức giới thiệu sản phẩm đến công chúng. Các câu chuyện về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về đạo học Việt Nam sẽ được giới thiệu trên nền tảng công nghệ, đa dạng, phong phú và khách tham quan có thể quay lại nhiều lần để thưởng thức những tác phẩm mới.

“Nếu chương trình được đưa vào giới thiệu chắc chắn sẽ có quy mô lớn hơn, sẽ được tổ chức bài bản, chặt chẽ hơn và cần sự hợp tác của nhiều tổ chức, cá nhân. Trong đó, Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học để nghiên cứu, xây dựng nội dung, kịch bản chương trình; phối hợp với các đơn vị lữ hành trong việc xây dựng sản phẩm dựa trên nhu cầu của khách tham quan và đưa khách tham quan đến trải nghiệm. Bên cạnh đó là những phối hợp về mặt công nghệ và truyền thông…”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết.

Không gian đi bộ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có gì?

Có một thực tế là thực cảnh về đạo học phải được tổ chức thực hiện vào ban đêm, tuy nhiên hiện nay di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám mới mở cửa đón khách vào ban ngày. Theo Đề án “Phát triển du lịch thông minh tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0”, không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ được tổ chức thành không gian phố đi bộ vào buổi tối.

Giám đốc Trung tâm cho biết, hoạt động trải nghiệm công nghệ 3D mapping về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về đạo học Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn nếu các tuyến phố Văn Miếu, Quốc Tử Giám của quận Đống Đa được tổ chức thành không gian đi bộ. Khi nhà ga S11 (phố Quốc Tử Giám) của tuyến tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động, khu vực này sẽ là điểm giao thông quan trọng của thành phố với lưu lượng người qua lại rất đông. Việc kết nối các khu nội tự với hồ Văn và vườn Giám bằng nhiều hoạt động cả ban đêm và ban ngày gắn với giá trị của di tích, với giáo dục là cơ sở quan trọng cho tuyến phố đi bộ xung quanh di tích. Không gian phố đi bộ có thể giới thiệu về sách, thư pháp, văn phòng tứ bảo; trải nghiệm cuộc sống của những sĩ tử từ các tỉnh về Thăng Long trọ học khu vực xung quanh trường Giám xưa. Những hoạt động bên trong và bên ngoài di tích gắn kết với nhau tạo thành bản sắc riêng của không gian đi bộ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trên nền tảng giá trị lịch sử, văn hóa giáo dục và đạo học Việt Nam.

Về ứng dụng công nghệ 4.0 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia chia sẻ: “Với việc ứng dụng công nghệ, du khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ có nhiều cơ hội để trải nghiệm văn hóa, tương tác và đối thoại với quá khứ, với những con người huyền thoại trong lịch sử giáo dục của Việt Nam thông qua một nút bấm trên thiết bị thông minh. Ứng dụng công nghệ cũng tạo điều kiện cho du khách quyền chủ động tìm hiểu cái mình cần, tự giác học tập và thu nhận kiến thức phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch hiện đại”.

Sản phẩm nhằm khai thác vẻ đẹp Văn Miếu - Quốc Tử Giám về đêm này nếu được hoàn thành sẽ cùng với sản phẩm đêm của di tích Nhà tù Hỏa Lò và Hoàng thành Thăng Long tạo nên nét độc đáo cho các sản phẩm du lịch Hà Nội. Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, ứng dụng công nghệ giúp Văn Miếu - Quốc Tử Giám xây dựng được nhiều nội dung tham quan. Tuy vậy, khi xây dựng thành sản phẩm du lịch, cần tính toán đến việc cảm thụ của khách. Việc ứng dụng công nghệ số nếu làm tốt sẽ tạo sự độc đáo cho sản phẩm du lịch, vừa phát huy, vừa bảo tồn tốt di tích. 

 Hoạt động trải nghiệm công nghệ 3D mapping về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về đạo học Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn nếu các tuyến phố Văn Miếu, Quốc Tử Giám của quận Đống Đa được tổ chức thành không gian đi bộ. Khi nhà ga S11 (phố Quốc Tử Giám) của tuyến tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động, khu vực này sẽ là điểm giao thông quan trọng của thành phố với lưu lượng người qua lại rất đông.

Việc kết nối các khu nội tự với hồ Văn và vườn Giám bằng nhiều hoạt động cả ban đêm và ban ngày gắn với giá trị của di tích, với giáo dục là cơ sở quan trọng cho tuyến phố đi bộ xung quanh di tích…

(TS LÊ XUÂN KIÊU, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám)

 

 BẢO ANH; ảnh: MINH AN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top