Đằng sau những vinh quang

VHO- Thể thao Việt Nam liên tục đón tin vui trong những ngày qua khi lực sĩ Lê Văn Công giành tấm HCB tại Giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới 2021 diễn ra tại Georgia, còn tay vợt Lý Hoàng Nam vô địch giải quần vợt nhà nghề ở Mexico.

Đằng sau những vinh quang - Anh 1

 Lê Văn Công là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong thể thao và cuộc sống

Để có được tấm huy chương lấp lánh hay chiếc cúp vô địch đẹp lung linh, các VĐV đã cố gắng không ngừng trong tập luyện, họ đã chiến thắng được những cơn đau của chấn thương cũng như khó khăn của dịch bệnh để tập hết sức mình thi đấu tìm kiếm vinh quang.

Ngh lc phi thường

5 năm sau khi giành tấm HCV đầu tiên trong lịch sử thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Rio 2016, lực sĩ Lê Văn Công tiếp tục là người mang về tấm huy chương duy nhất cho nước nhà khi giành HCB tại Paralympic Tokyo hồi cuối tháng 8. Lực sĩ 37 tuổi tiếp tục làm rạng danh thể thao người khuyết tật Việt Nam khi giành tấm HCB thế giới. Như vậy chỉ trong vòng 3 tháng, Văn Công đã liên tiếp đoạt 2 ngôi á quân tại 2 đấu trường danh giá là Paralympic và giải VĐQG, điều mà rất hiếm có VĐV người khuyết tật Việt Nam nào làm được. Và những tấm huy chương của Văn Công sẽ thêm phần lấp lánh hơn, giá trị hơn khi biết rằng lực sĩ này đã nỗ lực rất nhiều trong tập luyện, vượt qua những khó khăn của dịch bệnh cũng như những cơn đau của chấn thương.

Hơn một năm qua, Văn Công chỉ “tập chay” khi không thể tham dự các giải đấu vì dịch Covid-19. Không những thế, anh còn bị chấn thương vai kéo dài dai dẳng khiến việc tập luyện, duy trì phong độ gặp nhiều khó khăn. Thậm chí tại Paralympic Tokyo 2020, Văn Công phải uống thuốc giảm đau để thi đấu và giành HCB. Sau ngày nhận huy chương, chấn thương của Văn Công trở nặng hơn, vai của anh sưng rất to và đau hơn. Văn Công kể lại sau khi về Việt Nam, anh đến bệnh viện chụp MRI, kết quả anh bị rách 75% cơ, rách sụn vai. Bác sĩ yêu cầu anh phẫu thuật để điều trị dứt điểm không thì có nguy cơ phải sớm giải nghệ.

Nhưng Văn Công đã không phẫu thuật ngay vì anh vẫn muốn tham dự giải VĐTG ở Georgia, vì đây là vòng loại Paralympic 2024. Đô cử quê Hà Tĩnh đã nén đau để bước ra sàn đấu, dù tiếp tục thua đối thủ người Jordan, Omar Qarada (VĐV giành HCV Paralympic Tokyo) nhưng thành tích nâng 170kg và tấm HCB cũng rất đáng tự hào với lực sĩ này. “Thời gian qua tôi không được thi đấu ở các giải quốc tế nên thiếu sự cọ xát. Quan trọng là tôi gặp phải chấn thương. Tôi phải nén đau, cố gắng thi đấu vì đây là giải lấy chuẩn dự Paralympic 2024. Tôi đã cố gắng hết sức. Mỗi lần đẩy tạ, vai tôi còn đau lắm”, Văn Công chia sẻ sau khi giành tấm HCB thế giới.

Văn Công bị chứng teo chân từ nhỏ nhưng nhờ đam mê cử tạ, ý chí vượt khó và một nghị lực phi thường, lực sĩ sinh năm 1984 đã trở thành niềm tự hào của thể thao người khuyết tật Việt Nam khi giành rất nhiều huy chương tại Paragames, Paralympic, giải châu Á và thế giới. Hành trình vượt khó đi đến vinh quang của Văn Công chắc chắc sẽ lan tỏa tinh thần tập luyện thể thao và sự quyết tâm, thi đấu vì màu cờ sắc áo.

N lc không ngng

Trong những ngày đầu ở chuyến du đấu tại Mexico để chuẩn bị cho SEA Games 31, Lý Hoàng Nam lập tức tạo tiếng vang cho quần vợt Việt Nam khi vô địch giải nhà nghề M15 Cancun. Đây cũng là danh hiệu vô địch Men’s Futures thứ 4 trong sự nghiệp thi đấu của Hoàng Nam. Trước đó, anh đã thắng tại giải M15 Sharm El Sheikh diễn ra ở Ai Cập hồi cuối tháng 10, giải Vietnam F5 Futures (tháng 9.2016) và giải Thailand F3 Futures (tháng 6.2017). Như vậy, tay vợt số 1 Viêt Nam đã có liền 2 danh hiệu vô địch tại Ai Cập và Mexico chỉ vòng hơn 1 tháng, nhưng điều đáng nói là trước đó, gần 2 năm trời Hoàng Nam chỉ “tập chay” và không tham dự bất kỳ giải quốc tế nào.

Đó là nỗ lực rất lớn của Hoàng Nam bởi với một tay vợt chuyên nghiệp, việc không thi đấu quốc tế trong thời gian dài được xem như là “cực hình”. Tay vợt số 1 Việt Nam từng nằm trong tốp 500 thế giới vào năm 2017, sau đó anh đạt thứ hạng cao nhất vào tháng 11.2018 với vị trí 385 thế giới. Nhưng rồi sự nghiệp của Hoàng Nam bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, việc không được tham dự các giải nhà nghề để tích lũy điểm trong gần 2 năm qua khiến tay vợt này liên tục bị tụt hạng. Thậm chí trước chuyến du đấu tại Ai Cập hồi tháng 10, Hoàng Nam đã rơi xuống tốp 800 và cũng không có HLV đi theo, khi đó anh đã xác định mình sẽ “làm lại từ đầu” trong chuyến du đấu này. Bằng nỗ lực không ngừng cùng sự quyết tâm, Hoàng Nam đã giành được 2 danh hiệu vô địch, tạo bước đà để sớm trở lại tốp 500 thế giới.

Hoàng Nam (cao 1m75) không có được thể hình lý tưởng của một tay vợt nam chuyên nghiệp, anh cũng không có những cú giao bóng uy lực hay lối chơi quá hoa mỹ, nhưng bù lại ở Hoàng Nam là sự toàn diện, bền bỉ. Tay vợt quê Tây Ninh được giới chuyên môn gắn từ “lì” bởi anh rất “lì” trong tập luyện và thi đấu. Hoàng Nam rất chăm chỉ tập luyện, thời gian mà anh có mặt trên sân tập luôn nhiều hơn so với bất kỳ tay vợt Việt Nam nào. Trên sân đấu, Hoàng Nam rất bền bỉ, luôn nỗ lực hết sức và không bao giờ từ bỏ.

“Với Nam, vinh quang đã là quá khứ, phía trước mới thật sự quan trọng. Quần vợt là niềm đam mê lớn nhất và Nam sẽ cố gắng đi đến cuối con đường. Nam sẽ phải nỗ lực và cố gắng nhiều hơn trong tập luyện và thi đấu để hướng đến chặng đường phía trước”, Hoàng Nam chia sẻ. 

 NGC LÝ

Ý kiến bạn đọc