Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Diễn đàn quốc gia Văn hóa với doanh nghiệp năm 2021: “Chân ga", "chân phanh” cho doanh nghiệp

Chủ Nhật 05/12/2021 | 19:40 GMT+7

VHO- Chiều 5.12 tại Hà Nội, Diễn đàn quốc gia Văn hoá với doanh nghiệp năm 2021 (Culture & Business Forum - CBF) với chủ đề Tiếp biến văn hoá – Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế đã được BTC triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Diễn đàn

Diễn đàn được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội, kết hợp các nền tảng trực tuyến và kết nối với các điểm cầu trong và ngoài nước.
Phát huy “sức mạnh mềm của văn hóa” ngày càng cấp thiết
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thiết thực triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Diễn đàn quốc gia Văn hóa với Doanh nghiệp năm 2021 với chủ đề Tiếp biến văn hóa - Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế là diễn đàn hết sức quan trọng để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp tọa đàm, trao đổi, thống nhất một cách tiếp cận chung về tiếp biến văn hóa để phục hồi, phát triển kinh tế trên tinh thần nhận thức đúng để có hành động đẹp. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa là một mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa là một mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời. Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định lấy ngày 10.11 hằng năm làm Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam. Tại Lễ công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và phát động Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng đã nêu rõ tầm quan trọng của xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh tại Diễn đàn

Bộ trưởng nhấn mạnh, để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, chúng ta rất cần có một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, năng động, đoàn kết, hướng tới phát triển bền vững. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi các doanh nghiệp phát triển hài hòa dựa trên các trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trong đó văn hóa chính là yếu tố cốt lõi, là nền tảng dẫn dắt và điều chỉnh các trụ cột khác.

 “Văn hóa doanh nghiệp có vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả kinh doanh, uy tín kinh doanh, thương hiệu của doanh nghiệp, từ đó dẫn tới sự phát triển ổn định, bền vững cho doanh nghiệp. Sự ổn định và thịnh vượng của các doanh nghiệp cũng chính là sự ổn định và phồn vinh của đất nước...”, Bộ trưởng phát biểu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam Hồ Anh Tuấn trao chứng nhận các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam

Cũng theo Bộ trưởng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đặc biệt là trước những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, nhiệm vụ phát huy “sức mạnh mềm của văn hóa”, tiếp biến văn hóa ngày càng trở nên cấp thiết, nhằm giúp doanh nghiệp xử lý khủng hoảng, định hình và xây dựng chiến lược, lộ trình phục hồi, phát triển kinh tế.
    “Chân ga", "chân phanh” cho doanh nghiệp
Nhiều góc nhìn sắc bén về “Tiếp biến văn hoá và những giá trị dẫn dắt trong phục hồi kinh tế từ góc độ văn hoá kinh doanh” đã được các diễn giả giàu kinh nghiệm chia sẻ tại diễn đàn. Theo GS.TS Từ Thị Loan, tiếp biến văn hóa là kết quả tất yếu của quá trình giao lưu, tiếp xúc và trao đổi văn hóa. Đó là sự tiếp thu và biến đổi văn hóa, tất nhiên, có sáng tạo và vận dụng linh hoạt vào điều kiện Việt Nam. 

Các diễn giả tại Diễn đàn

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, xu hướng tiếp biến nổi trội tại Việt Nam là xu hướng có sự tích hợp, vừa giúp các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gắn với một nền quản trị kinh doanh hiện đại; vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. “Các giá trị văn hóa tích cực chính là nguồn lực mềm để doanh nghiệp chiến thắng trên thị trường, tạo sức bật vượt qua khủng hoảng”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh,
GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lưu ý, trong quá trình tiếp biến văn hóa của doanh nghiệp, cần tôn trọng những giá trị khác biệt và chọn lọc yếu tố phù hợp. Tiếp biến không chỉ là tiếp thu cái mới mà còn tạo dựng thêm những giá trị văn hóa mới trong sự giao thoa.

Bộ trưởng đặt câu hỏi, trao đổi với các diễn giả tại Diễn đàn

Bộ trưởng tặng hoa các diễn giả tham gia Diễn đàn

Nhìn nhận văn hóa doanh nghiệp với vai trò như “chân ga” và “chân phanh” trong sự phát triển của doanh nghiệp, ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) phân tích, với vai trò là “chân ga”, văn hóa giúp doanh nghiệp có lực để vượt đèo cao; ngược lại, với vai trò là nội lực, chiều sâu, văn hóa là “chân phanh” giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, thậm chí không bị rơi xuống vực sâu. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Việt Nam có khát vọng đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Văn hóa Việt Nam, trong đó có Văn hóa doanh nghiệp cần có sự phát triển tương xứng.
“Vắc xin” cho doanh nghiệp
Sôi nổi và thiết thực là những kinh nghiệm thực tiễn, bài học đắt giá được một số doanh nghiệp tiêu biểu chia sẻ trong phiên kế tiếp của diễn đàn, với chủ đề “Vắc xin văn hoá doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19”. Vượt khó, biến nguy thành cơ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là điều không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, trong giông bão, văn hóa doanh nghiệp chính là liều vắc xin vô cùng hữu hiệu.

Bộ trưởng và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết

Bà Trần Trâm Anh, TGĐ Vùng Công ty TNHH Coats Phong Phú chia sẻ, trong bối cảnh đại dịch, văn hóa cũng như một vắc xin “tiêm” vào cơ thể doanh nghiệp. Đủ liều, đúng thời điểm, nếu không sẽ có thể sốc phản vệ. “Chúng tôi luôn xem yếu tố con người là trái tim của doanh nghiệp, trái tim khỏe thì doanh nghiệp khởi sắc, bị lệch nhịp thì chệch choạc. Phải “bắt mạch” trái tim đó thường xuyên…”, bà Trâm Anh bộc bạch.
Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, văn hóa giúp tạo vắc xin cho doanh nghiệp còn liên quan đến “cơ địa” bên trong. Từ khóa “yêu thương và trách nhiệm” chính là cốt lõi, tạo bản lĩnh để doanh nghiệp của ông vượt qua mọi thách thức, đồng thời lan tỏa những giá trị đó tới cộng đồng.

Ở một góc độ khác, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PetroVietnam chia sẻ, văn hóa doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp phát triển nhanh khi thuận lợi, nhưng trong khó khăn cũng giúp vượt qua thách thức. Tập đoàn PetroVietnam với những giá trị cốt lõi được xây dựng trong nhiều năm qua: khát vọng, tiên phong, bản lĩnh và nghĩa tình đã luôn có đủ sức mạnh để vượt qua mọi gian khó, không chỉ trong đại dịch. 
Bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Kết nối Nhân tài (Talentnet) cho hay, có nhiều điểm chung từ các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam; trong đó không thể bỏ qua những yếu tố như: chiến lược rõ ràng; bản sắc riêng; đặt vai trò người lao động làm trung tâm; đóng góp cho Chính phủ và người dân trong chống dịch Covid-19; hướng về sự phát triển bền vững…

Lắng nghe những chia sẻ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt câu hỏi: Trong làn sóng đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp thấy còn thiếu gì trong vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp? Bộ trưởng cũng băn khoăn trước thực trạng đời sống văn hóa công nhân ở nhiều khu công nghiệp còn chưa được quan tâm đúng mức. “Điểm đến của họ là doanh nghiệp có thể là hình mẫu; nhưng điểm đi là nơi ở trọ lại chưa đảm bảo chất lượng, các doanh nghiệp tính toán vấn đề này theo góc độ an sinh ra sao?”, Bộ trưởng thẳng thắn.
Đáp lời Bộ trưởng, ông Lê Trí Thông cho rằng, từ thực tế trong đợt dịch lần thứ tư cho thấy, dường như chúng ta đã tập trung xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế nhiều hơn, nhưng có một hạ tầng khác là vấn đề an sinh, cần phát triển đồng bộ. Bên cạnh đó, hạ tầng liên quan đến văn hóa doanh nghiệp hiện nay còn cục bộ, cần tạo sự kết nối liên thông giữa các doanh nghiệp.

Ông Hoàng Quốc Vượng nêu: “Cơ chế chính sách có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh các hoạt động tôn vinh doanh nghiệp, rất cần có những cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp tập trung xây dựng phát triển văn hóa doanh nghiệp…”.

Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam Hồ Anh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn

Trong lời kết diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam Hồ Anh Tuấn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” trong thời gian tới. Đồng thời, ông Hồ Anh Tuấn cũng đề nghị được phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. “Đặc biệt, cần có những cơ chế chính sách ưu tiên, quan tâm đến các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa doanh nghiệp...”, ông Tuấn nêu.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, BTC đã sơ kết 5 năm triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; tôn vinh Doanh nghiệp Đạt chuẩn Văn hoá Kinh doanh Việt Nam và khen tặng các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. 

PHƯƠNG ANH, ảnh: TRẦN HUẤN

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top